MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục mất mùa, nguồn cung hạn chế nhưng giá tiêu khó tăng như kỳ vọng

24-05-2022 - 14:22 PM | Thị trường

Tiếp tục mất mùa, nguồn cung hạn chế nhưng giá tiêu khó tăng như kỳ vọng

Nhiều dự báo lạc quan cho rằng đến quý 2/2022, giá hạt tiêu có thể tăng lên từ 85.000-90.000 đồng/kg và mức giá 100.000 đồng/kg có thể đạt vào tháng 9-10. Song, hiện nay trên thị trường giá hạt tiêu trong nước giảm trở lại sau khi phục hồi vào đầu tháng 5/2022.

Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục đà giảm trong thời gian tới do những tác động tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và chính sách "Zezo COVID" của Trung Quốc khiến nhu cầu tiêu thụ giảm.

Tuy nhiên, triển vọng giá hồ tiêu trong trung và dài hạn vẫn tương đối tích cực.

Giá tiêu trong nước giảm từ 2.500 – 3.000 đồng/kg

Ngày 24/5, giá tiêu đồng loạt đi ngang sau khi đã giảm 1.000 đồng/kg vào hôm qua và ổn định trong khoảng 72.000 - 75.500 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm trong nước.

Trong đó, mức giá thấp nhất tại tỉnh Gia Lai 72.000 đồng/kg, Đồng Nai 72.500 đồng/kg, tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu giá không đổi, lần lượt ở mức 74.500 đồng/kg và 75.500 đồng/kg.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, ngày 18/5, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 2.500 – 3.000 đồng/kg so với ngày 28/4, xuống còn 73.000–76.500 đồng/kg. Giá tiêu trắng ở mức 114.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 4/2022, nhưng vẫn cao hơn so với mức 100.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Tại cảng khu vực TP.HCM, ngày 18/5, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 140 USD/tấn so với ngày 28/4, xuống còn lần lượt 3.900 USD/tấn và 4.100 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 140 USD/tấn so với ngày 28/4/2022, xuống còn 5.900 USD/tấn.

Nửa đầu tháng 5, xuất khẩu hồ tiêu giảm đến 24,23% nhưng kim ngạch không giảm

Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 5/2022 đạt 9.500 tấn, trị giá 43 triệu USD, so với nửa đầu tháng 5/2021 giảm sâu 24,23% về lượng nhưng kim ngạch không giảm, tăng nhẹ 0,56% nhờ giá xuất khẩu tăng.

Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/5 xuất khẩu hồ tiêu đạt 87.235 tấn, trị giá 405,305 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 17,65% về lượng nhưng tăng đến 24,12% về kim ngạch.

Tháng 4 giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.629 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 3, nhưng tăng 41,8% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.662 USD/tấn, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Top 5 thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất trong 4 tháng đầu năm, gồm: Mỹ, Ấn Độ, UAE, Đức và Hàn Quốc. Trong đó, thị trường Mỹ nhập khẩu 5.156 tấn, chiếm 22,0% tổng lượng xuất khẩu của cả nước.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ từ Việt Nam trong quý 1/2022 đạt 14,38 nghìn tấn, trị giá 69,53 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 65,44% trong quý 1/2021 lên 72,38% trong quý 1/2022.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), niên vụ 2020 – 2021, sản lượng hồ tiêu của cả nước chỉ đạt khoảng 195.000 tấn, và vụ thu hoạch hồ tiêu 2022 của Việt Nam cũng đã kết thúc với năng suất giảm từ 10% - 15%, tương đương 20.000 tấn, ước sản lượng vụ tiêu 2021 - 2022 đạt từ 165.000 tấn – 175.000 tấn, khiến nguồn cung trong nước hạn chế¸ tuy vậy giá hồ tiêu không tăng như kỳ vọng của người nông dân do thị trường nhập khẩu giảm mua.

Giá tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa phục hồi vào đầu tháng 5/2022 nhờ Trung Quốc mở cửa để thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, sự phục hồi không kéo dài do giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao.

Hiện vẫn đang là thời điểm giao nhận hàng các hợp đồng đã ký từ năm ngoái, nên khách hàng nước ngoài chưa ký các hợp đồng mới. Điều này khiến các nhà xuất khẩu của Việt Nam không mua hàng tích trữ, dẫn đến việc giá hạt tiêu trên thị trường sụt giảm. Và giá hạt tiêu có tăng trở lại hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thu mua của thị trường Trung Quốc.

Triển vọng giá hồ tiêu trong trung và dài hạn vẫn tương đối tích cực

Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các nước tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, nên giá hồ tiêu toàn cầu trong những tháng qua không cho thấy có sự dao động lớn, mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi đó, vụ mùa tại ba nước sản xuất chính khác là Ấn Độ, Campuchia và Brazil vẫn đang diễn ra.

Trong năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu của các nước sản xuất ước tính đạt 476 ngàn tấn, giảm khoảng 4% so với với năm 2020, thay vì giảm 9% so với dự báo trước đó.

Trong 4 tháng đầu năm nay, thương mại hồ tiêu toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm, trong đó, xuất khẩu của hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil giảm lần lượt là 16,6% và 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều dự báo cho rằng, khi hoạt động kinh tế tại nhiều quốc gia đang dần khởi sắc trở lại sau đại dịch có thể dẫn đến nhu cầu hồ tiêu toàn cầu tăng. Tuy nhiên, tại một số nước nhập khẩu chính, đặc biệt ở khu vực châu Á và châu Phi vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi những khó khăn do đại dịch gây ra và tiếp tục đối mặt với lạm phát cao, những bất ổn kinh tế có thể ảnh hưởng đến nhập khẩu và tiêu dùng của các nước.

Những bất ổn trong vận tải hàng hóa toàn cầu cũng là yếu tố tác động lên thương mại hồ tiêu. Bên cạnh đó, việc chính quyền Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách "Zero COVID" cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu tại nước này,

Song, triển vọng giá hồ tiêu trong trung và dài hạn vẫn tương đối tích cực bởi sản lượng toàn cầu được IPC dự báo tiếp tục giảm khoảng 3% trong năm nay. Thậm chí có thể giảm hơn bởi báo cáo vụ mùa của Việt Nam, Campuchia hay Sri Lanka đều giảm từ 10% - 20%.


Theo Nguyễn Huyền

BizLive

Trở lên trên