MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền tỉ bay theo... gió, lốc xoáy

09-04-2017 - 14:06 PM | Thị trường

Với hơn 12.000 ha hồ tiêu, tỉnh Bình Phước (BP) là một trong những địa phương trên cả nước có thế mạnh về loại cây này. Tuy nhiên hằng năm, hàng ngàn hộ nông dân trồng tiêu ở BP cũng không ngừng phải đối phó với một “vấn nạn” – được ví như “hung thần” của cây tiêu – đó là gió, lốc xoáy…

Gió, lốc xoáy - “hung thần” của cây tiêu

Gần đây nhất, phải kể tới cơn mưa trái mùa, kèm theo gió, lốc cuốn qua toàn bộ địa phận tỉnh Bình Phước vào buổi chiều ngày 25.3 vừa qua. Đặc biệt, gió, lốc xoáy càn quét qua 2 huyện Hớn Quản và Lộc Ninh – được ví như là thủ phủ của thương hiệu hồ tiêu BP trong những năm gần đây. Cơn mưa, lốc càn quét trong gần 2 giờ liền, chỉ tính riêng xã Thanh An, huyện Hớn Quản, gió, lốc đã vặn gãy, đổ khoảng 12.000 nọc tiêu đang cho trái, 4.000 cây cao su, 2.000 cây điều... Trong đó, riêng ấp Địa Hạt của xã Thanh An, có tới gần 100 hộ nông dân trồng tiêu gần như trắng tay.

Bà Lê Thị Thắm (thường trú xã Thanh An, huyện Hớn Quản) cho biết: “Gia đình tôi vay ngân hàng trên 600 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu. Chăm chút biết cao công sức gần một năm qua. Trong lúc tiêu đang cho trái, thì cơn lốc xoáy chiều 25.3 đã vặn gãy 1.300 nọc tiêu của nhà tôi sập đổ hoàn toàn. Thiệt hại ước tới 80%. Giờ, không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng đây”. Tương tự, ông Lương Hữu Vượng (thường trú ấp Ba Lành, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản), kể lại: “Cơn gió, lốc, mưa lớn tràn qua xã tôi, chỉ từ 5-7 phút, toàn bộ vườn tiêu hơn 300 nọc của nhà tôi đã đổ rạp hoàn toàn”.

Cách đây khoảng một tháng, vào khoảng 17 giờ chiều 23.2, một trận mưa giông trái mùa kèm lốc xoáy cũng bất ngờ đổ vào huyện Lộc Ninh. Người ta ước tính có tới 5 xã của huyện Lộc Ninh đã bị gió, lốc xoáy gây thiệt hại nặng nề cho hàng loạt cây trồng như: tiêu, điều, cao su, cây ăn trái.v.v… Tuy nhiên, với cây tiêu thì chịu thiệt hại nặng nề nhất. Chỉ tính riêng xã Lộc Quang, có khoảng 20.000 nọc tiêu bị gió, lốc vặn gãy. Xã Lộc Phú bị gãy đổ 10.000 nọc. Xã Lộc Thuận trên 10.000 nọc và 2 xã Lộc Điền, Lộc Khánh thì không thể thống kê hết thiệt hại là có bao nhiêu nọc tiêu bị gãy đổ.

Song, một thống kê sơ bộ của phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho biết: Trận lốc xoáy ngày 23.2 đã làm gãy đổ hoàn toàn trên 70.000 nọc tiêu của người dân, ước tính hiệt hại lên tới hơn 15 tỉ đồng. Và, trận gió, lốc xảy ra mới đây, vào ngày 25.3, gần 5 tỉ đồng của người dân cũng đã bay theo gió… Tương tự, trước đó vào ngày 6.5.2016, tận huyện Bù Đốp xa xôi nhất tỉnh BP, một cơn lốc xoáy đi qua, hơn 15.000 nọc tiêu cũng bị sập đổ.v.v… Đó là chỉ tính thiệt hại từ 3 trận gió, lốc xoáy gần nhất. Nếu tính cặn kẽ những cơn lốc xoáy đi qua tỉnh Bình Phước trong suốt một năm trở lại đây, con số thiệt hại, chỉ tính riêng nọc tiêu bị gãy đổ phải lên tới hàng chục tỉ đồng.v.v…

Lực lượng bộ đội địa phương đã phải xuống giúp dân khôi phục vườn tiêu.

Lực lượng bộ đội địa phương đã phải xuống giúp dân khôi phục vườn tiêu.

Ứng phó với thiên tai, cách nào?

Ông Lê Thái Cảnh – Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Hớn Quản – cho rằng: “Trụ nọc tiêu ngày xưa, lúc tỉnh BP còn rừng rộng lớn, nên nguồn cây gỗ làm nọc từ các loại cây tốt, to rất dồi dào. Trụ nào cũng cao từ 3 – 4m, đường kính trên 20cm, nên không ngại gió, lốc xoáy… Những năm gần đây, gần như nguồn gỗ rừng không còn, bà con chuyển sang sử dụng các loại cây tạp; thậm chí, sử dụng cả những cây phế phẩm, từ sản xuất công nghiệp, kích thước rất nhỏ, không bảo đảm chống chịu được những cơn gió, lốc…; dẫn tới thiệt hại nặng mỗi khi mưa trái mùa, kèm gió, lốc xoáy”. Vì vậy, theo ông Cảnh, bà con trồng tiêu cần cải thiện trụ trồng sao cho kiên cố, mới may ra chống chọi được gió, lốc…

Thực tế tại BP cho thấy, việc khắc phục nọc tiêu bị gãy đổ gây tốn kém khá lớn cho các nhà vườn, hộ nông dân trồng tiêu. Thị trường mua bán nọc, trụ hồ tiêu đã tăng giá chóng mặt mỗi khi có gió, lốc đi qua và hàng chục ngàn nọc tiêu bị gãy đổ… Hiện mỗi nọc, trụ tiêu bằng gỗ có giá khoảng 200.000 đồng/nọc. Bình quân mỗi hộ dân phải tốn từ 25- 50 triệu đồng để mua dây kẽm, cùng hàng nghìn nọc tiêu mới, thay thế cho các trụ, nọc trong vườn bị gió lốc quật ngã.v.v…

Thạc sĩ Lê Thúc Long - Phó phòng Bảo vệ thực vật, thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN – PTNT tỉnh BP) cũng cho rằng: “Tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương mà có thể sử dụng các loại trụ trồng tiêu sao cho thích hợp. Các hộ nông dân, nếu có điều kiện, nên sử dụng nọc sống để trồng tiêu, chủ yếu là những loại cây như: gòn, trôm, cóc rừng, lồng mức, tam thất, keo.v.v…Thời gian lâu dài, những nọc sống này phát triển sẽ chống chọi được với gió, lốc”.

Trong lúc đó, theo ông Vũ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Nhơn: “Việc trồng tiêu bằng vật liệu xây dựng như: bê tông, xây gạch… không thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nóng ở BP. Hiện nay, việc trồng tiêu trên trụ gỗ, lại được khuyến cáo, vì nó liên quan đến việc phá rừng, ảnh hưởng đến hệ môi trường sinh thái. Do đó, việc trồng hồ tiêu trên cây trụ sống, mặc dù vẫn còn một số nhược điểm nhất định, nhưng xét trên quan điểm canh tác bền vững thì đây là một biện pháp khả thi, đáng khuyến khích nhất; bởi nó đảm bảo tính ổn định của vườn cây về môi trường sinh thái. Kế đó, rất thuận lợi cho những người muốn phát triển mở rộng diện tích hồ tiêu với quy mô lớn. Ngoài ra, việc trồng trụ sống, xen hồ tiêu còn có tác dụng che bóng mát, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cây tiêu”.

Ngày 30.3 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh BP năm 2016, báo cáo tại Hội nghị cho hay: Năm 2016, trên địa bàn tỉnh tuy không ảnh hưởng trực tiếp của các trận bão, áp thấp nhiệt đới; nhưng thiên tai khác như: hạn hán, nắng nóng, lũ, lốc xoáy, sét đã diễn ra ở hầu hết các địa phương, gây thiệt hại đáng kể tài sản của nhân dân. Trong đó, chỉ riêng “vấn nạn” gió, lốc xoáy đã khiến 629 căn nhà dân bị tốc mái... Tổng diện tích cây trồng các loại bị thiệt hại là gần 30.000 ha… Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở tỉnh BP là 750 tỉ đồng. Hiện tượng hàng chục ngàn nọc tiêu của người dân bị gió, lốc vặn gãy sau mỗi cơn mưa đi qua, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng đã được mọi người đặc biệt quan tâm.v.v…

“Thủ phủ” cây tiêu Bình Phước cần được tiếp sức

Ông Phan Văn Đon – Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BP – cho biết: “Mục tiêu của tỉnh BP là nỗ lực phát triển cây hồ tiêu từ nay đến năm 2020, ổn định ở diện tích 14.500 ha, với năng suất bình quân khoảng 3,2 tấn/ha. Vùng trồng hồ tiêu sẽ được bố trí hợp lý ở những vùng có điều kiện thuận lợi đế trồng, phát triển cây tiêu như các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Bình Long… Tỉnh sẽ vận động nông dân trồng tiêu theo tiêu chuẩn GAP; hỗ trợ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu nâng tầm thương hiệu hồ tiêu BP. Tạo môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững, từ liên kết doanh nghiệp với người nông dân”.

Song, để đạt được mục tiêu đó hoàn toàn không dễ dàng, khi mà điều đơn giản nhất là làm sao hỗ trợ người dân trồng tiêu chống chọi được với thiên tai như mưa, gió, lốc xoáy… ? Ông Lê Thái Cảnh – Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Hớn Quản – nói: “Hơn lúc nào hết, chính quyền và các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh phải hết sức quan tâm đến việc hỗ trợ vốn cho nông dân trồng tiêu. Mỗi cơn lốc đi qua, hàng chục ngàn nọc tiêu gãy đổ, đồng nghĩa hàng trăm triệu đồng, hàng tỉ đồng và mồ hôi, công sức của cả gia đình người nông dân bị trôi theo gió, theo mưa… Chỉ giúp họ vay vốn, với những ưu đãi thật tốt, người dân mới có thể gượng dậy. Có vốn, họ mới mạnh dạn đầu tư nọc- trụ tiêu đạt chất lượng tốt, đủ sức chống chọi với thiên tai”.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh BP, hiện tượng thời tiết thất thường trong thời gian một năm trở lại đây – nhất là hiện tượng mưa kèm gió, lốc xoáy, mưa trái mùa... – đã khiến cho hàng chục ngàn nọc tiêu của nông dân tỉnh BP bị gãy đổ một cách bất bình thường. Với mật độ mỗi ngày nhiều hơn, cường độ mạnh hơn, dẫn tới thiệt hại cũng không ngừng gia tăng. Cụ thể một số vụ mưa kèm gió, lốc xoáy gây thiệt hại nặng cho người trồng tiêu ở tỉnh BP trong 1 năm qua: - 18.4.2016, lốc xoáy càn qua 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Đăng, gây gãy đổ 67,6 ha hồ tiêu, ước thiệt hại khoảng 8 tỉ đồng. - Ngày 7.5.2016, lốc xoáy càn quét làm gãy đổ 15.000 nọc tiêu ở huyện Lộc Ninh. - Ngày 19.7.2016, mưa kèm gió, lốc khiến 21.000 nọc tiêu của dân ở huyện Bù Đốp bị gãy đổ, thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. - Ngày 25.10.2016, lốc xoáy kèm mưa đá quét qua 3 xã Lộc Khánh, Lộc Thắng và Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh), làm 25.000 nọc tiêu bị gãy đổ. - Ngày 23.2.2017, mưa và gió lốc làm 70.000 nọc tiêu của người dân bị gãy đổ, thiệt hại khoảng 15 tỉ đồng. - Ngày 25.3.2017, lốc xoáy gây ra 12.000 nọc tiêu bị gãy đổ, thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng.

Theo Hoàng Hưng

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên