MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền thoái vốn sẽ tập trung chi cho an sinh xã hội

Tiền bán vốn tại các doanh nghiệp lớn sẽ được sử dụng ra sao? Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, ngoài phần nhỏ sử dụng để doanh nghiệp tái đầu tư, phần còn lại sẽ sử dụng chủ yếu để chi đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, đặc biệt chi cho an sinh xã hội.

Xin ông cho biết tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến thời điểm hiện nay?

Theo thống kê của Bộ Tài chính đến ngày 20-8-2016, đã có 48 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 Tổng công ty (TCT) gồm TCT Máy và Thiết bị công nghiệp, TCT Máy động lực và máy nông nghiệp thuộc Bộ Công Thương; TCT Tư vấn xây dựng Việt Nam thuộc Bộ Xây dựng; TCT 36 thuộc Bộ Quốc phòng; TCT Lâm nghiệp và TCT Vật tư nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổng giá trị thực tế của 48 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 31.905 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 23.280 tỷ đồng.

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2016, các đơn vị đã thoái vốn được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng. Trong đó, tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư), các tập đoàn, TCT đã thoái vốn được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ; SCIC (TCT đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước) đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng. Tại các lĩnh vực khác, các tập đoàn, TCT đã thoái vốn được 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ như vậy là còn chậm. Ông đánh giá như thế nào?

Theo chúng tôi, tiến độ như hiện nay là vẫn chấp nhận được. Giai đoạn tới đây, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa cũng không còn nhiều, hầu như chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là chất lượng của việc cổ phần hóa và hiệu quả đổi mới quản trị doanh nghiệp sau quá trình này. Bên cạnh đó là tập trung tiến hành thoái vốn ở các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả đúng như Nghị quyết của Đảng. Việc này cần phải được triển khai hiệu quả để tìm được những nhà đầu tư, người mua phát huy được giá trị của vốn Nhà nước, thu về nhiều nhất có thể.

Như vậy là việc cổ phần hóa các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn chưa đủ thực chất. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân thì có cả khách quan và chủ quan.

Về khách quan, việc cổ phần hóa còn hạn chế trước hết là do thị trường chứng khoán, thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm, cộng với những khó khăn nội tại của kinh tế trong nước dẫn đến nhu cầu và dòng vốn hạn chế, không bán được như mong muốn.

Song, quan trọng hơn vẫn là nguyên nhân chủ quan, trong đó có việc các bộ ngành đã quyết liệt chưa? Nếu đã quyết liệt thì đã tổng thể, triệt để chưa? Cơ chế chính sách về cổ phần hóa đều đã có, từ Luật, quy định về đất đai. Việc thoái vốn theo thị trường cũng đã được gỡ vướng, việc xử lý tài chính cũng đã được quy định, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cũng đã có.

Một nguyên nhân nữa là chất lượng tư vấn còn hạn chế. Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu và đưa ra biện pháp là đề nghị Kiểm toán Nhà nước – cơ quan độc lập kiểm tra lại giá trị nhằm đảm bảo không thất thoát lớn. Biện pháp này cũng sẽ giúp cơ quan quản lý đánh giá lại chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn.

Vậy với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán thì sẽ có chế tài xử phạt ra sao, thưa ông?

Quy định việc cổ phần hoá gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán đã có từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước. Sau đó, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã yêu cần bắt buộc DNNN sau cổ phần hoá phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch ngay trên thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính đã có kiến nghị và tới đây chế tài xử phạt cụ thể với tình trạng này sẽ được nghiên cứu đưa ra. Trước mắt, đối với các doanh nghiệp chậm niêm yết đăng ký giao dịch, Chính phủ đã và đang chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu yêu cầu thực hiện đúng quy định, trừ trường hợp có những yếu tố khách quan chưa đủ điều kiện.

Trong bối cảnh chế tài xử phạt còn đang hoàn thiện, chưa có tính răn đe, cơ quan Nhà nước chỉ có thể đề nghị các DN gương mẫu thực hiện đồng thời nhận thức đầy đủ rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán mới đảm bảo được sự công khai, minh bạch – một trong những mục tiêu mà việc nâng cao quản trị DN sau cổ phần hóa hướng tới.

Trở lại vấn đề thoái vốn, mới đây, để đốc thúc, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả như Habeco, Sabeco, Vinamilk,... Xin ông cho biết, việc này sẽ được triển khai như thế nào?

Chính phủ đã yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn mà Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn.

10 doanh nghiệp đó gồm: TCT cổ phần Bảo Minh; TCT cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia; Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty Hạ tầng và bất động sản Việt Nam; Công ty Nhựa Bình Minh; Công ty CP Sữa Việt Nam; Công ty CP FPT; Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang và Công ty Viễn thông FPT.

Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, SCIC đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện trước hết với Vinamilk ngay trong năm 2016. 9 doanh nghiệp còn lại cũng thực hiện trong năm nay và đầu năm sau.

Việc triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp này được thực hiện theo một trình tự, lộ trình phù hợp với nguyên tắc thu về lợi ích cao nhất cho Nhà nước đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển, không gây biến động lớn làm ảnh hưởng đến việc thoái vốn tại các DN khác có quy mô nhỏ hơn.

Số tiền thu lại từ việc thoái vốn sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

Như Quốc hội đã quyết định, một phần nhỏ của nguồn thoái vốn sẽ được tái đầu tư vào các doanh nghiệp còn lại mà Nhà nước vẫn nắm giữ theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Phần còn lại sẽ sử dụng chủ yếu để chi đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, đặc biệt là phục vụ an sinh xã hội như bệnh viện các tuyến; hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nông thôn, chương trình chống biến đổi khí hậu,...

Tôi cho rằng, trong tình hình ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế thì đó sẽ là những khoản chi có ý nghĩa lớn.

Xin cảm ơn ông!

Nhiều ý kiến lo ngại sau khi thoái vốn, các DN lớn của Việt Nam sẽ về hết tay các nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên tắc của thị trường lại đặt ra là không thể phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước với nước ngoài. Vậy, làm thế nào để vừa giữ được thương hiệu Việt vừa đảm bảo được sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp?

- Đúng là nguyên tắc khi đấu giá là không phân biệt nhà đầu tư trong hay ngoài nước. Hơn thế nữa, kể cả khi ta bán cho nhà đầu tư trong nước nhưng sau 3 năm, nếu có nhà đầu tư ngoại trả giá tốt hơn thì họ vẫn có thể bán.

Tuy nhiên, vẫn có rào cản kỹ thuật để chúng ta giữ vững được thương hiệu Việt. Luật Doanh nghiệp cho phép và kinh nghiệm tại một số doanh nghiệp trên thế giới cho thấy, họ sử dụng hình thức “cổ phần vàng”, đây là những cổ phần có quyền biểu quyết trước một số vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, ví dụ như việc thay đổi thương hiệu. Đây là đặc quyền của mỗi doanh nghiệp và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại các lĩnh vực Nhà nước không nắm giữ, khi xây dựng điều lệ đầu tiên, doanh nghiệp muốn giữ thương hiệu cần đưa nội dung thay đổi thương hiệu phải được chấp thuận bởi “cổ phần vàng” vào. Sau này, khi xảy ra tranh chấp, chỉ cần mang điều lệ ra là có thể giải quyết được vấn đề.

Theo Hồng Vân

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên