[Tiêu điểm tuần 28/08 - 01/09] Giới đầu tư đang chú ý tới điều gì ?
Thị trường tài chính toàn cầu tới đây được dự đoán sẽ giành nhiều sự chú ý cho sự kiện liệu FED có tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay hay không cũng như các thảo luận và báo cáo kinh tế sắp được công bố tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam…
- 28-08-2017Xu thế dòng tiền: Thị trường đã thực sự tạo đáy?
- 27-08-2017PTKT tuần 28/08 – 01/09: Xu hướng tăng trung hạn vẫn đang được giữ vững
- 27-08-2017Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 27/8
Tiêu điểm thị trường tài chính Việt Nam
Ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính tiếp tục họp bàn về giải pháp tăng cường phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và tăng cường tính công khai minh bạch trong quá trình huy động vốn, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho DN huy động vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án đầu tư ở Việt Nam hơn nữa.
Trên TTCK, mặc dù rủi ro chưa hoàn toàn bị loại bỏ, tuy nhiên đa số các nhà đầu tư vẫn đang nóng lòng trông chờ khả năng nhịp hồi phục tiếp tục diễn ra trong các phiên đầu tuần tới. Tính thanh khoản của thị trường đang ở mức chưa cao và sẽ gây khó khăn cho các dòng tiền lớn tham gia mạnh vào thị trường giai đoạn này. Tuy nhiên có một tín hiệu đáng mừng là tính đến thời điểm hiện tại, nhiều tổ chức nước ngoài vẫn đang tích cực tìm hiểu sâu tới thị trường chứng khoán Việt Nam vì mức P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là khá rẻ trong khu vực. Cho dù các tổ chức này chưa có động thái mạnh và đang chờ tín hiệu ổn định từ kinh tế vĩ mô, nhưng đây thực sự là lực cầu lớn tiềm năng, có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục trở lại trong trung và dài hạn sắp tới.
Tiêu điểm thị trường tài chính thế giới
Công bố điều chỉnh con số GDP quý II sau khi rà soát lại của Hoa Kỳ
Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ công bố số liệu sửa đổi về tăng trưởng kinh tế quý II vào thứ tư. GDP là 1 con số phức tạp nên trong quá trình thống kê luôn có sai sót. Vì thế nên thông thường sẽ có 3 lần rà soát công bố thông tin trong vòng 60 ngày sau khi kết thúc quý. Dữ liệu lần này dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2,7% hàng năm, được điều chỉnh trở lại từ mức dự báo sơ bộ là 2,6% và đang tăng trưởng mạnh mẽ từ mức tăng 1,4% trong quý I vừa rồi.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn hoài nghi FED sẽ tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay do lo ngại về triển vọng lạm phát đang suy yếu. Các nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục băn khoăn về những diễn biến chính trị mới nhất xuất hiện từ Washington. Điều này khiến giới đầu tư tại Hoa Kỳ tuần tới có lẽ vẫn đang khá “thận trọng”.
Công bố số liệu lạm phát của khu vực đồng Euro
Khu vực đồng euro sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 8 vào thứ năm. Các chuyên gia đang dự báo giá tiêu dùng tăng 1,4% trong tháng này, sau khi tăng 1,3% trong tháng 7, còn thấp so với mục tiêu của ECB là dưới 2%. Trong đó, giá năng lượng nhiều khả năng sẽ không biến động và giá lương thực có thể tăng ở mức 1,2% so với tháng trước đó.
Các nước lớn trong khối là Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha cũng sẽ có báo cáo CPI riêng của họ trong tuần này.
ECB đã duy trì chi phí vay ở mức thấp kỷ lục hồi đầu tháng 8 và kêu gọi sự kiên nhẫn và kiên trì để đạt được lạm phát trở lại mục tiêu. Đối với các nhà hoạch định chính sách, nếu dữ liệu lạm phát thấp, ECB sẽ chưa cần triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ, và như vậy thì thị trường chứng khoán sẽ vẫn còn động lực để tăng điểm.
Công bố báo cáo chỉ số PMI của Anh
Anh sẽ công bố báo cáo về hoạt động sản xuất tháng 8 vào thứ sáu, kỳ vọng đặt ra sẽ giảm 0,1 từ mức 55,1 tháng trước đó xuống mức 55.
Chỉ số PMI sản xuất chỉ ra xu hướng hoạt động cho các công ty trong ngành sản xuất và công nghiệp. Sự gia tăng hoạt động sản xuất sẽ hàm ý rằng nền kinh tế đang diễn biến tốt và giá cổ phiếu có thể sẽ tiếp tục tăng lên.
Một số nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã bắt đầu kêu gọi lãi suất cao hơn trong những tháng tới do sự gia tăng lạm phát gần đây, chủ yếu là do sự sụt giảm của đồng bảng Anh sau cuộc bỏ phiếu Brexit hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, những dữ liệu kinh tế yếu kém và sự không chắc chắn về tác động của Brexit đối với nền kinh tế đã làm dịu đi suy đoán rằng ngân hàng trung ương cần có các biện pháp can thiệp.
Nhà đầu tư cổ phiếu ngành công nghiệp quan tâm tới cuộc họp công bố dữ liệu sản xuất của Trung Quốc
Chỉ số sản xuất Caixin, tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự kiến được công bố vào thứ sáu. Kết quả khảo sát dự kiến sẽ giảm 0,1 điểm xuống còn 51. Đối với chỉ số Caixin, giá trị trên 50 cho tín hiệu sản xuất công nghiệp đang mở rộng, trong khi các giá trị dưới 50 cho thấy ngành công nghiệp đang thu hẹp sản xuất. Nếu con số kỳ này là 51, nó có nghĩa là ngành sản xuất công nghiệp Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đang dần chậm lại. Các nhà đầu tư cổ phiếu công nghiệp sẽ đặc biệt chú ý tới con số này để đưa ra quyết định của mình khi đầu tư nhóm ngành này.