Tiết lộ từ môi giới: Nhà nhà, người người đều chứng khoán thì thu nhập 100 triệu/ tháng là bình thường
Chia sẻ về nghề môi giới chứng khoán, sự cạnh tranh và những lời khuyên.
- 16-04-2022Đi sale nhà triệu đô nhưng gặp khách nước ngoài là “rén”, nam nhân viên môi giới bất lực: “I can speak Vietnamese”
- 30-11-2021Bé An "Đất phương Nam": Chật vật vì hết thời, đổi đời ở tuổi U40 nhờ môi giới bất động sản
- 03-11-2021Vợ tỷ phú giàu nhất châu Á: Sở hữu BST son môi hơn 1 tỷ đồng, áo sari đắt nhất thế giới, không bao giờ xỏ 1 đôi giày quá 2 lần
- 11-07-202127 tuổi đã sở hữu căn hộ đầu tiên, nhân viên môi giới bất động sản chỉ ra 3 bài học dành cho người đang cân nhắc mua nhà
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang bước vào giai đoạn rất khó chịu, đến mức nhiều nhà đầu tư không chịu nổi chỉ muốn nhanh chóng bán cổ phiếu để “chạy” khỏi bộ môn này. Đây cũng là lúc môi giới chứng khoán (broker) hoạt động năng suất nhất để có thể đưa ra nhận định và đồng hành cùng khách hàng.
Mặt khác, cũng không thiếu những lời trách móc hay chuyện khách hàng rời bỏ trong thị trường vừa cạnh tranh vừa khó nhằn như hiện nay. Liệu nghề broker có dễ như lời đồn, ai làm cũng được với mức thu nhập “trên trời”? Broker sẽ xử lý như thế nào trong những lúc thị trường “cà giật” như bây giờ?
Để giải đáp thắc mắc này, cùng gặp Đàm Hồng Thanh, 26 tuổi và đang làm việc tại Công ty Chứng khoán VPS.
Đàm Hồng Thanh
Xin chào Đàm Hồng Thanh,
Bạn đã làm trong lĩnh vực môi giới chứng khoán từ lúc nào và tại sao Thanh chọn ngành này?
Thực tế thì mình mới tham gia thị trường vào tháng 5/2020, giai đoạn tạo đáy và bắt đầu sóng uptrend của TTCK thôi. Mình nghĩ là nghề chọn mình vì trước đó mình chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành broker. Một người anh cùng Câu lạc bộ hồi Đại học cần tuyển quân cho team và kéo mình về làm cùng.
Tuy nhiên, mình biết về TTCK khá sớm khi bố mẹ mình là những nhà đầu tư từ năm 2008-2009, khi thị trường bước vào cuối sóng uptrend và mở đầu sóng downtrend. Chính vì thế mình biết đến chứng khoán và có quan sát tình hình kinh tế từ những năm đó luôn. Hiện tại theo như mình nhìn nhận, chứng khoán và nền kinh tế 2021-2022 đang thể hiện khá giống năm 2008-2009 năm đó.
Mình không học chuyên ngành chứng khoán mà học Quản trị Kinh doanh, nhưng ngành học cho mình thấy bức tranh tổng quát của nền kinh tế và cách vận hành một doanh nghiệp. Những kiến thức này một phần cũng giúp mình đánh giá tình hình thị trường nói chung và hoạt động doanh nghiệp nói riêng. Song đó là chưa đủ nên khi tham gia TTCK thì mình đăng ký học thêm khóa học cơ bản và chuyên sâu để nắm được chuyên môn tốt hơn. Ngoài ra các anh chị trong công ty cũng training thêm kiến thức thực chiến cho mình nữa.
Hiện nay, có nhiều lời đồn đoán rằng broker kiếm rất được. Vậy thu nhập của broker thường là từ những nguồn nào?
Có 2 nguồn chủ yếu là lương cứng và tự doanh (tự đầu tư), thỉnh thoảng sẽ có thu nhập cảm ơn từ khách hàng nữa.
Mình thấy đặc thù nghề môi giới không khác sale là mấy nên thu nhập là không giới hạn. Mình xin phép không chia sẻ con số mình nhận được tuy nhiên thời gian 2 năm vừa rồi, người người chứng khoán, nhà nhà chứng khoán thì thu nhập hàng tháng của môi giới 80-100 triệu là bình thường.
Hiện nay có rất nhiều người thiếu kiến thức về chứng khoán nhưng vẫn đầu tư theo kiểu nghe “phím hàng”. Trên góc độ broker, bạn thấy sao về vấn đề này?
