Tiếp tục tuyên chiến với các “ngân hàng cột điện”
Trở thành “vấn nạn” từ nhiều năm nay, tín dụng đen vẫn len lỏi và ngày càng có nhiều biến tướng, đặc biệt tại các vùng nông thôn, khu công nghiệp.
Những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với nội dung như: “Alo là có tiền, thủ tục nhanh - gọn, chỉ cần số điện thoại, chứng minh thư”, “cho vay không cần thế chấp”, “thời gian giải quyết nhanh gọn từ 5 đến 10 phút”... vẫn được dán la liệt trên các bức tường, cột điện, thân cây.
Tình trạng này không chỉ diễn ra tại các thành phố mà còn phổ biến tại các vùng nông thôn, khu công nghiệp với quy mô ngày càng lớn.
Ẩn sau những lời mời chào hấp dẫn của thị trường tín dụng đen là những cạm bẫy lãi suất khủng, với mức lãi từ vài chục phần trăm đến vài trăm phần trăm/năm. Mặc dù lãi suất cho vay cao ngất ngưởng như vậy nhưng với thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng, nhiều người cần tiền gấp vẫn chấp nhận vay để giải quyết vấn đề tài chính cấp bách.
Ông Đặng Quang Phượng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, thị trường tín dụng đen ngày càng trở nên nhức nhối tại Việt Yên và khu công nghiệp Việt Yên bởi thủ tục cho vay quá đơn giản, chỉ cần chứng minh thư, bằng lái xe hoặc gọi điện là có tiền ngay. Công nhân tại đây từ nhiều vùng miền khác nhau đổ về, đời sống khá khó khăn nên khi cần tiền, không biết vay ai họ đã phải tìm đến tín dụng đen, hay còn gọi là “ngân hàng cột điện”.
Cũng theo ông Phượng, tại vùng nông thôn, những người vay tín dụng đen thì hầu hết dính đến tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề. Nhiều người đã trở thành “con nợ”, khi không trả được nợ thì “xã hội đen” đến uy hiếp bằng nhiều hình thức, từ ném chất bẩn đến khủng bố tinh thần, từ đó phát sinh các loại tội phạm như siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản...
Những tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng đen được dán lên cả thân cây.
Bóc trần thủ đoạn cho vay tín dụng đen, ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit cho biết, có những đối tượng cầm cả vali tiền xuống một số khu công nghiệp, chỉ cần có chứng minh thư và thẻ ATM của công nhân là họ phát tiền luôn. Có trường hợp họ còn giả danh công ty tài chính tiêu dùng để tiếp cận với công nhân. Trong khi công ty cho vay tiêu dùng như FE Credit xin mở một điểm dịch vụ để giới thiệu tại khu công nghiệp để công nhân tiếp cận với nguồn tín dụng chính thức cũng khó khăn…Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này nhưng do tín dụng đen là “giao dịch ngầm” và các đối tượng cho vay nặng lãi ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều mánh khóe nên vẫn có thể qua mắt cơ quan chức năng.
Trước những diễn biến phức tạp của loại hình tín dụng đen, nhiều giải pháp đẩy lùi vấn nạn này đã được các cơ quan quản lý đưa ra. Trong đó, thúc đẩy kênh tài chính tiêu dùng và tín dụng vi mô là những giải pháp hữu hiệu. Với mục đích sau cùng là hai kênh tín dụng này trở thành lựa chọn thay thế cho những khách hàng muốn tìm tới tín dụng đen.
Ông Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết thì nhiều quy định, thủ tục phức tạp trong việc đăng ký, xét duyệt vay khiến các tổ chức tín dụng không thể cạnh tranh với tín dụng đen.
Vì vậy, ông Phúc đề xuất, NHNN cần xem xét hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định phù hợp với hoạt động tín dụng tiêu dùng. Cần xem xét loại bỏ loại chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay để giảm bớt gánh nặng chi phí hành chính không cần thiết. Thêm vào đó, cần nghiên cứu để việc chứng minh thu nhập bằng các chứng từ khác đơn giản và hiệu quả hơn.
Theo Luật sư Trần Minh Hải - Công ty Luật Basico, một trong những giải pháp hiệu quả để phòng chống tín dụng đen là cần thiết lập ra hành lang pháp lý chống lại các dấu hiệu đặc trưng của tín dụng đen từ góc độ hành chính đến hình sự. Cụ thể, Bộ luật Hình sự cần có quy định riêng về tín dụng đen với chế tài chuyên biệt để hướng tới việc xử lý rạch ròi về tín dụng đen.
Để ngăn chặn, xử lý tình trạng tín dụng đen đang hoành hành, cơ quan chức năng cần ra quân triệt phá các băng nhóm; tuyên truyền, vận động để người dân cảnh giác, không nhẹ dạ mắc bẫy. Đồng thời, tiến hành ra quân thu hồi, xóa bỏ triệt để các tờ rơi, quảng cáo mời chào cho vay được dán khắp nơi tại các khu dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vì đây là hình thức quảng cáo vi phạm luật.
Về phía ngân hàng, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước bằng nhiều biện pháp mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, góp phần khắc phục tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại, đồng thời triển khai các gói ưu đãi lãi suất thu hút khách hàng.
Hy vọng với những giải pháp được đưa ra, cùng với sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng, vấn nạn “tín dụng đen” sẽ được đẩy lùi, trả lại sự lành mạnh cho thị trường tài chính./.
VOV