Tiến sỹ Toán học Harvard người Việt kể chuyện "2+2=6" và kết quả tai hại khi lờ đi câu trả lời sai của trẻ con!
"Nền giáo dục của chúng ta thành công hay thất bại phụ thuộc vào đứa trẻ chúng ta dạy còn tò mò hay không. Con tôi hồi 3 tuổi lúc nào cũng hỏi "tại sao", lên 6 tuổi, những câu hỏi "tại sao" bắt đầu ít dần. Khi con đi học 1 - 2 năm tiếp theo, tôi không còn thấy con hỏi "tại sao" nữa", Tiến sỹ Toán học Harvard Lê Anh Vinh chia sẻ.
- 16-03-2018Tuổi thơ khó nhọc, lăn lộn làm đủ nghề trước khi gây dựng "đế chế" về thẩm mỹ, doanh nhân Thu Hoài dạy con: "Không cái gì tự dưng mà có ở trên đời"
- 11-03-2018Khi các con vô cùng buồn bã và thất vọng trước thất bại của bố, đây là cách cầu thủ nổi tiếng dạy con tạo bước đệm cho thành công
- 11-03-2018Lời dạy con gái 'ăn bữa nay phải lo bữa mai' của nữ doanh nhân Đoàn Thu Thủy: Tiêu xài theo nhu cầu bản thân nhưng ít hay nhiều phải để lại phòng thân
PGS.TS Lê Anh Vinh là người giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế và huy chương vàng Toán châu Á Thái Bình Dương năm 2001. Năm 2010, ông nhận bằng bằng tiến sỹ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi. Ông là phó giáo sư trẻ nhất được phong tặng năm 2013.
"Chấp nhận ý tưởng khác biệt" là một trong 5 nguyên tắc cơ bản trong việc dạy Toán cho học sinh theo quan điểm của PGS. TS Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, cố vấn chương trình Toán học tại Trường phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway.
"Nhiều khi chúng ta hỏi và học sinh giơ tay phát biểu với tâm thế rất hào hứng. Nhiều khi các bạn trả lời sai, và giáo viên rất hay bỏ qua những câu trả lời sai này mà không nhận thức được rằng: Bỏ qua câu trả lời sai là chuyện khá tai hại", ông Vinh chia sẻ.
Khi gặp câu trả lời sai của trẻ con, chúng ta sẽ làm gì? Hỏi con tại sao con đưa ra câu trả lời này, hay đơn giản là lờ đi?
Nên làm gì khi học sinh bảo 2+2=6?
Tại hội thảo "Giáo dục khai phóng, nền tảng giáo dục cho học sinh thời đại 4.0" do Trường Gateway tổ chức, ông Vinh viện dẫn câu chuyện "2+2=6" để nói về nguyên tắc chấp nhận ý tưởng khác biệt của học sinh khi giảng dạy.
Khi hỏi học sinh "2+2 =?", đương nhiên các giáo viên muốn học sinh trả lời bằng 4, và thông thường người dạy luôn muốn tìm học sinh có câu trả lời đúng.
Khi học sinh trả lời 2+2 = 6, thường giáo viên sẽ có 2 phản ứng sau:
1- Buồn và nhắc học sinh rằng: Làm sao 2+2=6 được, phải bằng 4, và phê rằng học sinh chưa thuộc bài.
2- Hỏi học sinh tại sao 2+2 = 6.
Em học sinh trả lời sai khi đó có thể ngẩn người tính lại, có thể phát hiện ra ngay hoặc từ từ nhận ra mình tính nhầm. Với các em học sinh còn nhỏ, trước câu hỏi của cô giáo nhiều khi hơi áp lực và hơi run khi trả lời.
Trước câu trả lời sai, nếu giáo viên có thể nói với học sinh rằng: Những nhầm lẫn rất nhỏ của con có thể mở ra nhiều điều thú vị, đảm bảo đứa trẻ đấy sẽ cảm thấy có quá nhiều thứ khiến nó tò mò.
"Nhưng điều tôi muốn nói, tất nhiên không phải giáo viên nào cũng làm được, là có thể giải thích cho học sinh hiểu: Tất nhiên con làm sai rồi, sửa được là tốt, nhưng nếu 2+2 = 6 như con tính nhầm ban đầu thì sao?", ông Vinh bày tỏ.
Nếu 2+2 = 6 và trừ dần 2 vế thì 2+1 = 5 và 2+0 = 4.
Tức 2=4, có nghĩa 1=3, và 0=2.
Như vậy trên trục số của chúng ta chỉ có 2 số 0 và 1. Đây là hệ cơ số 2.
"Hệ cơ số 2 chỉ có 2 số 0 và 1 chính là cơ sở của khoa học máy tính. Chúng ta không cần giải thích cho con cụ thể về hệ này, nhưng nên để con hiểu rằng hệ này là cơ sở cho tất cả những gì các con sử dụng từ máy tính, điện thoại, TV… Và nếu không có 2+2=6 sẽ không bao giờ có những gì chúng ta đang sử dụng hiện nay".
"Câu chuyện tôi muốn chia sẻ là trước một câu trả lời sai, nếu giáo viên có thể nói với học sinh rằng: Từ những nhầm lẫn rất nhỏ của con có thể mở ra nhiều điều thú vị, đảm bảo đứa trẻ đấy sẽ nhận được khuyến khích nhất định, nó sẽ cảm thấy rằng có quá nhiều thứ mình cần phải học. Quá nhiều thứ mình tò mò", Tiến sỹ Toán học Harvard giải thích.
"Không yêu thích, không hứng thú, không tò mò thì không thể thích học"
"Tôi nhớ có người đã từng nói rằng: Nếu đứa trẻ đến trường ngày hôm nay, mà ra về và kém tò mò hơn ngày hôm qua thì chúng ta đã thất bại rồi. Nền giáo dục của chúng ta thành công hay thất bại phụ thuộc vào đứa trẻ chúng ta dạy còn tò mò hay không".
"Con tôi hồi 3 tuổi lúc nào cũng hỏi "Tại sao", lên 6 tuổi, những câu hỏi "tại sao" bắt đầu ít dần. Khi con đi học 1 - 2 năm tiếp theo, tôi không còn thấy con hỏi "tại sao" nữa", ông Lê Anh Vinh chia sẻ.
Với ông Vinh, Toán học là một bức tranh đầy màu sắc. Ông chia sẻ đến bây giờ, nhìn vào Toán học ông vẫn luôn cảm thấy tò mò.
"Hồi bé tôi thích đọc những cuốn sách 10 vạn câu hỏi vì sao, Vật lý vui, Thuyền trưởng đơn vị đi tìm con số thất lạc... Với những cuốn sách này, trẻ con luôn thấy hào hứng, hứng thú và luôn thấy sự tò mò trong học Toán".
"Nhưng tôi cảm giác nhiều khi chương trình Toán học ở phổ thông hiện nay giống như một bức tranh không có nhiều màu sắc lắm. Học sinh, thay vì được tô màu cả một bức tranh, lại được yêu cầu chỉ tô màu hàng rào", ông Vinh mô tả.
Hình ảnh tô màu hàng rào là ẩn dụ của một nhà toán học nổi tiếng khi nói đến việc dạy học Toán. Tô màu hàng rào chỉ cần sử dụng động tác rất đơn giản, tô theo thứ tự từ 1,2,3… giống như học sinh cứ làm hết bài tập 1, 2, rồi 3… làm cho quen tay và sau đó sẽ làm lại những bài tập giống như thế.
"Nhiều khi việc vận dụng để giải bài toán lại thành ra việc học sinh có học được dạng để giải bài toán quen thuộc của mình hay không".
"Tôi nghĩ cái căn bản phải làm sao để học sinh thấy rằng học Toán như bức tranh đầy màu sắc, để các con có thể đi bộ vào cánh rừng ấy để cảm nhận, cảm thấy yêu thích. Không yêu thích, không hứng thú, không tò mò thì không thể thích học", PGS. TS Lê Anh Vinh đúc kết.
Trí thức trẻ