Tiền Trung Quốc ở Ohio, văn hóa Mỹ - Trung và những cú sốc
Điều gì làm nên một nhà máy kiểu Mỹ? Bộ phim tài liệu của đạo diễn Steven Bognar và Julia Reichert hợp tác sản xuất với vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama sẽ đem đến cho bạn một chút thông tin.
- 23-08-2019Trung Quốc đe dọa tăng thêm các biện pháp đối phó thương mại nhưng từ chối nói chi tiết
- 23-08-2019Thương chiến với EU, Mỹ sẽ “lĩnh đòn” nặng hơn trong cuộc chiến với Trung Quốc?
- 22-08-2019Để kích thích kinh tế, Trung Quốc có thể phải làm nhiều việc hơn là cải cách lãi suất
Bộ phim xoay quanh 1 nhà máy ở Dayton, Ohio. Trước đây thuộc về General Motors, nhà máy từng có 2.000 công nhân lắp ráp những chiếc SUV. Tuy nhiên nó đã đóng cửa năm 2008, để lại một tòa nhà bị bỏ hoang và khiến tỷ lệ thất nghiệp của vùng này đạt đỉnh 12,5% trong năm 2009.
Được hồi sinh nhờ dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, tất nhiên nhà máy này sẽ là 1 nhà máy kiểu Mỹ dù có chủ là người Trung Quốc. Các nhà làm phim đã theo chân Cao Dewang, Chủ tịch của Fuyao – tập đoàn sản xuất kính của Trung Quốc, dạo quanh nhà máy.
Giống như câu ngạn ngữ cổ "Khi ở Rome hãy làm như người Rome", Dewang cho rằng không nên treo những bức tranh Trung Quốc trên tường nhà máy. Ông cũng thuê người Mỹ đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao, thậm chí mời Thượng nghị sĩ của bang, Sherrod Brown, tới phát biểu tại lễ khai mạc.
Tuy nhiên những căng thẳng nhanh chóng xuất hiện. Các công nhân Mỹ cảm thấy họ không được tôn trọng, trong khi các giám sát người Trung Quốc có phần quân phiệt và kẻ cả bề trên. Người Mỹ cũng bị phàn nàn là chậm chạp, không khéo léo và sợ nóng. Dewang có thái độ giận dữ khi một số người lao động muốn thành lập công đoàn.
Những xung đột nảy sinh khiến người xem cảm thấy nhà máy này không giống 1 nhà máy kiểu Mỹ. Khi lợi nhuận gây thất vọng, Dewang sa thải tất cả các quản lý người Mỹ và thay thế họ bằng người Trung Quốc. Shawnea Rosser nhớ rằng cô được trả 29 USD 1 giờ và còn có một vài phúc lợi khi làm việc cho GM, trong khi ở Fuyao mức lương là 12,84 USD mỗi giờ.
Các quản lý người Trung Quốc còn luôn thúc giục đẩy nhanh tốc độ bất chấp những quy tắc về an toàn bị bỏ qua, khiến công ty bị Cơ quan An toàn Nghề nghiệp và Sức khỏe Hoa Kỳ điều tra.
Tuy nhiên, khi 1 nhóm công nhân từ Ohio tới thăm một trong những nhà máy của Fuyao ở Trung Quốc, họ đã bị sốc. Những người công nhân Mỹ ngạc nhiên nhìn một nhóm công nhân Trung Quốc điểm danh theo kiểu quân đội và hô khẩu hiệu "tiến lên". Họ còn cảm thấy kinh hoàng khi những người công nhân Trung Quốc làm việc với kính mà không đeo găng tay bảo hộ. So với công nhân Trung Quốc thì lịch làm việc với 8 ngày nghỉ mỗi tháng và chỉ làm 8 giờ mỗi ngày của công nhân Mỹ quả thực là "thiên đường". Cuộc sống ở nhà máy Fuyao tại Ohio có thể không giống như những ký ức tươi đẹp thời GM, nhưng cũng là quá sung sướng so với ở Trung Quốc.
Khán giả có thể tự quyết định nhà máy Fuyao ở Ohio có thực sự là 1 nhà máy Mỹ hay không, hoặc họ có thể cho rằng với quá nhiều vấn đề phức tạp thì không thể có câu trả lời đúng cho câu hỏi này. Trong mối quan hệ hợp tác này, hai bên đều phải dựa vào nhau: những công nhân nhà máy phụ thuộc vào dòng vốn Trung Quốc để đảm bảo công việc, trong khi ông Dewang phải dựa vào năng suất của họ để tạo ra lợi nhuận.
Dewang nói với các công nhân rằng ông hi vọng nhà máy này sẽ thay đổi cách người Mỹ nhìn về Trung Quốc. Tuy nhiên nếu điều đó không trở thành hiện thực, có lẽ nhà máy này sẽ khiến người Mỹ phải nhìn lại chính mình.
Bộ phim được chiếu trên Netflix từ ngày 21/8.