MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến sĩ Đại học Cambridge bỏ Facebook về Việt Nam: "Tiền nhiều nhưng không có đam mê thì chẳng có gì thú vị"

01-02-2022 - 00:06 AM | Doanh nghiệp

Tiến sĩ Đại học Cambridge bỏ Facebook về Việt Nam: "Tiền nhiều nhưng không có đam mê thì chẳng có gì thú vị"

Đặng Hoàng Vũ quyết định rời nước Anh về Việt Nam giữ vị trí Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh (Director of AI for Business Growth), phụ trách việc phát triển các nền tảng ứng dụng dữ liệu và AI trong các mảng kinh doanh của MoMo chỉ sau câu hỏi: "Các anh làm AI như thế nào, nếu chém gió thì tôi không về".

Ông Đặng Hoàng Vũ (1982) tốt nghiệp Tiến sĩ Đại học Cambridge và làm việc cho Hewlett Packard, sau đó làm việc trong bộ phận bảo vệ người dùng tại Facebook, sử dụng công nghệ AI chống các tin xấu về y tế trên hơn 40 thị trường toàn cầu. 

Để "săn đầu người" về cho Hội đồng AI (trí tuệ nhân tạo) của MoMo, giám đốc công nghệ (CTO) của MoMo Thái Trí Hùng hoàn toàn liên lạc với Đặng Hoàng Vũ qua Zoom vì lúc đó ông Vũ đang ở Anh. Đang yên ổn tại các tập đoàn lớn, Đặng Hoàng Vũ đặt câu hỏi: “Các anh làm AI như thế nào, nếu chém gió thì tôi không về!”. 

CTO Thái Trí Hùng đã mất nửa tiếng thuyết phục Đặng Hoàng Vũ là ở MoMo chỉ có làm thật, "không chém" bằng các dự án sẽ thành công, sẽ có kết quả, tạo ra tác động tích cực cho công ty cũng như khách hàng của MoMo. Cuối cùng, Đặng Hoàng Vũ quyết định rời nước Anh về Việt Nam giữ vị trí Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh (Director of AI for Business Growth), phụ trách việc phát triển các nền tảng ứng dụng dữ liệu và AI trong các mảng kinh doanh của MoMo.

Tiến sĩ Đại học Cambridge bỏ Facebook về Việt Nam: Tiền nhiều nhưng không có đam mê thì chẳng có gì thú vị - Ảnh 1.

Vì sao ông chọn về nước làm việc sau một thời gian dài ở nước ngoài?

Về nước là vì ở Âu Mỹ buồn lắm, cửa hàng người ta cũng đóng và thứ 7, Chủ Nhật cũng lèo tèo người hơn. Việt Nam mình có văn hóa đi ăn chung, đi nhậu rất thú vị (cười).

Về công việc, các công ty truyền thống ở nước ngoài thì tương đối khép kín, quan hệ trên công ty chủ yếu là công việc. Các công ty về Tech thì vui hơn, cũng giống Việt Nam là nhiều người trẻ, nhiều hoạt động. Tôi nghĩ ở trong môi trường Tech, Việt Nam cũng tương đối hiện đại và gần với phương Tây. Do đó cũng không gặp khó khăn gì về môi trường khi chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và về Việt Nam thì rõ ràng vui hơn rất nhiều.

MoMo có khí chất Lương Sơn Bạc. Cụ thể, trước khi vào MoMo, tôi nghĩ đây là công ty nhỏ nhất tôi làm từ trước đến giờ (bây giờ thì không nhỏ lắm, phát triển nhanh hơn tôi nghĩ). Chất Lương Sơn Bạc là ngày đầu tiên gặp anh Long, sau 1-2 tháng gặp người quen là Tuân, rồi rủ được cả Thanh… Ở đây có cảm giác như ngày xưa, nơi hội tụ các anh hùng hào kiệt ở đây, điều này tôi không nghĩ tới ở môi trường MoMo.

Ông về nước có lý tưởng hay mục tiêu gì không, ví dụ góp sức phát triển lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam?

Tôi nghĩ là sẽ quá kiêu ngạo nếu nói mình về để phát triển công nghệ của Việt Nam. Những người như tôi không thiếu. Với tôi, làm khoa học kỹ thuật thì không quan trọng ở đâu, quan trọng nhất là đóng góp được về kiến thức, kỹ thuật dù ở bất kỳ quốc gia nào.

Về Việt Nam thu nhập sẽ giảm, hẳn thu nhập không phải đích đến trên hành trình sự nghiệp của ông không?

Thu nhập cao thì ai cũng cần. Hơn nữa, thu nhập cũng phản ánh sự đánh giá của người tuyển dụng đối với mình. Nhưng nếu người ta chỉ xem đóng góp của mình như thứ mua được bằng tiền thì cũng không hay lắm. Như vậy tôi nghĩ phải 2 chiều, giống như trong tuyển dụng hay trong đãi ngộ nhân sự, cái quan trọng không phải là trả cho bao nhiêu tiền, quan trọng người tuyển dụng cho thấy họ cố gắng bao nhiêu % trong đãi ngộ.

Tiền kiếm được ở nước ngoài vẫn nhiều hơn - cái đó không phủ nhận. Thậm chí tất cả bạn bè tôi ở đại học, 10 người thì 9 người ra làm ngân hàng, phân tích đầu tư... và tất nhiên tiền sẽ rất nhiều. Tuy nhiên với tôi, tiền nhiều nhưng không đam mê thì không thú vị lắm.

Bạn bè, gia đình cũng thắc mắc khi chọn về nước nhưng tôi nghĩ bình thường, chẳng sao cả, mỗi người đều có cái đánh đổi thôi.

Ông là tiến sĩ toán học, sau lại chuyển sang làm data, AI, anh có gặp khó khăn không?

Như các bạn tôi nhiều người học toán nhưng vẫn làm ngân hàng, kha khá người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Còn tôi đam mê lĩnh vực công nghệ nói chung, không hẳn chỉ AI và chính đam mê đó khiến tôi cảm thấy không có gì khó khăn.

Cũng về MoMo làm về AI nhưng khác lĩnh vực so với các công ty trước đó, ông có gặp khó khăn không?

Khó khăn lớn nhất, cũng là khó khăn chung ở tất cả các công ty Việt Nam là thị trường thiếu người. Thế giới cũng thiếu chứ không chỉ Việt Nam nhưng Việt Nam thiếu hơn vì bản chất là không "nhập" được người từ các nước xung quanh. Tôi là một người không hay tự kiêu về đất nước mình và theo cảm nhận cá nhân thì đội ngũ AI của Việt Nam không thua kém nước nào tại Đông Nam Á, trừ Singapore. Mặt trái của việc này là nhân sự các nước xung quanh không có tính cạnh tranh để chúng ta thu hút.

Thứ 2, kỳ vọng của thị trường rất lớn cho nên các bạn làm mảng AI thường nhảy việc qua lại. Về mặt cá nhân, đó là quyền lợi khi họ trẻ, muốn tìm hiểu cơ hội tốt nhất cho bản thân nhưng về mặt sản phẩm thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến nguồn lực làm sản phẩm dài hạn.

Điều đặc biệt, MoMo có 1 may mắn là các bạn tương đối gắn bó với MoMo. Tôi nghĩ 1 phần là do MoMo có hướng đi rõ ràng, nhất là mình làm thật, sát với nhu cầu thật. Thứ 2 là mình làm dài hơi, chứ không phải làm để đánh bóng tên tuổi.

Kinh nghiệm từng làm việc ở Facebook sẽ mang đến lợi thế gì cho ông ở MoMo?

Tuy khác nhau về lĩnh vực, về quy mô, về độ trưởng thành của công cụ công cụ công nghệ nhưng bản thân thân tôi cảm thấy có nhiều lợi thế, cụ thể cách xây dựng, tiếp cận vấn đề công ty như Facebook khá gần với MoMo. Tức là dù là kỹ thuật hay là cái gì đi chăng nữa, đích đến cuối cùng làm sao để có sản phẩm tốt và để người dùng được lợi. Thứ 2 Facebook rất trọng tốc độ, làm nhanh. Ngày xưa Facebook có 1 câu "Move fast break things" (Tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ), sau đó đổi thành "Move fast with stable infrastructure" (Làm nhanh nhưng để hạ tầng phải ổn định) - điều ấy có nghĩa họ luôn đặt yếu tố tốc độ lên hàng đầu.

MoMo cũng làm nhanh (dù chưa đặt hẳn câu đó lên) và cách tổ chức của MoMo cơ bản nhanh. Như các Đơn vị Kinh doanh của MoMo khi làm sản phẩm kinh doanh, bộ phận Product, Tech và các bộ phận khác sẽ đi cùng nhau. Đấy là cái khiến cho tôi dễ hòa nhập hơn.

Tiến sĩ Đại học Cambridge bỏ Facebook về Việt Nam: Tiền nhiều nhưng không có đam mê thì chẳng có gì thú vị - Ảnh 2.

MoMo đang ở đâu trên hành trình AI?

Tùy vào lĩnh vực áp dụng, có một số thứ MoMo rất cạnh tranh, có thể nói đang dẫn đầu thị trường trong nước, nhưng có một số lĩnh vực mình đang bắt đầu làm và một số lĩnh vực dài hơi tính bằng năm. Nhưng vấn đề không phải là mình đang ở đâu, mà làm sao phải đi được.

Tôi muốn dùng hình ảnh máy đào đường xây đường tàu điện ngầm. Đằng trước có mũi khoan phá đá mở đường, trong bộ máy bản thân có hệ thống đường ray, đi đến đâu sẽ đặt đường ray đến đó. Chính nó sẽ đi trên đường ray đó. Với công ty công nghệ làm AI cũng thế thôi, quan trọng tổ chức, đội ngũ, con người cùng nhau liên tục đi tới.

Ông phụ trách AI ở mảng tăng trưởng kinh doanh, vậy AI giúp gì cho mảng này của MoMo?

Nói cho cùng, tất cả hoạt động ở AI đều phải dẫn đến tăng trưởng kinh doanh. MoMo làm AI là công nghệ vị nhân sinh (tất nhiên tôi không nói công nghệ vị công nghệ là sai, vì cách đó sẽ mang đến những đột phá nhất định). Ở sứ mệnh và vị trí hiện tại của MoMo, công nghệ phục vụ cho người dùng, phục vụ cho bản thân công ty, phục vụ cho đối tác. Chúng tôi cũng có những dự án AI tầm xa hơn, hiện giờ làm trước để một vài năm sau gặt hái nhưng cuối cùng vẫn là vị nhân sinh.

Thứ hai, mọi người hay bảo AI dẫn đầu nhưng nếu không có Data thì không làm được gì cả. MoMo có rất nhiều Data của người dùng và mình cần tính toán tổ chức thế nào khai thác được và quan trọng hơn là bảo vệ được quyền lợi của người dùng. Chúng tôi có các team Data Platform, Data Governance để phụ trách những việc này. Và cuối cùng giá trị tăng trưởng kinh doanh trước hết cũng phải dựa vào mình làm, mình giúp được gì cho người dùng vì người dùng không có lợi cũng chẳng tăng trưởng lâu được.

AI của MoMo bao trùm tất cả mảng kinh doanh của MoMo?

Đúng thế, mảng kinh doanh nào của MoMo cũng có cửa để AI vào để làm cho nó tốt hơn không ít thì nhiều. Ở đây mình không nói câu chuyện hoành tráng có AI vào tăng gấp 5-7 lần nhưng thực tế AI vào có cái tăng 50%, có cái tăng được 10%, có cái tăng được 5% cũng là tốt rồi.

Điều gì khiến ông hào hứng với AI của MoMo?

AI của MoMo có nhiều cái khiến tôi cảm thấy hào hứng. Thứ nhất mình có rất nhiều người dùng, có rất nhiều các sản phẩm khác nhau, đồng nghĩa mình có rất nhiều cơ hội để tạo ra giá trị gì đấy. Ở Việt Nam có rất nhiều công ty AI, có rất nhiều bạn kỹ sư giỏi nhưng cuối cùng đều xoay ra làm những sản phẩm y hệt nhau bởi vì họ không có dữ liệu, không có người dùng. MoMo thì có rất nhiều tính năng, cơ hội để tìm hiểu người dùng và còn có nhiều ứng dụng để mang những hiểu biết đó phục vụ họ.

Bên cạnh đó, tôi chọn MoMo thì đến 70-80% vì khi nói chuyện với anh Thái Trí Hùng - Phó Tổng Giám Đốc - CTO, anh Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ Tịch HĐQT & Đồng Tổng Giám Đốc của MoMo, anh Dũng Hồng - khi đó là Giám đốc kỹ thuật của MoMo đã khiến tôi thích. Tôi thấy mọi người rất tâm huyết và thấy ở MoMo có rất nhiều hướng đang khám phá, đang gợi mở, hoang dã hơn và cái đó rất hay. Và tất nhiên đi vào nơi hoang dã hơn mình phải đi cùng những người đồng hành với nhau được và MoMo có team đi cùng nhau. Không chỉ Hùng, Tường… mà chị Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc nhân sự hay chị Manisha Shah (Phó Tổng Giám Đốc cấp cao phụ trách Tài chính, Nhân sự), mọi người cũng có chung động lực muốn đồng hành với nhau đến đích.

Tiến sĩ Đại học Cambridge bỏ Facebook về Việt Nam: Tiền nhiều nhưng không có đam mê thì chẳng có gì thú vị - Ảnh 3.

Ông có thể chia sẻ thêm về bản thân mình?

Tôi là người hồi nhỏ muốn đi học công nghệ thông tin vì tôi thích lớn lên đi làm game chơi điện tử, sau đến lúc tôi vào đại học phát hiện ra sự thật 1 người không thể làm được 1 game mà cần 1 tập thể, thứ 2 cái ông code là cái ông chán nhất, cái ông đó không được vẽ hình nhân vật nên tôi chán tôi quay ra học toán.

Sau khi học toán xong, đến lúc tốt nghiệp tiến sĩ rồi thì tôi đi một hội chợ nghề nghiệp hướng nghiệp và thấy phần mềm AI hồi đấy nó phát hiện người đột nhập vào ga tàu, đi ngang đường tàu hoả nguy hiểm nó tự động cảnh báo, thấy hay hay nên tôi xin vào làm.

Tôi làm công ty nào thường làm khá lâu. Lúc tôi ra trường tôi làm ở công ty HP, làm bộ phận phần mềm, làm 4 năm. Sau đó về FPT làm 5 năm.

Các bạn trẻ thích nhảy việc, nhưng tôi thấy ông gắn bó với các công ty khá lâu?

Tôi hay nghĩ nếu mà mình nhảy thì nhỡ mọi người làm tiếp được cái gì rất hay thì sao nên mình ở lại xem mọi người làm được tới đâu. Tôi rất sợ mọi người đang làm một cái gì hay mà mình bỏ đi thì mình sẽ không biết (cười).

Người làm AI như ông có khô khan không?

Tôi là người hay đùa. Mọi người thích chơi với tôi vì tôi hiền, thân thiện với mọi người, hay vui đùa, cứ già như tôi thì bạn sẽ tích lũy được nhiều cái buồn cười.

Lý tưởng của tôi là không quan tâm đến người khác nghĩ gì thế nên tôi mới học toán. Đúng là đúng, sai là sai nên ai nghĩ gì mặc kệ người ta. Tôi đúng là đúng, còn không thích là việc của ông nhưng sau này thực ra trong toán cũng không hẳn như thế (cười).

Lý do ông thích lãnh đạo của MoMo, như các anh Tường, anh Hùng…?

Thực ra hồi đầu chỉ gặp các anh ấy mấy lần, chưa đi nhậu nên chưa biết các anh ấy vui như thế nào (cười). Tuy nhiên lúc đó tôi cảm nhận được các anh ấy thật sự có mong muốn, sẵn sàng tìm người đi cùng nhau đến đó và họ không đối xử với AI, với công nghệ như một món hàng theo kiểu "tôi đầu tư nhiều được nhiều, tôi thích chất chơi bỏ tiền to mua hàng hiệu".

Và các anh ấy cũng không đối xử với AI, với công nghệ theo kiểu cái gì đó hết sức bí hiểm, tháp ngà. Các anh ấy rất rõ ràng: Công nghệ và AI cụ thể mang lại lợi ích gì cho người dùng và các anh nhận thức rất rõ từ đầu rằng đây là câu chuyện, là con đường gian nan chứ không phải cứ đánh đổi tiền là được. Các anh ấy thấu hiểu và có được tầm nhìn là mình sẽ đi đến đâu và nó sẽ dài, khó khăn như thế nào.

Tinh thần học hỏi trong team AI MoMo như thế nào và ông hỗ trợ ra sao?

Team luôn có chia sẻ định kỳ với nhau, chúng tôi cũng đang tổ chức viết blog cho MoMo và cộng đồng và sẽ đi làm việc với các trường cho phần tạo nguồn và có 1 số hoạt động để cộng đồng hiểu rõ hơn về AI ở MoMo vì từ ngoài nhìn vào thì khó hình dung MoMo làm AI nhiều như thế. Từ phía các bạn trong công ty, được nghe cộng đồng nói về MoMo cũng là động lực rất lớn để tiếp tục gắn bó và chiến đấu, đấy cũng là cách truyền lửa.

Ông đào tạo, kế thừa đội ngũ anh chị em mới vào, truyền lửa ra sao để làm được như vậy?

Với anh em mới vô họ đã thấy MoMo có cái gì hấp dẫn rồi mới vào nhưng cái cần để ý là anh em ở đây đã lâu dù cho họ đóng góp được nhiều hay ít. Nếu họ chưa làm được nhiều thì cần xem lại có phải mình chưa sử dụng được hết tiềm năng của họ, nếu họ đóng góp được thì phải xem họ đã thỏa mãn chưa, làm sao để họ có động lực vươn lên cái cao hơn.

Cách truyền lửa duy nhất và lâu dài là làm sao để họ nhìn thấy được công việc của họ có hiệu quả thật sự, đem lại giá trị cho người dùng, cho công ty, tất nhiên là không thể thiếu quyền lợi của chính họ. Song song đó, thưởng phải hấp dẫn và quan trọng là phải công bằng.

Ông cân bằng cuộc sống ra sao?

Ngày xưa tôi hay làm tối ngày, kể cả cuối tuần, thậm chí làm ở nhà nhiều hơn công ty vì ngồi không rỗi lại giở việc ra làm. Bây giờ tôi thay đổi quan điểm 1 chút, cuối tuần dù không biết làm gì mình vẫn cố dành thời gian đó nghĩ làm gì với gia đình, thay vì thêm một tí công việc nữa. Thực ra có làm thêm một tí cuối tuần thì việc của mình cũng chỉ từ 100 lên 102, 103% chứ không thể lên 200% được mà quỹ thời gian mình dành cho gia đình vốn đã rất nhỏ rồi.

Cuối tuần rảnh, tôi cho con đi chơi Sài Gòn (do nhà mới dọn vào đây sống). Nếu không, tôi thích ở nhà rỗi rãi vẽ vời, đọc sách, chơi với con, chơi game, đọc truyện tranh. Có nhiều truyện tranh tôi thích, như bộ Ranma ½. Bây giờ ít thời gian, với thật ra mình cũng trưởng thành dần và truyện tranh thì có nhiều phân khúc, nếu như trước kia đọc phân khúc hài hài, truyện đấu võ cho thiếu nhi thì sau này mình đọc những bộ có tính chất xã hội hơn.

Lời khuyên của ông cho các bạn sinh viên nếu muốn theo đuổi AI?

Công nghệ thay đổi liên tục và rất dễ lỗi thời, quan trọng là phải nắm được những cái ở dưới, hiểu được nguyên lý AI hoạt động như thế nào, trong 1 cái ứng dụng thì đâu là chỗ dễ va vấp. Sau đó tự làm, tự phát triển lên. Bây giờ có 1 cái tốt nữa là các khóa học online rất nhiều, chất lượng tốt và có rất nhiều cuộc thi quốc tế và Việt Nam, các bạn có thể thử sức, đó là thuận lợi rất lớn so với tầm 10 năm trước.

Xin cảm ơn ông.

https://cafef.vn/tien-si-dai-hoc-cambridge-bo-facebook-ve-viet-nam-tien-nhieu-nhung-khong-co-dam-me-thi-chang-co-gi-thu-vi-20220131215029051.chn

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên