MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Tổng giám đốc FPT Telecom: Nhu cầu thiết yếu nhất là cơm ăn áo mặc, rồi đến nhu cầu về an toàn là tiêm vaccine

11-09-2021 - 16:57 PM | Doanh nghiệp

Phó Tổng giám đốc FPT Telecom: Nhu cầu thiết yếu nhất là cơm ăn áo mặc, rồi đến nhu cầu về an toàn là tiêm vaccine

Khảo sát cho thấy, 38% người được hỏi chọn tiền trợ cấp, 26% chọn vaccine, 25% chọn nhu yếu phẩm, 9% chọn công cụ làm việc online (laptop, phần mềm, kết nối internet…), và chỉ có 2% chọn nơi ăn ở.

Tại hội thảo trực tuyến "Oxy cho doanh nghiệp" do FPT Telecom International tổ chức, ban tổ chức đã đưa ra câu hỏi người lao động cần gì nhất thời đại dịch? 

Khảo sát cho thấy, 38% người được hỏi chọn tiền trợ cấp, 26% chọn vaccine, 25% chọn nhu yếu phẩm, 9% chọn công cụ làm việc online (laptop, phần mềm, kết nối internet…), và chỉ có 2% chọn nơi ăn ở.

Phó Tổng giám đốc FPT Telecom: Nhu cầu thiết yếu nhất là cơm ăn áo mặc, rồi đến nhu cầu về an toàn là tiêm vaccine - Ảnh 1.

Khảo sát của FPT Telecom về nhu cầu của nhân viên thời đại dịch

Theo ông Trần Hải Dương, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom International, chuyên gia trong lĩnh vực phát triển thị trường công nghệ viễn thông trong nước và quốc tế, khảo sát này phù hợp với nhu cầu của con người, đầu tiên là nhu cầu cơm ăn áo mặc, đảm bảo các chi phí về trợ cấp lo cho gia đình, sau đó là yêu cầu về an toàn, được bảo vệ đó là tiêm vaccine. Nếu doanh nghiệp nào đảm bảo được các chính sách này thì sẽ giữ chân được người lao động. 

Ông Dương chia sẻ, FPT tại TP.HCM trong đợt dịch bùng phát vừa qua đã chuẩn bị sẵn các túi y tế, trong trường hợp CBNV thành F0 thì các túi y tế này sẽ được chuyển đến tận nhà công nhân viên. Ngoài ra FPT còn tổ chức chuyến xe cứu thương dành riêng cho nhân viên FPT, nếu hệ thống y tế của TP.HCM bị quá tải thì nhân viên FPT được ưu tiên hỗ trợ y tế. Ông Dương cũng cho biết nhân viên của FPT Telecom phần lớn đã được tiêm 1 mũi vaccine. 

"Ngành viễn thông của chúng tôi công việc phải ra đường rất nhiều, chúng tôi phải xử lý các sự cố nên tạo tâm lý an toàn nhân viên sẽ giúp họ tiếp tục gắn bó với công ty nhiều hơn, bản thân gia đình họ cũng động viên khi người thân của họ được công ty hỗ trợ trong mùa dịch", ông Dương chia sẻ.

Phó Tổng giám đốc FPT Telecom: Nhu cầu thiết yếu nhất là cơm ăn áo mặc, rồi đến nhu cầu về an toàn là tiêm vaccine - Ảnh 2.

Ông Đặng Việt Dũng, đồng sáng lập và Tổng giám đốc (TGĐ) Nano Technologies, cựu TGĐ Uber Vietnam, TGĐ ZaloPay, Cố vấn quản trị của McKinsey thì nhận định rằng ở thời điểm hiện tại ai cũng cần vaccine và vaccine là cái quan trọng nhất lúc này.

"Lúc cận kề cái chết thì mới thấy sức khoẻ quan trọng nên vaccine quan trọng nhất. Tuỳ ngành nghề mà nhu yếu phẩm hay tiền trợ cấp quan trọng hơn. Người lao động thu nhập thấp thì tiền quan trọng với họ, tiền mua được nhiều thứ còn dân văn phòng thì có nhu cầu về nhu yếu phẩm cũng hay, có thể giá trị không lớn nhưng đó là nguồn động viên quan tâm đến nhau", ông Dũng chia sẻ. 

Theo Tổng giám đốc Nano Technologies, doanh nghiệp cần quản lý chi phí và buộc phải cắt giảm lao động trong đợt dịch nhưng cần cân nhắc về nguồn lực lao động sau dịch. Bởi những ngành đặc thù lao động có tay nghề, nếu họ chuyển dịch ngành nghề rồi tìm lại họ rất khó, rất tốn kém, không chỉ tốn kém ở góc độ tìm người mà đôi khi không tìm được họ là gây hại cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất và kinh doanh.

Nano Technologies đã làm việc với một vài khách hàng ngành may mặc. Đợt dịch đầu tiên (tháng 3,4/2020) do các đối tác ở nước ngoài bị bùng phát dịch, phải tạm ngừng đơn hàng nên các nhà máy trong nước phải cho công nhân nghỉ không lương hoặc nghỉ hẳn. Sau đó, tháng 5,6/2020 khi dịch đã được kiểm soát và đơn hàng quay trở lại, các nhà máy phải tuyển ồ ạt nhân công và tuyển không kịp. Điều này dẫn đến, chi phí tuyển dụng tăng 1.600% từ mức 500.000 đồng/phí tuyển dụng một nhân công trước dịch lên tới 8 triệu đồng/nhân công sau dịch. Ông Dũng cho rằng, câu chuyện đứt chuỗi cung ứng trong hàng hoá cũng áp dụng trong nguồn lực, chi phí tuyển dụng sau dịch là điều mà nhà quản lý phải cân nhắc, bởi nếu đơn hàng về thì chúng ta không có cách nào khác cả.

Phó Tổng giám đốc FPT Telecom: Nhu cầu thiết yếu nhất là cơm ăn áo mặc, rồi đến nhu cầu về an toàn là tiêm vaccine - Ảnh 3.

Hầu hết số người được hỏi đều cho rằng chi phí tuyển dụng sau dịch sẽ tăng cao

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Nhân sự Khu vực Đông Nam Á - Avery Dennison, Th.s MBA Cấp cao Đại học Hawaii, USA thì cho rằng các con số khảo sát ở trên chỉ mang tính tương đối vì câu hỏi chỉ cho người trả lời được chọn một, nếu được lựa chọn nhiều hơn thì tỷ lệ sẽ đều nhau. Bởi nhu yếu phẩm, tiền trợ cấp, vaccine đều là những thứ người lao động cần lúc này. Theo ông Tuấn, vaccine là lựa chọn kết nối nhiều về mặt chính sách. Nhiều địa phương hiện nay yêu cầu doanh nghiệp chỉ được vận hành hoạt động nếu đảm bảo vaccine cho người lao động, về lâu dài phải có vaccine, nếu không có vaccine thì người lao động không đi làm được nên nhu cầu vaccine ngày càng cao.

Ông Tuấn cũng chia sẻ câu chuyện về công ty Avery Dennision, nhóm sản xuất muốn đi làm để ổn định cuộc sống, còn nhóm nhân viên văn phòng có nhu cầu gặp gỡ tương tác với mọi người, cảm giác ở nhà bức xúc đặc biệt với những người độc thân, nhà chỉ có 1 thành viên.

Phó Tổng giám đốc FPT Telecom: Nhu cầu thiết yếu nhất là cơm ăn áo mặc, rồi đến nhu cầu về an toàn là tiêm vaccine - Ảnh 4.

Doanh nghiệp khôi phục sản xuất như thế nào?

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách để hồi phục sau dịch khác nhau, ở góc độ công ty Avery Dennison sẽ tập trung vào 3 yếu tố: nguồn lực con người, quy trình quy chuẩn và công nghệ (công cụ làm việc). 

Phó Tổng giám đốc FPT Telecom: Nhu cầu thiết yếu nhất là cơm ăn áo mặc, rồi đến nhu cầu về an toàn là tiêm vaccine - Ảnh 5.

Nguồn: FPT Telecom

Yếu tố con người là trọng tâm, những kỹ năng tại thời điểm trước có thể trong tình hình mới sẽ không áp dụng được nữa hoặc yêu cầu nhiều hơn, nếu mình không có sự linh hoạt thì không thích nghi được với những tình huống khó lường. Nếu yếu tố con người không được chuẩn bị kỹ thì rất khó khăn để doanhnghiệp phục hồi lại.

Về quy trình, có những việc trước đây mình đó là tiêu chuẩn, là tốt nhất nhưng bây giờ áp dụng thì phần lớn gặp nhiều trở ngại buộc mình phải thay đổi, mình phải xem liệu từ trước đến giờ làm 10 bước cần phải cắt giảm 2 bước thành 8 bước hoặc thêm 2 bước để thích nghi môi trường mới.

Về công nghệ, đó là nền tảng để doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Một doanh nghiệp thời gian qua khi áp dụng phương án 3 tại chỗ nhưng tại thời điểm đó họ không thực hiện được vì một vấn đề khá đơn giản là số lượng nhân sự lên tới 30.000 người và họ không thể sắp xếp tương tác với 30.000 người để đưa ra đường lối chiến lược được. Câu hỏi đặt ra ở đây là trước đó doanh nghiệp đã vận hành như thế nào? Phần công nghệ của họ đã không giúp được doanh nghiệp tương tác được với nhân viên, để đảm bảo sản xuất an toàn. 

Khi doanh nghiệp phục hồi lại thì 3 yếu tố phải cân đối, doanh nghiệp có nguồn lực tốt chỉ tập trung về quy trình và công nghệ, ngược lại doanh nghiệp nào chỉ giỏi về quy trình thì phải tập trung vào 2 điểm còn lại. 3 điểm này phải cân đối, doanh nghiệp nào có sự tập trung như vậy thì sự thành công và tự tin sẽ nhiều trong tình hình mới.

Ông Trần Hải Dương, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom International cũng đồng ý với nhận định của ông Tuấn và cho biết các yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch gói gọn trong 2 chữ P và một chữ T (People, Process và Technology). Tuy nhiên ông Dương lại cho rằng phần công nghệ có thể outsource (thuê ngoài, mua) khó nhất là về con người. Trong thời điểm làm thế nào chúng ta thích ứng với tình hình chưa có vaccine đầy đủ và xã hội đang đứt gãy chuỗi cung ứng thì mỗi người trong doanh nghiệp đều phải tự thích ứng đều phải thay đổi. Về quy trình, doanh nghiệp có thể cắt bớt các quy trình để thích ứng, nhưng quan trọng nhất là câu chuyện về con người. Doanh nghiệp có thành công hay không và có đang tận dụng công nghệ một cách phù hợp hay không?.

Ông Đặng Việt Dũng thì cho rằng, trong đợt dịch này những vấn đề trong tổ chức lộ ra khá nhiều, ai cũng có vấn đề riêng của mình. Công ty Nano được nhận vốn đầu tư nước ngoài và có mô hình kinh doanh khá thú vị nhưng doanh nghiệp của anh vẫn bị ảnh hưởng. Từ CEO xuống mọi người ai cũng có quan ngại của chính mình nên vai trò của lãnh đạo trong quản lý là minh bạch và thành thật với tất cả mọi người về tình hình đang diễn ra. Không phải câu chuyện nói 1 tháng/lần mà là hàng ngày, để mỗi thành viên đều hiểu tình trạng hoạt động của công ty như thế nào. "Kể cả mọi thứ rất tệ nhưng nếu nhìn cùng một hướng, nếu công ty vì lý do khách quan khó qua sống qua đợt dịch được thì mình đã làm hết sức rồi, còn nếu mình tận dụng được thì team đi cùng mình qua đợt dịch thì sẽ đồng hành cùng nhau rất lâu", ông Dũng kết luận.   

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên