Tiếp tục giảm 2% thuế VAT: Người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng hưởng lợi
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2024, quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội.
Theo đó, quy định giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 áp dụng với một số nhóm mặt hàng chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% được nhận định sẽ có những tác động tích cực.
Việc chính sách giảm 2% thuế VAT được tiếp tục kéo dài đến cuối năm nay, sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục được hưởng lợi. Ông Trần Đăng Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh lương thực Phước An cho biết, Chính phủ tiếp tục chính sách giảm thuế VAT 2% thông qua đó nhu cầu của khách hàng sẽ được tăng lên và từ đó sẽ giúp ích cho việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất.
Thực tế áp dụng và triển khai việc giảm thuế VAT 2% đối hàng hoá tiêu dùng trong toàn hệ thống, ông Nguyễn Anh Phương, Giám đốc vùng miền Bắc, siêu thị Mega Market cho rằng: chính sách kéo dài thời gian giảm thuế đến hết năm 2024 này là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp thuộc khối ngành dịch vụ. Khi được hưởng lợi từ việc giảm thuế VAT, các doanh nghiệp sẽ duy trì được mặt bằng giá, giúp giữ được dịch vụ ổn định và giữ chân được khách hàng.
"Tôi hi vọng rằng là mức độ giảm như vậy thì sức tiêu thụ sẽ tăng lên và sản xuât tăng lên và sẽ làm giảm giá thành cuối cùng mà khách hàng sẽ phải trả. Thông qua đó thì nhu cầu của khách hàng sẽ được tăng lên, từ đó sẽ giúp ích cho việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất….", ông Phương nói.
Theo Nghị định số 72/2024 vừa được Chính phủ ban hành, việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Tuy nhiên, việc giảm thuế không bao phủ tất cả mà sẽ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp đánh giá: "Rõ ràng khi giảm từ 10% xuống 8% thì ngân sách nhà nước cũng mất đi một khoản một khoản thuế tương đối lớn, nhưng tôi cho rằng đây là chi phí cơ hội đây là vốn mồi cho nền kinh tế cũng như vốn mồi cho hàng vài chục triệu người dân bởi vì ai cũng phải tiêu dùng, cho nên việc giảm thuế từ 10% xuống 8% ngoài việc kích thích sản xuất, kinh doanh còn có tác dụng kích cầu tiêu dùng. Và kích cầu tiêu dùng rồi thì quay trở lại tổng lượng nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên, quay trở lại sản xuất tiêu dùng tăng lên mà sẽ có hiệu quả kinh doanh từ việc tăng trưởng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng".
Theo tính toán của Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 trong 5 tháng đầu năm 2024 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng trên 19.000 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam nhấn mạnh, việc giảm thuế VAT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
"Đầu ra của doanh nghiệp này chính là đầu vào của của họ và khi đầu vào của họ giảm thì chi phí cũng giảm, giá thành cũng giảm và rõ ràng đi đến là giá bán cũng giảm và như vậy, tác động tích cực đến người tiêu dùng…", bà Cúc phân tích.
Bộ Tài chính cho biết, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng cuối năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tiếp tục giảm thuế VAT sẽ đem lại hiệu ứng tích cực và là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.
Điều quan trọng hơn là góp phần cải thiện tâm lý của người dân, không khí hoạt động của doanh nghiệp và bớt đi phần ảm đạm của bối cảnh kinh tế chung. Theo đó, sẽ có tác độn g lan tỏa mạnh mẽ đến nội lực của mỗi cá nhân và tổ chức, góp phần đáng kể vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, sẽ tốt hơn nếu mở rộng diện áp dụng giảm thuế với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Qua đó, sẽ vừa tạo tác động lan tỏa đến nền kinh tế, giảm chi phí quản lý, vừa tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
VOV