MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiết lộ những "nỗi lòng thầm kín" của người Việt: Mê mẩn mua sắm qua livestream, "thoáng tay" cho những bữa ăn sang chảnh, Gen Z muốn "cai" mạng xã hội

06-01-2024 - 09:43 AM | Kinh tế số

Theo khảo sát của Decision Lab với người tiêu dùng Việt Nam, mức giá trung bình được cho là hợp lý đối với một bữa ăn sang trọng lên tới 331.000 đồng/người, gấp 6 lần mức trung bình cho một bữa bình thường.

Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐ.

Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam mới đây đã tổng kết lại các xu hướng nổi bật trên thị trường trong năm 2023, được rút ra thông qua hàng loạt khảo sát nhằm thấu hiểu "insight" – được hiểu là những "nỗi lòng thầm kín" của người tiêu dùng.

Những insight này không chỉ tiết lộ mong muốn ở hiện tại của người tiêu dùng, mà còn giúp các thương hiệu định hướng chiến lược trong tương lai tại một thị trường đầy sôi động như Việt Nam.

Insight đầu tiên được Decision Lab chỉ ra là sự đắm chìm của người tiêu dùng Việt vào xu hướng shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí.

Đây là xu hướng chủ đạo trong quý 1/2023. Trong bối cảnh tất cả các "ông lớn" thương mại điện tử ghi nhận mức độ sử dụng bị giảm, tỷ lệ của TikTok Shop vẫn tăng đều đặn 5% hàng quý kể từ khi ra mắt tại Việt Nam.

"Vũ khí" của nền tảng này là mô hình mua sắm kết hợp giải trí, tận dụng tính năng livestream và những nội dung hấp dẫn, sáng tạo để tăng tính tương tác, khiến trải nghiệm mua sắm thêm thú vị.

Thứ hai, Decision Lab nhận định người tiêu dùng Việt yêu thích những bữa ăn đắt tiền.

Theo kết quả khảo sát trong báo cáo Xu hướng F&B tại Việt Nam năm 2023, mức giá trung bình hợp lý cho một bữa ăn bình thường bên ngoài là 56.000 đồng/người. Tuy nhiên, đối với bữa ăn "sang chảnh", con số này cao hơn gấp 6 lần, lên tới 331.000 đồng/người. Decision Lab nhận định những người tiêu dùng sở hữu mức thu nhập cao hơn có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ F&B.

Kết quả khảo sát về mức giá trung bình hợp lý cho một bữa ăn ngoài bình thường và sang trọng của người Việt. Nguồn: Decision Lab.

Mặc dù vậy, insight thứ ba được nêu ra là người Việt đang chi tiêu ngày càng thận trọng. Lý do xuất phát từ tình hình kinh tế bất ổn.

Một nửa số người được khảo sát cho biết việc tiết kiệm nhằm đề phòng những khó khăn bất ngờ là mối bận tâm lớn nhất của họ. Tỷ lệ này tăng gần 10% so với năm 2022 và cao hơn 3% so với năm 2021 – giai đoạn Việt Nam phải ứng phó với đại dịch Covid-19.

Nhìn vào xu hướng đầu tư, số người sử dụng các sản phẩm đầu tư để đảm bảo tài chính đã tăng 10%. Tuy nhiên, mức độ chấp nhận rủi ro lại giảm, với tỷ lệ các nhà đầu tư mạo hiểm hạ xuống chỉ còn 9%.

"Nỗi lòng" tiếp theo liên quan đến hình thức làm việc, với 62% người lao động Việt yêu thích cơ chế linh hoạt, cho phép làm việc ở nhà, lên công ty hoặc kết hợp cả hai.

Chỉ có 9% nhân viên bày tỏ mong muốn làm việc từ xa hoàn toàn, cho thấy hầu hết vẫn coi trọng những lợi ích về mặt chuyên môn cũng như xã hội nhận được từ việc đến văn phòng.

"Cơ hội học hỏi" là ưu tiên hàng đầu đối với 47% người lao động khi lựa chọn nơi làm việc. Xếp sau đó là các tiêu chí "văn hóa công ty" và "thu nhập & phúc lợi" – đều đạt tỷ lệ 46%. Decision Lab đánh giá những insight này là cơ sở giúp các công ty tạo ra môi trường làm việc hiệu quả và bền vững hơn.

Cuối cùng, Decision Lab chỉ ra rằng Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) đang có xu hướng muốn "ngắt kết nối".

Theo báo cáo The Connected Consumer quý 3/2023, gần 8/10 người thuộc Gen Z (chiếm tỷ lệ 76%) muốn từ bỏ ít nhất một nền tảng mạng xã hội. Điều này cho thấy nhu cầu giành lại quyền kiểm soát thời gian và không gian tâm lý của giới trẻ.

Khi Gen Z sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức hơn, những chiến lược trong tương lai của các thương hiệu sẽ cần dựa trên tính xác thực, phù hợp và có trách nhiệm.


Theo Minh Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên