Tiền vào chứng khoán "heo hút", giá trị khớp lệnh HoSE xuống mức thấp nhất trong gần 28 tháng
Đây đã là lần thứ 3 kể từ đầu tháng 2 thanh khoản HoSE xuống dưới mức 6.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một phiên giao dịch ảm đạm với thanh khoản tiếp tục phá đáy. Giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 32% so với phiên trước xuống còn chưa tới 5.300 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng gần 28 tháng kể từ tháng 11/2020. Đây đã là lần thứ 3 kể từ đầu tháng 2 thanh khoản HoSE xuống dưới mức 6.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Thanh khoản xuống đáy 28 tháng
Đáng chú ý, ngay cả khi VN-Index tiến tới sát ngưỡng 1.035 điểm nhưng không thể giúp tâm lý nhà đầu tư hưng phấn hơn, dòng tiền vẫn nhập cuộc tương đối chậm chạp. Nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc mua đuổi các cổ phiếu hồi phục trong khi áp lực bán cũng không lớn.
Về cơ bản, thanh khoản xuống thấp đang phần nào phản ánh sự hạ nhiệt của làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán. Từ sau giai đoạn bùng nổ trong giai đoạn tháng 5 và 6, số lượng tài khoản mở mới đã liên tục giảm trong 2 tháng qua. Thậm chí, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội trong tháng 1/2023 chỉ tương đương khoảng 1/3 so với tháng trước và là mức thấp nhất trong vòng 26 tháng kể từ tháng 10/2020.
Làn sóng nhà đầu tư mới hạ nhiệt
Dòng tiền mới không thật sự dồi dào trong khi tiền sẵn trong thị trường lại tỏ ra thận trọng trước các biến động khó lường từ bên ngoài đã khiến giao dịch trở nên ảm đạm hơn. Những thông tin kém tích cực từ ngành bất động sản, ngân hàng cộng thêm áp lực rút vốn từ khối ngoại, bao gồm cả các quỹ ETF từ châu Á khiến thị trường thiếu đi lực đỡ từ khối nhà đầu tư tổ chức, qua đó làm yếu đi những động lực nâng đỡ thị trường. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán.
Không chỉ vậy, hiện mức định giá của chứng khoán Việt Nam không còn thực sự quá hấp dẫn, đặc biệt sau mùa báo cáo quý 4 với lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm sâu. Hiện P/E của VN-Index vẫn ở mức 11,x - cao hơn đáng kể so với đáy. Với nền so sánh cao cùng kỳ, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nhiều khả năng sẽ còn giảm sâu trong quý 1 và xa hơn có thể là cả năm 2023. Điều này sẽ khiến định giá thị trường đã không thật sự rẻ lại càng thêm đắt và trở thành rào cản đối với việc thu hút dòng vốn ngoại trong ngắn hạn.
Ngoài các nguyên nhân xuất phát trong nước, chứng khoán cũng đang chịu một số tác động từ quốc tế khi kết quả dưới kỳ vọng từ báo cáo lạm phát khiến nhà đầu tư lo ngại FED có thể tăng lãi suất với mức độ mạnh hơn và lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Tuy vậy, nhìn về triển vọng thị trường dài hạn, ông Michael Kokalari – Kinh tế trưởng Vinacapital vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng thị trường Việt Nam sẽ còn tăng cao hơn nữa vào năm 2023, ngay cả sau khi đã có một khởi đầu thuận lợi.
Kinh tế trưởng Vinacapital tin rằng giai đoạn giảm điểm của TTCK Việt Nam hiện đã kết thúc và có sự đồng thuận về kỳ vọng VN-Index sẽ tăng hơn 20% với sự phục hồi về cơ bản là do sự cải thiện ở cả yếu tố trong nước và quốc tế vốn đã tạo áp lực lên thị trường trong năm ngoái. Áp lực lạm phát toàn cầu hiện đang giảm bớt, điều đó có nghĩa là việc tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương làm suy yếu các TTCK phát triển lẫn mới nổi vào năm ngoái có thể sẽ sớm kết thúc.
Nhịp Sống Thị Trường