Tiền tệ các nước tăng giá mạnh, có đồng tăng 40% chỉ trong 1 tuần, vàng và Bitcoin tiếp tục đi lên
USD hồi phục trong phiên 23/12 sau mấy phiên giảm liên tiếp trước đó, nhưng đà tăng bị cản trở bởi nỗi lo về ảnh hưởng từ biến thể Omicron đã dịu lại khiến các đồng tiền rủi ro như đô la Australia và bảng Anh cũng tăng trong phiên này.
- 23-12-2021USD giảm mạnh, vàng vượt 1.800 USD, Bitcoin lên trở lại sát 50.000 USD
- 22-12-2021UOB: Tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng trong năm 2022
Biên độ dao động của hầu hết các cặp tiền tệ chủ chốt đều ở mức hẹp khi thị trường chuẩn bị nghỉ lễ hội cuỗi năm – Giáng sinh và Năm mới.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng nhẹ 0,07% lúc kết thúc ngày 23/12 theo giờ Việt Nam, lên 96,174, không xa so với mức cao nhất trong vòng 6 tháng đạt được vào tháng trước.
Shaun Osborne, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Scotiabank, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng tỷ giá tiền tệ sẽ không dao động quá xa so với mức hiện nay trong những ngày nghỉ lễ sắp tới.
Những thông tin lạc quan hơn về khả năng kháng được virus Omircon của một số loại vắc xin và số ca nhập viện liên quan đến virus biến thể này đã giúp làm tăng nhu cầu các tài sản rủi ro của các nhà đầu tư, đẩy cổ phiếu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trong phiên này. Cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều tăng mạnh.
Hai nhà sản xuất dược phẩm cho biết các mũi tiêm vắc xin của họ có khả năng bảo vệ chống lại virus Omicron, và dữ liệu của Anh cho thấy số ca nhập viện vì virus này ít hơn so với virus biến thể Delta, mặc dù các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới kết thúc.
Trong khi đó, dữ liệu vừa công bố cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần vừa qua đã xuống dưới mức trước khi xảy ra đại dịch, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh, đẩy kinh tế Mỹ đi đúng hướng tăng trưởng, với thành quả của năm 2021 rất đáng lạc quan.
Tuy nhiên, áp lực giá cả vẫn tiếp tục gia tăng, với lạm phát cơ bản của Mỹ tháng 11 lên mức cao nhất kể từ năm 1989.
Đô la Australia phiên này tăng 0,35% lên 0,72405 USD, trong khi crown Na Uy tăng khoảng 0,6% lên mức cao nhất trong vòng một tháng so với USD, được thúc đẩy bởi giá dầu và khí đốt tăng vọt.
Đồng bảng Anh đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một tháng sau những thông tin về mức độ ảnh hưởng của virus Omicron giúp trấn an các nhà đầu tư. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn gần của Anh tăng cũng góp phần đẩy đồng bảng tăng giá.
Theo đó, bảng Anh lúc kết thúc ngày 23/12 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,5% so với đồng USD lên mức 1,34190 USD, trước đó có lúc đạt 1,34370 USD. So với euro, bảng cũng tăng 0,55% lên 84,360 pence.
Đây là lần đầu tiên trong tháng này, bảng Anh vượt ngưỡng 1,34 USD khi tâm lý chuộng tài sản rủi ro lại tăng mạnh mẽ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 5 năm tăng mạnh trong 2 tuần qua.
Tiên tệ của các nước mới nổi phiên này cũng tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần trong khi chứng khoán của nhóm nước này cũng tăng phiên thứ 3 liên tiếp nhờ những thông tin về Omicron bớt gây hoang mang hơn trước.
Chỉ số tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi kết thúc ngày 23/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,3%, trong đó lira Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài những ngày hồi phục đáng kinh ngạc từ mức thấp kỷ lục, sau khi Chính phủ đưa ra một loạt các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế và ngăn chặn sự phá giá của đồng lira.
Chỉ trong một phiên vừa qua, lira đã tăng 6%, lên mức 11,3 lira/USD, so với mức 18,4 hôm thứ Hai (20/12). Như vậy, chỉ trong một tuần, lira đã tăng giá 40%.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan, cho biết chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ đảm bảo một số tiền gửi bằng nội tệ để chống lại nguy cơ mất giá đồng lira.
Khối lượng giao dịch tiền lira hàng ngày trong năm 2021.
Tại Châu Á, tiền tệ của các nền kinh tế Châu Á mới nổi tăng mạnh, với baht Thái tăng 0,5% lên 33,53 THB – tăng mạnh nhất trong nhóm tiền tệ này, sau 3 phiên giảm trước đó nhờ triển vọng về kinh tế toàn cầu trở nên lạc quan hơn bất chấp những bất ổn xung quanh virus biến thể Omicron. Mức tăng tỷ giá baht trong phiên này cũng là cao nhất trong vòng 2 tuần.
Trong phiên liền trước (thứ Tư, 22/12), bath đã mất giá 0,3% sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan giữ nguyên mức lãi suất chủ chốt ổn định ở mức thấp kỷ lục và cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm 2022, đồng thời cho biết họ dự báo biến thể Omicron sẽ tác động đến nền kinh tế vào đầu năm tới.
Về các tiền tệ châu Á khác, rupiah của Indonesia tăng kéo dài đến ngày thứ ba liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ ngày 22/11. Won Hàn Quốc phiên này cũng tăng 0,4% lên 1.186,80 won/USD, là phiên tăng mạnh nhất tháng này, trong khi ringgitn Malaysia và rupiah Ấn Độ cũng đều tăng 0,3%.
Nhân dân tệ Trung Quốc hầu hết đi ngang so với USD, chịu tác động từ các yếu tố trái chiều: những mục tiêu thấp hơn của ngân hàng trung ương gây áp lực giảm giá, trong khi nhu cầu thị trường cải thiện và nhà đầu tư lại ưa thích tài sản rủi ro giúp đẩy nhân dân tệ tăng lên. Do đó, kết thúc phiên, nhân dân tệ ở mức 6,3570 CNY/USD, giảm nhẹ 81 pip so với phiên trước.
Các cổ phiếu trong khu vực cũng có mức tăng khá, với cổ phiếu của Philippines và Thái Lan tăng gần 1%, trong khi các thị trường Malaysia và Ấn Độ đều tăng khoảng 0,6%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Ngân hàng Mizuho đã đưa ra lời cảnh báo rằng kỳ nghỉ lễ sắp đến, "chúng ta nên chú ý không quá ham mê sự lạc quan ngày càng tăng, đặc biệt là với những kết quả nghiên cứu có sự khác biệt khá lớn về mức độ nghiêm trọng của virus Omicron.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin vừa trải qua một phiên dao động mạnh mẽ. Giá bitcoin gần suốt phiên ở mức khoảng 48.000 USD, nhưng trước khi kết thúc ngày 23/12 tăng mạnh lên trên 49.000 USD.
Diễn biến giá bitcoin.
Giá vàng phiên này bám khá chắc mốc 1.800 USD/ounce trước kỳ nghỉ cuối năm.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc ngày 23/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,1% lên 1.805,29 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2 cũng tăng 0,2% lên 1.805,20 USD/ounce.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk