MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng!

11-10-2022 - 10:30 AM | Doanh nghiệp

Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng!

Ở Việt Nam, con đường phát triển bền vững vẫn còn thưa vắng những dấu chân xanh.

Đối với nhiều người, tất (vớ) chỉ là một loại trang phục để giữ ấm cho đôi chân hoặc là một loại phụ kiện tất yếu đi cùng với giày. Nhưng đối với anh Quách Kiến Lân, người sáng lập [Ma1] Công ty vải sợi Bảo Lân và thương hiệu tất tái chế Re.socks, những đôi tất còn là cách trực tiếp mang tới những giá trị tốt đẹp cho người dùng, cho xã hội và cho môi trường.

Tuy mô hình tái chế rác thải nhựa thành sản phẩm thời trang bền vững còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng trên thực tế, ở Mỹ hay châu Âu, mô hình này đã phổ biến và thành công từ lâu. Từng nhiều năm du học ở New Zealand, có nhiều cơ hội đi du lịch và công tác ở nước ngoài, anh Lân chẳng ngại là người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh vải sợi xanh.

Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng! - Ảnh 1.
Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng! - Ảnh 2.

Re.socks đã bắt đầu như thế nào, thưa anh?

Dự án ra đời vì tôi muốn chứng minh vớ sản xuất từ nhựa tái chế, hoàn toàn có chất lượng tốt và những ưu điểm không thua kém gì các loại sợi tự nhiên. Ban đầu, dự án bán vớ tái chế chưa thực sự độc lập, tôi đơn giản kết hợp với một dự án dọn rác khác, vừa làm sạch môi trường vừa bán sản phẩm tái chế từ "rác"; tuy nhiên, sau lần kết hợp ấy, dự án dọn rác ngừng hẳn còn dự án bán vớ tách riêng, được "đóng đinh" là một sản phẩm của công ty chúng tôi.

Càng làm, tôi càng thích dự án này và nảy ra nhiều ý tưởng hay ho. Dự án startup ban đầu có 8 thành viên bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2021. Khởi đầu của dự án, chúng tôi tổ chức những chiến dịch nhỏ "Đổi nhựa lấy vớ"; ý nghĩa kinh doanh không nhiều nhưng ý nghĩa giáo dục lớn, muốn nhắc nhở mọi người về ý thức bảo vệ môi trường và có cách ứng xử đúng với rác. Tuy nhiên, những chiến dịch này chưa khiến tôi hài lòng vì số lượng người tiếp cận chưa cao.

Đa số mọi người thậm chí chẳng nghĩ gì tới tầm quan trọng của những đôi vớ với cuộc sống của họ mà đơn giản chỉ xỏ vào như cách họ lặp lại một thói quen hằng ngày. Nếu dùng đúng chức năng, đôi vớ sẽ giúp đôi giày không dễ bị hư, hôi, giúp giữ ấm một phần cơ thể trong mùa lạnh, bảo vệ chân trong các hoạt động thể thao mà vẫn thoáng khí, tránh cảm giác bức bí, khó chịu khi mang cả ngày dài. Đặc biệt, với những đôi vớ tái chế mà chúng tôi sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế, chúng còn mang ý nghĩa về phát triển bền vững.

Cá nhân tôi còn mong muốn đưa nét đẹp văn hóa của Việt Nam vào những câu chuyện chúng tôi muốn kể; vì thế, ở những bộ sưu tập đầu tiên, chúng tôi đưa những họa tiết như trò chơi ô ăn quan, trò chơi kéo búa bao… lên những đôi vớ nhiều màu sắc, phù hợp với các bạn trẻ bây giờ. Hiện tại, chúng tôi cũng đang nghiên cứu và chuẩn bị giới thiệu những đôi vớ sử dụng chất liệu tre giúp khử mùi, êm chân dành riêng cho các bạn học sinh hay những đôi vớ sử dụng chất liệu cà phê dành cho giới văn phòng.

Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng! - Ảnh 3.
Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng! - Ảnh 4.

Mội đôi tất tái chế đã ra đời ra sao?

Vật liệu chính của một đôi vớ tái chế là polyethylene terephthalate (PET) - loại nhựa được sử dụng để sản xuất chai nước, có thể xử lý được để làm thành sợi vải. Bước đầu tiên, các chai nhựa đã qua sử dụng được thu thập và làm sạch, lọc tạp chất và xử lý để tạo ra hạt nhựa. Bước tiếp theo, các hạt nhựa được nung chảy, ép đùn thành sợi nhựa, sau đó dệt thành vải polyester, và cuối cùng là dùng loại vải này để may tất.

Bạn biết đấy, ban đầu, nhựa được phát minh ra để chặt ít cây đi, giảm tiêu hao có hại cho môi trường. Sau đó, vì công dụng của nhựa quá tiện lợi, giá thành lại rẻ nên nhựa được sản xuất ngày càng mất kiểm soát. Hơn nữa, sau nhiều lần tái tạo, trộn các thành phần khác nhau, nhiều sản phẩm từ nhựa bị thay đổi tính chất.

Một đôi vớ trung bình cần sử dụng khoảng 30-35 gram nhựa, tương đương 2-3 chai nhựa, còn đôi nhỏ sử dụng khoảng 1 chai nhựa. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng cotton tái chế để đa dạng nguyên liệu dệt và đáp ứng những mục đích khác nhau cho người dùng. Chỉ có điều, hiện tại, chúng tôi vẫn chủ yếu sử dụng nguyên liệu tái chế nhập khẩu vì việc thu gom và xử lý rác thải ở Việt Nam thường mang tính tự phát. Phần lớn rác thải không được phân loại và không đáp ứng được các tiêu chuẩn tái chế và tái sử dụng của thế giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn cố gắng giảm phát thải ra môi trường, từ giai đoạn vận chuyển cho tới sản xuất, cũng như trích 50% doanh thu cho những dự án hướng về thiên nhiên như đầu tư vào việc trồng san hô biển hay năm 2021, chúng tôi đã trồng 10.000 cây xanh. Chúng tôi vẫn tự giao cho mình trách nhiệm là làm sao để những đôi vớ của chúng tôi "hấp dẫn" các bạn trẻ, để thời gian sử dụng những đôi vớ được kéo dài, như vậy sẽ giảm phần nào phát thải ra ngoài môi trường.

Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng! - Ảnh 5.

Những "đứa con tinh thần" của anh đã đến gần với nhiều người tiêu dùng chưa?

Để nói thật lòng mình, tôi biết, những đôi vớ của chúng tôi không hề rẻ nên chúng gặp trắc trở trên "quãng đường" chạm vào tay người tiêu dùng mặc dù chúng tôi vẫn đang nỗ lực để nghiên cứu mức giá rẻ hơn. Ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng mua một món đồ bởi nó đẹp, họ thích nó, còn bền vững ra sao là câu chuyện chúng tôi muốn làm. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về bao bì để sản phẩm tới tay người tiêu dùng được toàn diện. Hiện tại, bao bì của Re.socks mới đơn giản là giấy tái chế, tôi chưa hài lòng vì "packaging" sẽ sớm bị vứt đi như rác thải thôi. Tôi hi vọng bao bì sản phẩm sau này cũng sẽ được tái sử dụng thành những sản phẩm có ích khác.

Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng! - Ảnh 6.

Lí do nào thúc đẩy anh theo đuổi kinh doanh xanh đến vậy trong khi ngành này chưa thực sự mang lại nhiều lợi nhuận?

Mười năm học tập và làm việc ở New Zealand, mỗi ngày tôi đều được sống trong môi trường xanh, gần gũi thiên nhiên, cây cối. Bên cạnh đó, tôi được tiếp xúc với với nhiều dự án, sản phẩm kinh doanh "xanh", hướng về tối ưu hóa làm việc, giảm thiểu chi phí... Bởi vậy, tôi cho rằng bền vững sẽ là hướng đi của tương lai thế giới, tiếp nối phát triển công nghệ thông tin và trước đó là phát triển hiện đại hóa - công nghiệp hóa.

Năm 2010, khi trở về Việt Nam, tôi cùng mấy người bạn sang Lào để tìm hiểu về dự án trồng lúa mạch với ý định bán cho nhà máy sản xuất bia, nhưng sau đó thất bại. Sau đó, từ công việc kinh doanh của gia đình, tôi nhận ra mình có thể làm được nhiều thứ và ngành vải sợi có thể phát triển nhiều hơn nữa. Tôi từng cất công qua Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia để tìm nguồn nguyên liệu. Bỏ sức mình ra cống hiến, tôi cảm thấy thỏa mãn, sung sướng và như được tiếp thêm nhiều động lực.

Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng! - Ảnh 7.

Nhưng chắc hẳn anh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trên con đường này?

Từ năm 2011, công ty của tôi "mém" đóng cửa 2 lần. Trong kinh doanh, tôi thấy bình thường! Tôi hay cứng đầu nên công ty "sống" đến bây giờ. Một khi bản thân đã muốn làm điều gì có ý nghĩa, tôi luôn cố gắng trụ đến cuối cùng. Và bản thân cũng thuộc tuýp người tích cực nên tôi luôn hướng về phía trước.

Khi mới khởi nghiệp, tôi thiếu gần như tất cả: thiếu tiền, thiếu kiên nhẫn, thiếu kinh nghiệm… Khi ấy, tôi cũng không nghĩ nhiều mà chỉ nghĩ đến hai chữ "tồn tại", vì tìm nguyên liệu đã khó, tìm khách hàng còn khó hơn và thậm chí, cũng chưa nghĩ phát triển đến đâu, mà tôi chỉ nghĩ đến việc có đi đúng hướng không. Công ty nhỏ, không có nhiều nhân sự, học từ từ, làm từ từ, sai đâu sửa đó, rồi chúng tôi mới "định vị" được tầm nhìn, trách nhiệm của doanh nghiệp.

Năm 2012-2013, khi sản phẩm "xanh" đầu tiên ra mắt, chúng tôi thậm chí phải bán bằng giá nguyên liệu bình thường. Vì nói tới tái chế, khách hàng sẽ thắc mắc tại sao đã tái chế lại bán cao hơn giá thường. Làm kinh doanh, ai cũng quan tâm đến lợi nhuận mà. Nên, đôi lúc tôi cũng phải "mắt nhắm mắt mở" để sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng. Tôi chấp nhận lỗ, vì mình thích nghề này, mình muốn đi tới cùng. Cũng có nhiều người khuyên mình thay đổi hướng đi để kinh doanh có lãi. Nhưng làm kinh doanh bền vững cần sự kiên nhẫn. Đó là lựa chọn của riêng mình, biết khi nào dừng và khi nào nên tiếp tục.

Tiên phong ngành vải sợi xanh, Founder thương hiệu tất tái chế Re.socks: Công ty “mém” đóng cửa 2 lần nhưng tính tôi cứng đầu, muốn đi tới cùng! - Ảnh 8.

Anh có e ngại về các "đối thủ" trong thị trường không?

Thú thực, trong ngành này, tôi mong có càng nhiều đối thủ càng tốt. "Buôn có bạn, bán có phường", đối với tôi, tất cả những người làm trong lĩnh vực kinh doanh xanh đều là những người bạn. Ấy vậy, tôi để ý thấy có một số bên nhập vải về bán nhưng bán ra nước ngoài, còn làm cả R&D như chúng tôi, gần như chưa có ai. Bản thân tôi còn đang khuyến khích khách hàng của mình "chuyển" hướng làm sản phẩm tiêu chuẩn tái chế và hữu cơ. Khái niệm vải sợi tái chế, theo tôi nhìn nhận, vẫn còn quá mới và mắc tiền, nhiều người chưa muốn tham gia và đầu tư.

Viết ra câu chuyện này, chúng tôi muốn "chạm" và thay đổi thói quen của những người chưa từng quan tâm đến bảo vệ môi trường. Bắt đầu từ một chi tiết nhỏ là đôi vớ, chúng tôi nhắm vào những "influencers" là những người trẻ trước, sau đó là những người lớn tuổi. Càng có nhiều người quan tâm đến "bền vững", chúng tôi càng có thêm nhiều động lực để làm nên những điều kì diệu.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo Ninh Linh - Hà Mĩ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên