MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiêu điểm xử phạt tuần qua: Rất nhiều án phạt nặng, Vietravel bị phạt 300 triệu

Trong đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị phạt hàng trăm triệu đồng.

Tuần qua UBCKNN đã ra hàng loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thao túng giá cổ phiếu, một cá nhân bị phạt nặng

Trong đó, án phạt nặng nhất là quyết định ngày 16/1/2020 đối với ông Vũ Thái, một nhà đầu tư cá nhân, với số tiền 550 triệu đồng.

Nguyên nhân, do ông Vũ Thái đã sử dụng 16 tài khoản khác nhau để tạo cung, cầu giả, thao túng giá cổ phiếu CEN của CTCP Cencon Việt Nam. 

Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Vũ Thái.

Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Vũ Thái.

Tiêu điểm xử phạt tuần qua: Rất nhiều án phạt nặng, Vietravel bị phạt 300 triệu - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu CEN từ khi lên sàn.

Chậm trễ đăng ký giao dịch cổ phiếu, Vietravel bị phạt 300 triệu đồng

Đối với doanh nghiệp, ngày 17/01/2020, UBCKNN đã quyết định phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel (mã chứng khoán VTR) số tiền 300 triệu đồng. 

Nguyên nhân, do Vietravel đã đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng. Cụ thể, Công ty trở thành công ty đại chúng trước ngày 01/01/2016 (thời điểm Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết có hiệu lực). Tuy nhiên, đến ngày 04/6/2019, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội mới nhận được hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty).

Trước đó ngày 20/9/2019 vừa qua Vietravel đã đưa 12,6 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán VTR. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 40.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn VTR đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu lên xấp xỉ 91.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm mạnh trở lại về vùng giá 52.100 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Tiêu điểm xử phạt tuần qua: Rất nhiều án phạt nặng, Vietravel bị phạt 300 triệu - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu VTR từ khi lên sàn.

Không đăng ký giao dịch, thêm không CBTT, một doanh nghiệp khác cũng bị phạt nặng

Trước đó 15/01/2020, UBCKNN đã quyết định phạt CTCP Bê tông Xây dựng Hà Nội tổng số tiền 370 triệu đồng với 2 lỗi không đăng ký giao dịch chứng khoán và không báo cáo nhiều tài liệu theo quy định.

cụ thể, không đăng ký giao dịch chứng khoán bị phạt 300 triệu đồng, còn không báo loạt tài liệu như BCTC năm 2017, 2018 đã kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2017, 2018; Tài liệu họp và Nghị quyết, Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, 2018 Công ty bị phạt 70 triệu đồng.

Xi măng Công Thanh bị phạt 435 triệu đồng

Cũng không đăng ký giao dịch chứng khoán, ngày 14/1/2020 CTCP Xi măng Công Thanh (XMCT) bị phạt 350 triệu đồng. 

Bên cạnh đó Xi măng Công Thanh còn bị phạt 85 triệu đồng do không báo cáo loạt tài liệu như BCTC đã được kiểm toán năm 2017, Báo cáo thường niên năm 2017; báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn các tài liệu gồm: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018.

Tổng cộng Xi măng Công Thanh bị phạt 435 triệu đồng.

Đối với doanh nghiệp, CTCP Transimex (mã chứng khoán TMS) bị phạt 20 triệu đồng do không báo cáo về dự kiến giao dịch. Cụ thể, Transimex đã mua 5.000 cổ phiếu HAH của CTVP xếp dỡ Hải An vào ngày 4/12/2017. Tiếp đó ngày 2/10/2019 Transimex đã mua 15.000 cổ phiếu VNL của CTCP Logistics Vinalink nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh về việc dự kiến thực hiện 02 giao dịch nêu trên.

Có nhiều cá nhân bị phạt

Về cá nhân, trong ngày 16/1, UBCKNN quyết định phạt bà Phạm Thị Trà My, một nhà đầu tư cá nhân có địa chỉ tại số 108, ngõ 347 đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội số tiền 31,5 triệu đồng.

Nguyên nhân, do bà Trà My đã báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của CTCP Viglacera Hạ Long I (mã chứng khoán HLY). Cụ thể, bà Phạm Thị Trà My đã mua 4.500 cổ phiếu HLY vào ngày 17/4/2019, dẫn đến số lượng cổ phiếu tăng từ 46.004 (tỷ lệ 4,6%) lên 50.504 cổ phiếu (tỷ lệ 5,05%) và trở thành cổ đông lớn của HLY nhưng đến ngày 06/8/2019, bà mới báo cáo.

Ngoài ra, trước đó, ngày 15/01/2020, UBCKNN đã phạt ông Nguyễn Văn Thanh, một nhà đầu tư cá nhân có địa chỉ tại 24B ngõ 1, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội số tiền 62,5 triệu đồng.

Nguyên nhân, do ông Thanh đã không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của CTCP Sông Đàg 9.06 (mã chứng khoán S96). Cụ thể, ngày 24/11/2017, ông Nguyễn Văn Thanh đã mua 93.200 cổ phiếu S96, dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu tăng từ 552.500 cổ phiếu (tỷ lệ 4,95%) lên 645.700 cổ phiếu (tỷ lệ 5,78%) và trở thành cổ đông lớn. Tuy nhiên, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội không nhận được báo cáo sở hữu cổ đông lớn của ông Nguyễn Văn Thanh.

Các quyết định trên đều có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mai Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên