MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền thuế của người dân bị dùng cho quảng cáo trên các video cực đoan, Chính phủ Anh đình chỉ hợp tác với Youtube

18-03-2017 - 08:29 AM | Tài chính quốc tế

Youtube và Google đang phải giải thích với Chính phủ Anh sau khi một số video quảng cáo do chính phủ tài trợ bị gắn vào các đoạn video cực đoan trên trang chia sẻ video Youtube.

Sau khi phát hiện sự việc, Chính phủ Anh đã triệu tập đại diện Google để yêu cầu lời giải thích vì sao video quảng cáo được trả bằng tiền thuế của người dân lại được phát kèm các clip cực đoan như chống người Semites (những người nói tiếng Do Thái và Ả Rập), khuyến khích hiếp dâm hay những nhà truyền giáo bị cấm.

Tờ Times còn phát hiện những quảng cáo được gắn liền với những kẻ phát triển nội dung cực đoan, trong đó có những video ca ngợi các hoạt động khủng bố, giết người hàng loạt. Các quảng cáo từ Bộ Nội vụ, Hải quân Hoàng gia, Không quân Hoàng gia, Cơ quan giao thông vận tải London và cả hãng thông tấn BBC, đều bị gắn vào các video dạng này.

Sự việc khiến Nội các Anh đình chỉ mọi quảng cáo trên Youtube cho đến khi các nhà quảng cáo đảm bảo rằng thông điệp của chính phủ được truyền tới người sử dụng “một cách an toàn và thích hợp. Các hãng thông tấn lớn như Guardian, Channel 4 và BBC cũng đã đình chỉ các quảng cáo trên Youtube.

Bê bối xảy ra sau khi Chính phủ Anh quyết định chuyển quảng cáo trên truyền hình theo lối truyền thống để tập trung hơn vào quảng cáo trên các nền tảng Internet chẳng hạn như Youtube. Văn phòng Nội các Anh cho biết cách quảng cáo này là phương pháp tiếp cận công chúng theo lối hiện đại.

Chính phủ Anh không phải quốc gia đầu tiên phát hiện quảng cáo trên các nền tảng Internet vi phạm các quy định. Đầu tuần qua, Đức doạ sẽ phạt Facebook với khoản tiền lên tới 53 triệu USD nếu họ không tạo công cụ cho phép người dùng phàn nàn về những bài viết có nội dung xấu, sai sự thật và gỡ bỏ chúng. Lo ngại trước thông tin giả mạo, người Đức bắt đầu đề xuất phương án mạnh tay với các mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook, từ năm ngoái.

Ronan Harris, người phụ trách các hoạt động của Google tại Anh, cho biết, cần thiết phải có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm xác định vị trí hiển thị của các quảng cáo của Google. Trong năm ngoái, Google đã xoá bỏ gần 2 tỷ quảng cáo xấu. Tuy nhiên, bản thân ông Harris cũng thừa nhận hệ thống này không hoàn hảo.

“Trong phần lớn các trường hợp, chính sách của chúng tôi hoạt động tốt. Tuy nhiên, với hàng triệu trang web cùng số lượng 400 video được tải lên Youtube mỗi phút, chúng tôi nhận ra rằng mình khó có thể đảm bảo mọi thứ luôn đúng”, Harris thừa nhận. Đại diện Google cũng cho biết quảng cáo xuất hiện trên các video cực đoan không đáng kể nhưng Google sẽ tiến hành các biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo các công ty đối tác có thể kiểm soát được vị trí quảng cáo của họ.

Linh Anh

The Times

Trở lên trên