Mình thấy "phím hàng" là gia vị không thể thiếu trên TTCK vì cá nhân mỗi người không thể biết hết, hiểu hết các mã cổ phiếu trên thị trường. Do đó, đôi lúc mình cũng tham khảo "phím hàng" nhưng cần phải kiểm tra lại thông tin, nếu phù hợp với nguyên tắc chọn hàng của bản thân thì mình cũng đánh theo còn không hợp thì bỏ qua. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư không có kiến thức liên tục nghe theo "phím hàng" thì không thể phân biệt được cổ phiếu tốt, xấu, hay lởm,... nên có thể một ngày sẽ rời thị trường trong sợ hãi, cay đắng, thậm chí là uất hận.
Mình quan niệm rằng mỗi cá nhân là người hiểu bản thân nhất, đứng trên đôi chân của bản thân là vững chắc nhất. Mọi tư vấn của người khác chỉ mang tính chất tham khảo, khi ra quyết định có đúng có sai, rút kinh nghiệm thì mới nhanh chóng trưởng thành. Chính vì thế mình chia sẻ mọi góc nhìn, mọi quan điểm của mình với khách hàng như những người bạn. Mình cũng nhắn khách hàng nên theo học các khóa về đầu tư để có nhận định riêng, có niềm tin hơn khi chọn mua và nắm giữ cổ phiếu chứ không nên chỉ nghe theo người khác.
Trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, có trường hợp “cướp” khách hàng không? Và Thanh đã từng trải qua những chuyện này chưa?
Ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có cạnh tranh. Việc khách hàng rời bỏ mình và chuyển qua môi giới khác là chuyện bình thường khi tầm nhìn, phương pháp đầu tư hay khẩu vị chọn hàng của môi giới và khách hàng là khác nhau. Nhà đầu tư hoàn toàn có quyền lựa chọn và thay đổi broker phù hợp với bản thân mình.
Khi khách hàng của mình rời đi, có 2 trường hợp xảy ra: 1 là khách chủ động nhắn tin cho mình thông báo lí do, 2 là họ âm thầm, lẳng lặng rời đi. Ở trường hợp đầu tiên thì mình cực kỳ cảm ơn khách hàng vì đã dành sự tôn trọng cho mình còn ở trường hợp số 2 thì mình không có nhắn hỏi gì thêm, không có tiếc nuối gì vì mình đã làm hết sức rồi, chỉ là khách và mình không hợp nữa thôi.
Thị trường giai đoạn này giảm khá nhiều, trong những trường hợp này bạn có phải thường xuyên trò chuyện với khách hàng không? Công việc của broker có yêu cầu Thanh phải làm đến tận đêm hay cả cuối tuần không?
Không chỉ giai đoạn này mà thực tế trong 2 năm đồng hành với khách hàng, mỗi lần thị trường giảm mình đều viết bài xoa dịu tâm lý khách hàng. Ngày trước khi mới bước vào thị trường, những nhịp chỉnh thế này mình cũng stress lắm. Song mình là môi giới tư vấn cho khách hàng, là đầu tàu, mình không thể trốn chạy, không thể hoảng loạn được, phải là điểm tựa cho khách. Chính vì thế trước khó khăn, dần dần mình rèn luyện được tâm lý bình tĩnh hơn để xử lý và giải quyết vấn đề. Và mình luôn có cách giải quyết sau đó nên mình nhận được rất nhiều sự tin tưởng của khách.
Ngày trước khi mới tham gia thị trường, mình là người mới chưa biết gì, chưa có khách hàng, kiến thức, hay kinh nghiệm nên mình dành cả ngày nghỉ cuối tuần để sale, tư vấn khách và học hỏi thêm kiến thức chuyên môn. Giờ khi đã quen và thuần thục với công việc, mình có sử dụng thêm các nguồn lực khác để không cần dành quá nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc. Và nếu khách hàng có vấn đề, vướng mắc thì bất kể cuối tuần hay buổi đêm mình vẫn phản hồi khách.
Bạn có lời khuyên nào cho những người đang muốn trở thành môi giới chứng khoán không?
Ngoài kiến thức chuyên môn, môi giới chứng khoán là công việc cần dùng cả lý trí và cảm xúc. Khi sale khách, mình cần một trái tim nóng đánh vào cảm xúc để dẫn khách về với mình nhưng khi thực chiến, tư vấn đầu tư trên TTCK thì mình cần một chiếc đầu lạnh - lý trí để bình tĩnh, không hoảng loạn để ra quyết định, xử lý vấn đề.
Xin cảm ơn Thanh vì những chia sẻ này!
Trí thức trẻ