Tiến sỹ Harvard: "Kè kè" điện thoại bên mình có thể giảm trí thông minh
Theo một công trình nghiên cứu mới, chỉ riêng sự hiện diện của chiếc điện thoại thông minh của bạn cho dù nó không reo hay bạn không nhìn vào chúng cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến nhận thức.
- 07-07-2017Những hiểm họa "chết người" vì mang điện thoại trong túi quần mà bạn nhất định phải biết
- 15-06-2017Lý do không ngờ khiến tỷ phú Mark Cuban luôn mang bên mình 2 chiếc điện thoại liên tục kết nối Internet
- 06-06-2017Ai dùng điện thoại trong tình huống này có thể phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm
Hãy hình dung khi bạn phải giải một loạt bài toán khó đòi hỏi sự chú ý và tập trung, song bạn không làm được điều đó. Và hãy tưởng tượng bạn thỉnh thoảng bị gián đoạn việc giải những bài toán này và được đề nghị nhớ một danh sách các ký tự ngẫu nhiên. Nhiệm vụ này xem ra còn hóc búa hơn.
Sẽ là hoàn toàn hợp lý khi cho rằng bạn không hoàn thành các công việc được giao do bị phân tán bởi tiếng ồn của âm thanh hay hội thoại gần bên. Song còn về chiếc điện thoại smartphone luôn bên bạn thì sao? Theo một công trình nghiên cứu mới, chỉ riêng sự hiện diện của chiếc điện thoại thông minh của bạn cho dù nó không reo hay bạn không nhìn vào chúng cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến nhận thức.
Trong Tập san Hiệp hội Nghiên cứu Tiêu dùng Mỹ số ra tháng 4/2017, các nhà nghiên cứu mô tả một loạt các thử nghiệm, trong đó 520 sinh viên đại học thực hiện các bài tập đòi hỏi sự tập trung, chú ý và các kỹ năng giải quyết vấn đề mới. Một số được đề nghị để điện thoại của mình ở một phòng khác. Số khác được phép giữ điện thoại ở chỗ họ vẫn thường cất (như túi hay ví). Một nhóm thứ ba được đề nghị đặt điện trên chiếc bàn cạnh họ.
Đáng chú ý, việc thực thi các nhiệm vụ đòi hỏi sự chú ý và giải quyết vấn đề có sự khác biệt tuỳ vào vị trí của chiếc điện thoại:
- Số điểm cao nhất đạt được khi chiếc điện thoại nằm ở phòng bên cạnh.
- Số điểm thấp nhất khi điện thoại ở trên bàn.
- Ảnh hưởng vị trí của chiếc điện thoại lớn nhất ở nhóm đối tượng hay lệ thuộc vào chiếc điện thoại của mình.
Ảnh hưởng của chiếc điện thoại không hề thay đổi cho dù bạn tắt nguồn (so với cài đặt chế độ câm) hay đặt úp mặt xuống (so với đặt ngửa lên).
Các kết quả nghiên cứu này rõ ràng cho thấy việc "kè kè” chiếc điện thoại bên mình có thể gây sao nhãng thậm chí khi bạn không sử dụng nó. Đó có thể là sức mạnh, sự tiện lợi và khả năng kết nối mà chiếc điện thoại smartphone đem lại tác động xấu đến sự nhận thức. Các tác giả của công trình nghiên cứu mới này gọi đó là "chảy máu chất xám”. Và hiện tượng này có thể sẽ phổ biến hơn và trầm trọng hơn chúng ta nhận thấy.
Giải pháp nào cho vấn đề này?
Bên cạnh việc chỉ ra mặt trái ngoài dự kiến của những chiếc điện thoại thông mình, công trình nghiên cứu mới này cũng đưa ra một giải pháp tiềm tàng. Chúng ta có thể sử dụng sức mạnh trí tuệ của mình một cách hiệu quả hơn nếu thỉnh thoảng cách ly với điện thoại. Nếu nó luôn bên bạn và trong tầm với, bạn có thể bị sao nhãng bởi sự có mặt của nó mà không nhận ra điều đó, ngoài việc bị phân tán tư tưởng bởi chuông điện thoại và chuông báo có email hay tin nhắn mới.
Vì vậy, theo bác sỹ y khoa Robert H.Shmerling thuộc trường Đại học Y khoa Harvard, có thể sẽ là thông minh hơn nếu chúng ta thỉnh thoảng "tuyệt giao” với chiếc điện thoại di động của mình. Công trình nghiên cứu mới cho thấy đây là điều đáng để thử làm.
Harvard