Tiến sĩ, nhà tâm lý học nổi tiếng chỉ ra sai lầm mà hàng loạt phụ huynh đang mắc phải trong việc kiểm soát con cái trên Internet: Càng giữ chặt, càng tuột mất!
Lo lắng cho con cái không bao giờ là chuyện dư thừa đối với các bậc phụ huynh, nhất là khi cuộc sống của chúng bị chi phối mạnh mẽ bởi công nghệ và Internet.
Nhiều cuộc khảo sát trên quy mô lớn đã chỉ ra, chúng ta đang nuôi dạy những đứa trẻ ngoan ngoãn nhất từ trước đến giờ. So với các thế hệ trước, giới trẻ ngày nay ít dính líu tới những tệ nạn như hút thuốc, uống rượu và mại dâm. Chúng cũng thích ở nhà hơn, bởi chúng có thể kết nối với bạn bè thông qua mạng xã hội thay vì gặp mặt trực tiếp. Thế nhưng, các bậc phụ huynh lúc nào cũng ở trong trạng thái lo lắng về con cái mình. Nếu những đứa trẻ ấy ngoan như vậy thì tại sao chúng ta cứ phải lo lắng nhiều đến thế?
Có lẽ, đó là do chúng ta đang ngày phải đối mặt với nhiều vấn đề mới nảy sinh, chẳng hạn như chat sex, nghiện điện thoại máy tính, hay hút thuốc lá điện tử. Nhưng cũng có thể đó là do chúng ta đang biết quá nhiều thứ về con cái. Trên thực tế, những cánh tay vô hình của công nghệ kỹ thuật số tuy khiến trẻ con được an toàn, tránh xa khỏi các tệ nạn xã hội, nhưng đồng thời cũng là khởi nguồn cho nỗi lo lắng bất tận của các bậc phụ huynh.
Nếu đang làm cha, làm mẹ trong thế kỷ 21 này, hẳn bạn có thể dễ dàng biết được con cái mình đang làm gì, từ đứa con gái học cấp 2 ngày ngày chửi nhau một cách thuần thục với đám bạn trên mạng cho đến đứa con trai đang học cấp 3 hay đi tiệc tùng ở nhà bạn thân thay vì ra ngoài chơi với nhau. Bạn hoàn toàn theo dõi được con mình đang ở đâu, xem xét lịch sử tìm kiếm trên máy tính, đọc các đoạn tin nhắn trò chuyện trên mạng và biết được con mình là người thế nào trong môi trường mạng xã hội.
Ngày nay, giới trẻ ngày càng nói chuyện bỗ bã với bạn bè đồng trang lứa, và thậm chí còn cố gắng giấu giếm, thậm thụt sau lưng cha mẹ. Thế nhưng, phụ huynh không phải lúc nào cũng phát hiện được tất cả mọi chuyện. Trước kia, cha mẹ chúng ta cũng đã từng trải qua tình huống như vậy, nhưng họ không hề lúc nào cũng lo lắng như chúng ta bây giờ.
Giờ đây, việc giám sát trẻ trên mạng, hay thậm chí là định vị vị trí của con mình, đã trở thành một công việc không thể thiếu của bất kỳ một ông bố, bà mẹ nào có trách nhiệm. Tuy nhiên, điều này chẳng những không khiến các bậc phụ huynh yên tâm hơn mà còn làm họ không ngừng lo âu và bực mình về con cái.
Hãy xem việc kiểm soát con cái của chúng ta cũng giống như đi chụp CT toàn thân vậy. Mặc dù, các bác sĩ có thể chụp X-quang để kiểm tra những dấu hiệu bệnh tật sớm của cơ thể, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lại không mấy khuyến khích phương pháp này. Lý do ư? Bởi lẽ, bất cứ chẩn đoán sớm nào cũng không thể khiến bệnh nhân bớt lo lắng, nhất là sau khi họ tìm thấy những vết chấm nhỏ ở gan mà nhẽ ra họ không cần phải biết đến.
Kiểm soát, tra xét hoạt động trên mạng của con trẻ cũng giống như bắt chúng chụp CT toàn thân vậy. Khi làm vậy, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng chúng ta rất có thể sẽ gặp phải những thông tin đáng lo, những điều khó hiểu và thậm chí là không tốt về con cái mình. Điều này có thể làm lung lay niềm tin mà chúng ta đã vất vả xây dựng bao lâu nay với con trẻ. Rất khó để con cái cảm thấy chúng được cha mẹ tin tưởng, đồng thời cũng rất khó để chúng ta tin tưởng con cái mình, khi mà bao nhiêu thông tin cá nhân của con trẻ cứ hiển hiện trước mắt ta.
Gần đây, một bệnh nhân 16 tuổi tương đối trưởng thành và ngoan ngoãn của tôi gặp khúc mắc với cha mẹ mình. Cô bé giải thích rằng nhóm bạn của mình bỗng dưng nổi hứng muốn đi gặp một vài cậu bạn trai thân thiết từ hồi lớp 7. Sau khi gặp nhau và trò chuyện ở bãi đỗ xe của một trường cấp 3 dành cho nam sinh, bệnh nhân của tôi về nhà và phải đối mặt với một cuộc “thẩm tra” đầy nghiêm khắc bởi cha mẹ mình- những người đã theo dõi vị trí từ điện thoại của cô bé.
Cha mẹ cô bé muốn biết cô đến trường nam sinh để làm gì và tại sao cô không báo cho bố mẹ trước. Khi nghe cô bé kể về cuộc cãi vã, tôi đã sớm nhận ra 2 điều. Một là, cha mẹ cô bé đã phát hiện ra nhiều thứ hơn những gì họ cần biết để đảm bảo an toàn cho con gái mình. Hai là, tôi cần phải cảnh báo họ rằng, những khủng hoảng như thế này sẽ không chỉ đến duy nhất một lần. Theo kinh nghiệm của tôi, nhẽ ra mọi chuyện đã không đến mức nghiêm trọng như vậy nếu bố mẹ cô bé học được cách tin tưởng con cái mình, bởi lẽ hơn ai hết, họ hiểu rõ con cái mình là người như thế nào.
Vậy chúng ta nên giám sát đời sống trên mạng của con cái mình như thế nào là đủ? Thật không may, chẳng có câu trả lời nào có thể thỏa mãn tất cả mọi người. Những đứa trẻ cẩn thận và có trách nhiệm sẽ ít bị kiểm soát hơn là những đứa luôn tỏ ra bốc đồng dù là trên mạng hay ngoài đời thực. Những đứa chỉ dùng Pinterest để xem ảnh có lẽ cũng không cần phải được giám sát quá gắt gao như những đứa chat với bạn bè bằng Snapchat.
Dù chúng ta chọn cách kiểm soát con trên Internet như thế nào, cách hay nhất vẫn là xây dựng một mối quan hệ bền vững, thân thiết với chính con cái mình. Nhờ đó, chúng ta có thể trò chuyện thoải mái với con, cởi mở cho con biết về việc chúng ta đang giám sát con bằng công nghệ như thế nào. Nếu không, những người làm cha làm mẹ như chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được đời sống online của con cái mình, và từ đó sẽ không bao giờ có thể ngừng lo lắng.
Bài chia sẻ của tiến sĩ Lisa Damour - một nhà tâm lý học, tác giả của nhiều bài viết về trẻ em và phương pháp làm cha mẹ trên tờ The New York Times.
Time