Tiết kiệm năng lượng - chiến lược phát triển bền vững các ngành công nghiệp Việt Nam
Sáng ngày 7/1/2025 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư” trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” (VSUEE).
- 07-01-2025Tính thuế với tiền thưởng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam
- 07-01-2025Thu gần 190.000 tỷ đồng từ thuế thu nhập cá nhân
- 07-01-2025PVN hồi sinh dự án nhiệt điện tỷ đô xây dựng 15 năm chưa xong: Từng phải "đắp chiếu" do nhà thầu bị Mỹ cấm vận, quyết tâm hoàn thành trước 2027
Dự án VSUEE được triển khai từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm trong ngành công nghiệp. Không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, dự án còn hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Giám đốc Dự án nhấn mạnh rằng tiết kiệm năng lượng là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam. Bà khẳng định: “Dự án VSUEE là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.”
Tại tọa đàm, Ban Quản lý Dự án giới thiệu các hoạt động của dự án VSUEE, đặc biệt là Quỹ Chia sẻ Rủi ro (RSF) thuộc hợp phần 1 của Dự án VSUEE có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn hoàn lại do Quỹ Khí hậu Xanh cấp thông qua Ngân hàng Thế giới. Quỹ này cung cấp bảo lãnh tín dụng, giảm thiểu rủi ro tài chính khi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án TKNL. Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) – đơn vị thực hiện chương trình, đã chia sẻ quy trình tham gia quỹ và các hỗ trợ cụ thể.
Ông Dương Chí Công, Chuyên gia năng lượng, Công ty Cổ phần giải pháp Công nghệ Việt, chia sẻ các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, từ dệt may, nhựa, giấy, thép, đến chế biến thực phẩm. Các sáng kiến này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh môi trường ngày càng thách thức.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, hai trạm thông tin được tổ chức để tạo cơ hội cho doanh nghiệp và tổ chức tài chính trực tiếp trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan đến công nghệ và tài chính trong triển khai các dự án TKNL.
Đầu tiên, trạm thông tin “Giải pháp TKNL và các hỗ trợ kỹ thuật” tập trung vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng và các hỗ trợ kỹ thuật, với sự tham gia của các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO) và các nhà cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng (EESP).
Tiếp theo, trạm thông tin thứ 2 là “Con đường tài chính” cung cấp thông tin về các sản phẩm tài chính hỗ trợ các dự án TKNL, bao gồm Quỹ RSF, quy trình tài chính, các sản phẩm vay vốn và các cơ chế bảo lãnh từ các tổ chức tài chính Hướng đến nền công nghiệp bền vững
Theo đó, tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư” không chỉ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ TKNL hiện đại mà còn thúc đẩy đầu tư vào các dự án hiệu quả năng lượng. Sự kiện góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Theo kỳ vọng của Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới, với sự đồng hành của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, các sáng kiến trong dự án VSUEE sẽ trở thành động lực giúp ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững hơn, giảm phụ thuộc vào năng lượng truyền thống và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng.
Nhịp sống thị trường