Tiến tới luật hoá Nghị quyết xử lý vướng mắc về nợ xấu, khi nào?
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ góp phần quan trọng giải quyết những vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.
- 20-06-2022Ngân hàng khó bán nợ xấu
- 17-06-2022Chốt kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến hết năm 2023
- 07-06-2022Thống đốc NHNN: 4 tháng đầu năm đã xử lý được gần 55 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Quan ngại nợ xấu gia tăng
Trong năm 2022, những yếu tố vĩ mô trên thế giới và Việt Nam tiếp tục có tác động lớn tới tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó tác động tới diễn biến nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu
Theo đánh giá của công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.
"Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, qua đó làm giảm lợi nhuận trong năm nay.
Đặc biệt, một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản cao có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác, làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu ngân hàng không thu được các khoản lãi này. Vấn đề này có thể giáng mạnh vào lợi nhuận của các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải ghi giảm doanh thu nếu khoản lãi không được thu trong cùng kỳ kế toán, hoặc ghi tăng chi phí nếu điều này xảy ra ở một kỳ kế toán khác", chuyên gia tại Yuanta Việt Nam phân tích.
Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV đánh giá, nợ xấu nội bảng cuối năm 2021 chỉ 1,5% như Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo, nhưng nợ xấu tiềm ẩn là những khoản nợ buộc phải cơ cấu lại, do dịch bệnh thời gian vừa qua có thể trở thành nợ xấu nếu tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn."Chúng tôi dự báo năm 2022, nợ xấu nội bảng sẽ ở mức khoảng 2% còn nợ xấu tiềm ẩn kia có thể khoảng 6%".
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV mới được thông qua về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14, với thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 , Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tiến tới luật hoá Nghị quyết 42
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, Nghị quyết 42 đã được thực tế chứng minh là mang lại nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Trong đó, góp phần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho công tác xử lý nợ xấu; giúp đẩy nhanh hơn tốc độ xử lý nợ xấu, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020. Đồng thời thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp cũng như nhận thức về trách nhiệm của cơ quan liên quan như công an, tòa án, địa phương… đối với công tác xử lý nợ xấu.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là liên quan đến tài sản đảm bảo
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn 5 vướng mắc chính đó là: Thứ nhất, sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi Nghị quyết gặp không ít khó khăn.
Thứ hai, còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến: Quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của tổ chức tín dụng; Việc mua, bán, sang tên TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Vướng mắc về thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế chuyển nhượng TSBĐ; Thiếu thông tin về hiện trạng TSĐB; và Khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.
Thứ ba, khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSĐB còn nhiều khó khăn.
Thứ tư, số lượng hồ sơ được áp dụng theo thủ tục rút gọn rất hạn chế. Trên thực tế, chỉ cần bên vay không thống nhất với tổ chức tín dụng về dư nợ hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt hay từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo đảm… thì Tòa án sẽ không áp dụng thủ tục rút gọn.
Thứ năm, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự.
"Vì vậy, việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ góp phần quan trọng giải quyết những vướng mắc lớn nêu trên, bằng cách tiến hành xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn", TS Cấn Văn Lực cho biết.
Bổ sung thêm ý kiến, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI nhìn nhận, vướng mắc lớn hiện nay trong xử lý nợ xấu là quyền thu giữ TSĐB. Có quan điểm lo ngại, việc thu giữ tài sản thế chấp là vi phạm quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, xét về bản chất, thì việc chủ sở hữu tài sản thực hiện giao dịch thế chấp là đã tự nguyện thỏa thuận và chấp nhận hậu quả pháp lý ảnh hưởng hạn chế, bất lợi đến quyền sở hữu tài sản và chỗ ở của mình, mà mức độ cao nhất là chấp nhận không còn quyền sở hữu tài sản và không còn chỗ ở.
Vì vậy, ngay từ năm 2019, Toà án nhân dân tối cao cũng đã nhận định "phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện". Như vậy, việc thu giữ tài sản thế chấp theo thỏa thuận của các bên cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và chỉ là một hành động để tạo điều kiện cho việc xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế.
"Tuy nhiên, trong thời gian tới nên xem xét quy định thêm điều kiện về thời hạn thông báo và xử lý tài sản bảo đảm theo hướng khuyến khích chủ sở hữu tự bán tài sản. Chẳng hạn như đối với tài sản bảo đảm là động sản thì thời hạn tối thiểu là 1 tháng (các trường hợp đặc biệt cần phải xử lý ngay), với bất động sản thì thời hạn tối thiểu là 6 tháng. Trong thời hạn đó, cần quy định về việc "khoanh nợ" của các tổ chức tín dụng", vị Luật sư đề xuất.
Diễn đàn doanh nghiệp