Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng: "Phan Anh, Thủy Tiên hay Thái Thùy Linh đều đang mò mẫm khi làm từ thiện"
Trong buổi đàm thoại "Cá nhân làm từ thiện như nào cho đúng?", các chuyên gia đã nêu ra những ý kiến của bản thân trên quan điểm pháp luật, về những vấn đề xoay quanh câu chuyện làm từ thiện của cá nhân.
- 25-09-2021Thủ tướng: 'Cố gắng đến 30/9 từng bước nới lỏng giãn cách có kiểm soát'
- 25-09-2021Sau 1/10, người lao động các tỉnh có thể trở lại TP.HCM theo cách nào, cần điều kiện gì?
- 25-09-2021CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’
Nhằm hướng đến giảm thiểu sai sót, sai lầm của cá nhân để hướng đến công tác từ thiện được công khai, minh bạch đúng pháp luật, mới đây báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?".
Buổi tọa đàm có sự tham dự của TS luật Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội (khóa XV); đại diện từ Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Đại tá - TS luật Lê Ngọc Khánh, cùng một số nghệ sĩ tham gia các hoạt động từ thiện.
Chúng tôi không thể làm từ thiện như cách của Phan Anh, Thái Thùy Linh hay Thủy Tiên
Phát biểu tại tọa đàm, nguyên Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội (khóa XV), TS luật Lưu Bình Nhưỡng cho biết, hiện nay đã có các quy định liên quan đến việc làm từ thiện, như Nghị định 64. Ngoài ra, Nghị định 93 cũng quy định các tổ chức có thể được vận động các quỹ từ thiện xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu những quy định về cá nhân làm từ thiện.
Theo ông, việc từ thiện tùy thuộc vào cái tâm, cái đức của mỗi người. Ông chia sẻ, ông hay các đại biểu Quốc hội làm từ thiện dựa trên uy tín của cá nhân để vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các mạnh thường quân.
Nếu doanh nghiệp giúp thì doanh nghiệp sẽ liên hệ với MTTQ hoặc đoàn đại biểu địa phương để tiến hành xây nhà tình nghĩa, xây cầu, đường, trường học... chứ ông hay các đại biểu quốc hội không bao giờ cầm tiền.
"Tôi đi làm từ thiện theo cách của tôi, vì chúng tôi là những con người hiểu pháp luật nên chúng tôi không thể làm như Phan Anh, Thái Thùy Linh hay Thủy Tiên được. Tôi đi làm từ thiện vẫn phải nhân danh người đóng góp tiền chứ không cầm một đồng xu nào", TS luật Lưu Bình Nhưỡng cho hay.
Chia sẻ quan điểm về việc các cá nhân làm từ thiện, ông cho rằng không nên cấm cá nhân làm từ thiện. Bên cạnh đó, việc dựa trên cơ sở uy tín của người nổi tiếng cũng tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát.
Ví dụ quy định những người đủ năng lực để làm và làm theo cách nào. Đồng thời, phải có cơ sở pháp lý để xử lý, để những người làm từ thiện bám vào đó thực hiện, chứ không phải thích làm kiểu gì thì làm.
"Anh Phan Anh, chị Thủy Tiên hay chị Thái Thùy Linh thời gian qua làm từ thiện đều đang mò mẫm. Phải xã hội hóa để toàn xã hội được làm từ thiện", TS luật Lưu Bình Nhưỡng cho hay.
"Khi Thủy Tiên rộ lên câu chuyện từ thiện, tôi có nói bên hành lang Quốc hội một ý nhưng dường như Thủy Tiên chưa hiểu. Thủy Tiên tốt nhất nên phối hợp với các tổ chức chứ nếu làm một mình sẽ rất vất vả và có thể dẫn đến rủi ro", ông nói thêm.
TS luật Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ tại tọa đàm. Nguồn ảnh: Đại đoàn kết
Người ta sẽ không chấp nhận việc bão lũ qua rồi mà tiền vẫn chưa giải ngân
Liên quan đến việc sao kê, đại diện từ Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Đại tá - TS luật Lê Ngọc Khánh cùng đồng tình với các khách mời đó là cần minh bạch các khoản thu, chi được dùng cho việc từ thiện. Thế nhưng, theo quan điểm của ông, chỉ mỗi sao kê thôi là không đủ.
Giải thích cho quan điểm này, TS luật Lê Ngọc Khánh cho biết sao kê ngân hàng thì chỉ biết được số tiền chuyển vào và rút ra khỏi tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, ông đặt ra câu hỏi, số tiền khi đã ra khỏi ngân hàng rồi thì sẽ được kiểm soát như thế nào?
"Một cá nhân vận động quyên góp được 100 tỷ, rút ra 100 tỷ từ ngân hàng nhưng sau khi rút ra thì tiêu vào việc gì, tiêu cho ai, thì ai biết? Vì vậy chi cho ai, chi việc gì cần có danh sách, cần có ký nhận đầy đủ. Vì vậy, sau khi rút tiền từ ngân hàng ra thì tiêu cho ai, làm gì phải hết sức rõ ràng?", ông Khánh lấy ví dụ.
Các chuyên gia cho rằng, cá nhân muốn làm từ thiện là rất tốt, và pháp luật phải cho cá nhân làm. Nhưng những người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Tuy nhiên, hiện nay có rất ít chế tài về công tác thiện nguyện. Bởi vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại vấn đề đó là: Cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh việc cá nhân làm từ thiện", TS luật Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Khi được hỏi về chế tài đối với hành vi kêu gọi quyên góp nhưng giữ tiền lâu, điển hình là trường hợp Hoài Linh, ông Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn cho biết điều này phụ thuộc hoàn toàn vào động cơ và mục đích kêu gọi từ thiện ban đầu của nam danh hài.
Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích: "Với trường hợp của Hoài Linh, phải xem xét anh ấy vận động vì mục đích gì. Vận động vì mục đích bão lũ thì chỉ giải quyết trong tình trạng bão lũ, qua rồi mà anh vẫn cầm thì người ta không chấp nhận. Phải giải ngân ngay chứ, giữ bao nhiêu lâu đó bây giờ tiền lãi đi đâu, kể cả anh chồng thêm lãi cũng không được. Cho nên, mục đích của từ thiện rất quan trọng, phải xác định việc kêu gọi xảy ra lúc nào."