MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục lao dốc, VC7 đã rơi 40% trước triển vọng không khả quan của Dự án chung cư 136 Hồ Tùng Mậu?

Cái khó của VC7 ở đây là những căn hộ chưa bán hết chủ yếu là penhouse và đây là loại hàng khó bán tại khu vực phía Tây Hà Nội. Không những thế, giống như năm trước, việc có những hộ dân không nhận bàn giao nhà khiến cho VC7 không thể ghi nhận doanh thu dẫn đến việc không hoàn thành kế hoạch.

Cổ phiếu VC7 của CTCP Xây dựng số 7 tiếp tục chuỗi giảm điểm không ngừng nghỉ và hiện đã rơi 40% so với giá đỉnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 03/10, VC7 chỉ còn 18.600 đồng. Với con số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tính theo 4 quý gần nhất đạt hơn 2.300 đồng thì chỉ số P/E của VC7 vẫn ở khoảng 8 lần.

Hết game thoái vốn, dường như nhà đầu tư đã không còn mặn mà với một doanh nghiệp ít điểm sáng như VC7.

Tại thời điểm cuối quý 2.2017, VC7 có 150 tỷ hàng tồn kho trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 136 tỷ đồng – giảm 90 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đó thuộc về dự án Chung cư tại 136 Hồ Tùng Mậu – dự án được gọi là nồi cơm của VC7 trong thời gian qua. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án này đã giảm mạnh từ 195 tỷ đồng xuống còn 93 tỷ đồng, tương ứng doanh thu bất động sản ghi nhận về cho VC7 trong 6 tháng đầu năm là 85 tỷ đồng – tăng 35% so với cùng kỳ.

Với một nhà đầu tư thông thường, nếu chỉ đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có thể cho rằng với số dư hàng tồn kho như trên, mảng kinh doanh bất động sản của VC7 trong những tháng cuối năm cũng đủ để doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch. Nhưng thực tế có đạt?

Dự án Chung cư 136 Hồ Tùng Mậu được VC7 triển khai trong những năm 2014 - 2016, bao gồm 2 tòa tháp căn hộ cao 27 tầng. Đây là dự án trọng điểm, có vị trí đắc địa và rất đắt khách.

Tuy nhiên hiện tại, dự án này gần như đã bán hết, bàn giao theo quy định và theo đó đã ghi nhận phần lớn doanh thu. Cụ thể, năm 2015, VC7 ghi nhận doanh thu từ bất động sản là 205,1 tỷ đồng và năm 2016 là 124,6 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017 là 85 tỷ đồng.

Theo thông tin từ công ty, tòa CT-1A chỉ còn hơn 10 căn hộ và một số căn penhouse. Tòa CT-2A chỉ còn 3 trong tổng số 14 căn penhouse.

Cái khó của VC7 ở đây là những căn hộ chưa bán hết chủ yếu là penhouse và đây là loại hàng khó bán tại khu vực phía Tây Hà Nội. Không những thế, giống như năm trước, việc có những hộ dân không nhận bàn giao nhà khiến cho VC7 không thể ghi nhận doanh thu dẫn đến việc không hoàn thành kế hoạch.

Chính vì vậy, mặc dù tồn kho cao nhưng chưa chắc có thể chuyển thành doanh thu cho doanh nghiệp. Đây là điều mà nhà đầu tư cần chú ý khi nhìn con số tồn kho của các DN bất động sản.

Đối với riêng VC7, dường như những điều này đã được nhà tư tìm hiểu và do đó, sau khi Vinconex thoái xong vốn thì cổ phiếu đã bị thả rơi như đã nói.

Cùng với cuộc thoái vốn của Vinaconex khỏi VC7 (hơn 33% vốn điều lệ) thì từ ĐHCĐ thường niên hồi đầu năm, VC7 đã bầu Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Tháng 8 vừa qua, VC7 có Chủ tịch HĐQT mới là ông Hoàng Trọng Đức. Đến ngày 12/09, HĐQT miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Trọng Tấn, người đại diện vốn của Vinaconex. Cùng với đó, các cổ đông nội bộ liên tiếp thoái vốn. Gần đây nhất, ông Nguyễn Xuân Thu, Phó giám đốc Công ty đăng ký bán 60.000 CP, thời gian giao dịch trong vòng 1 tháng kể từ ngày 29/9. Bà Nguyễn Bích Thủy, vợ ông Nguyễn Xuân Trường – Phó giám đốc đăng ký 10.000 CP. Ông Nguyễn Trọng Tấn, cựu Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 150.000 CP.

Trước thời điểm VCG thoái vốn, các cổ đông nội bộ bao gồm thành viên HĐQT, thành viên BKS và các thành viên Ban Giám đốc cũng bán ra hàng loạt.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên