Tiền “ồ ạt” vào thị trường, cổ phiếu chứng khoán bứt phá mạnh liệu còn hấp dẫn?
Từ đầu năm đến nay, hầu hết các cổ phiếu nhóm chứng khoán đều đã tăng vượt trội so với VN-Index với mức tăng phổ biến trên 50%.
- 14-08-2023Góc nhìn CTCK: Cơ hội mở rộng đà tăng vẫn hiện hữu nhưng xu hướng chưa rõ ràng
- 14-08-2023Tâm điểm chứng khoán: Giải mã số tài khoản và dòng tiền mới gia nhập
Thị trường chứng khoán đang trải qua một trong những giai đoạn sôi động nhất trong gần một năm rưỡi trở lại đây. Thanh khoản liên tục được duy trì ở mức cao với giá trị khớp lệnh bình quân từ đầu tháng 8 đến nay đạt xấp xỉ 21.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với tháng 7 và là mức cao nhất trong vòng 17 tháng kể từ tháng 4/2022.
Thị trường giao dịch sôi động thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi để cổ phiếu nhóm chứng khoán hút tiền mạnh. Đặc biệt, bộ đôi SSI, VND còn thường xuyên nằm trong top đầu thanh khoản toàn sàn chứng khoán. Dòng tiền dồi dào đẩy hàng loạt cổ phiếu chứng khoán khoán bứt phá mạnh, nhiều cái tên còn lên đỉnh nhiều tháng.
Từ đầu năm đến nay, hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều đã tăng vượt trội so với VN-Index. Mức tăng trên 50% còn trở nên phổ biến ngay cả với top đầu như SSI VND, VCI, HCM, MBS, SHS,... Nhóm vốn hóa nhỏ hơn thậm chí còn ghi nhận mức tăng bằng lần trên một số cái tên như VIX, BSI, CTS, AGR, FTS,…
Sự khởi sắc của thị trường cũng như nhóm chứng khoán được đánh giá xuất phát từ xu hướng giảm lãi suất thời gian qua. Sau liên tiếp các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi và cho vay tại các ngân hàng thương mại đều đã hạ nhiệt so với giai đoạn trước dù mức độ khác nhau.
Lãi suất giảm giúp kênh chứng khoán trở nên hấp dẫn một cách tương đối so với gửi tiết kiệm ngân hàng qua đó thu hút một phần dòng tiền chuyển dịch sang dù con số có thể không quá lớn. Minh chứng cho điều này là sự gia tăng của nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường thời gian gần đây. Trong tháng 7, số tài khoản chứng khoán mở mới đạt hơn 150.000, cao nhất trong vòng 11 tháng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp nhà đầu tư nội mở mới trên 100.000 tài khoản chứng khoán.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm cũng tạo thêm dư địa để các công ty chứng khoán giảm lãi suất margin qua đó kích thích nhu cầu đòn bẩy của nhà đầu tư. Thời điểm 30/6, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán đã tăng 27.000 tỷ so với cuối quý 1, lên mức 150.000 tỷ đồng. Con số này có thể đã cao hơn ở thời điểm hiện tại khi thị trường vẫn khởi sắc và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện rõ rệt.
Thị trường đi lên với thanh khoản cao cùng margin tăng mạnh tạo điều kiện để các mảng nghiệp vụ chính của công ty chứng khoán là môi giới, cho vay và tự doanh hoạt động hiệu quả. Điều này góp phần tạo nên sự hồi phục khả quan trong hoạt động kinh doanh sau 2 quý đầy khó khăn trước đó. Theo Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV), tổng lợi nhuận toàn ngành chứng khoán đã tăng khoảng 300% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn khoảng 75% so với quý trước.
Định giá liệu còn hấp dẫn?
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp, triển vọng thị trường chứng khoán thời gian tới vẫn được đánh giá tương đối khả quan. Cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường. Tuy nhiên, một yếu tố có thể sẽ cản trở đà đi lên của nhóm này là mức định giá không còn quá hấp dẫn.
Đa phần các cổ phiếu chứng khoán hiện có mức P/B dao động trong khoảng từ 1,5-2 lần, thậm chí một số cái tên cá biệt còn trên 2,5 lần. Mức định giá này cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đặc biệt là thời điểm đáy hồi giữa tháng 11 năm ngoái khi nhiều cổ phiếu nhóm này giao dịch dưới giá trị sổ sách.
Sau khi tăng một đoạn dài mà gần như không có một nhịp điều chỉnh nào đáng kể, áp lực chốt lời mạnh có thể ập đến thị trường chung bất cứ lúc nào. Theo NHSV, thị trường hiện tại có tính đầu cơ rất cao nên khi điều chỉnh mức giảm sẽ mạnh hơn trước rất nhiều. Với độ nhạy cao, nhóm cổ phiếu chứng khoán rất khó tránh khỏi ảnh hưởng và khi đó mức định giá không hấp dẫn có thể sẽ trở thành rào cản đối với dòng tiền bắt đáy nhập cuộc.
Về thị trường chung, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 theo tính toán của NHSV đã giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này dù đã thấp hơn mức giảm 32,2% quý 4/2022 và 19,6% quý đầu năm nay nhưng vẫn kéo định giá thị trường tăng lên và không còn quá rẻ.
Hiện tại, P/E của VN-Index đã tăng lên 14,x lần, tương đương trung bình 5 năm. Theo Dragon Capital, định giá thị trường đã phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế, cộng hưởng bởi sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô trong năm nay. Quỹ ngoại này cho rằng sự chú ý sẽ hướng về các doanh nghiệp có nền tảng đã được thiết lập, động thái kinh doanh phù hợp tạo ra lợi nhuận đủ đáp ứng kỳ vọng.
Nhịp Sống Thị Trường