Tiêu thụ ô tô 2 tháng đầu năm tăng mạnh, cổ phiếu của “đại gia” nắm cổ phần tại Honda, Toyota, Ford bứt tốc trở về đỉnh lịch sử
Việc sở hữu cổ phần tại các hãng xe ô tô lớn như Honda, Toyota, Ford đã giúp VEAM chỉ cần "ngồi yên" cũng có thu về lợi nhuận hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tiêu thụ ô tô tại Việt Nam. Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), trong giai đoạn 2017-2019 (thời điểm trước dịch), tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng trưởng đều đặn khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện dịch Covid-19 thì con số này liên tục giảm trong 2 năm gần nhất, tổng tiêu thụ ô tô trong năm 2021 lùi về mức hơn 277.000 xe.
Hiện tại, những giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh COVID-19 tạm thời đã qua đi, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi. Hoạt động đi lại trở về bình thường khi các quy định giãn cách được nới lỏng đã giúp thị trường ô tô Việt Nam ấm dần lên nhờ nhu cầu mua xe tăng trở lại.
Sự khởi sắc bắt đầu sau khi nhiều địa phương "mở cửa" từ cuối quý 3/2021, thị trường ô tô Việt Nam bắt đầu ấm dần lên với các quy định giãn cách được nới lỏng, giúp nhu cầu mua xe tăng trở lại. Dấu hiệu tươi sáng mới nhất được ghi nhận sau 2 tháng đầu năm 2022, doanh số bán xe dưới 9 chỗ toàn thị trường đạt 41.317 xe, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng loạt dòng xe ăn khách "bùng nổ" vào đầu năm 2022 với các kết quả bán hàng cao đã đưa những thống kê bán hàng trở lại "sắc xanh" sau nhiều tháng ảm đạm. Hầu hết hãng đều tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như Toyota tăng 56%, Honda tăng 30%, Thaco tăng 48%,...
Mặt khác, việc Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng là yếu tố hỗ trợ cầu ô tô. Nếu như trước đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có mức lệ phí trước bạ là 10% giá bán xe, riêng Hà Nội là 12%; thì với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, người dân giảm hàng chục triệu đồng tùy vào từng loại xe, từ đó kích thích nhu cầu tiêu thụ xe.
Thị trường dần phục hồi, cổ phiếu "đại gia" ngành ô tô Việt trở lại đỉnh lịch sử
Tại Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán: VEA) là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của ngành ô tô.
VEAM có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh máy nông nghiệp, ô tô tải, song phần lớn lợi nhuận hàng năm của VEAM lại đến từ các công ty liên doanh liên kết. VEAM hiện đang nắm giữ 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam – đều là những hãng xe có lượng tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam.
Việc sở hữu cổ phần lớn tại các liên doanh Toyota, Honda, Ford đã giúp VEAM chỉ cần "ngồi yên" cũng có thu về mang lợi nhuận hàng nghìn tỷ hằng năm.
Riêng trong năm 2021, các công ty liên doanh liên kết đã mang về khoản lãi hơn 5.100 tỷ đồng cho VEAM, chiếm phần lớn khoản lãi trước thuế 5.942 tỷ đồng trong cả năm của doanh nghiệp này.
Với khoản lợi nhuận lớn nhận từ các công ty liên doanh, VEAM đã tích lũy được lượng tiền mặt "khủng". Số liệu BCTC cuối năm 2021 cho biết VEAM có tới 11.800 tỷ đồng đem đi gửi ngân hàng. Lượng tiền gửi khổng lồ kể trên đã giúp VEAM kiếm thêm hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận tài chính hàng năm. Riêng trong năm 2021, VEAM đã thu về hơn 700 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng. Trong năm trước đó, lãi tiền gửi ngân hàng của VEAM thậm chí lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Hiện tại, lãi suất ngân hàng đang ở vùng đáy lịch sử và nhiều dự báo cho rằng xu hướng lãi suất có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới trong bối cảnh lạm phát tăng. Trong trường hợp lãi suất tiền gửi nhích lên sẽ giúp VEAM thu về thêm khoản lợi nhuận không nhỏ từ tiền gửi ngân hàng.
Trong cơ cấu cổ đông của VEAM, Bộ Công thương hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 89% cổ phần. Với tính chất đặc thù của cổ đông Nhà nước, phần lớn lợi nhuận của VEAM đều được đem chia cổ tức tiền mặt. Điều này giúp VEAM trở thành một trong những doanh nghiệp chia cổ tức cao hàng đầu thị trường với tỷ lệ chia thường quanh ngưỡng 50%.
Sức hấp dẫn của thị trường ô tô Việt Nam cũng khiến các quỹ ngoại mua vào khá mạnh cổ phiếu VEA kể từ khi lên sàn chứng khoán tới nay. Trong đó, Pyn Elite Fund là cái tên nổi bật nhất sở hữu VEAM. Ước tính, Pyn Elite Fund sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu VEA vào thời điểm cuối tháng 2/2022.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VEA hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 46.000 đồng/cp và đây cũng là vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu.
Cổ phiếu VEA trở về đỉnh lịch sử
"Cửa sáng" trong năm 2022 nhờ kinh tế hồi phục hậu COVID-19
Báo cáo ngành mới đây của SSI Research ước tính nhu cầu ô tô sẽ tăng 16% so với cùng kỳ trong 2022. SSI Research cho rằng với mức nền so sánh thấp trong 2021, cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103/2021/ND-CP có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022.
Chung quan điểm, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng mức tăng trưởng tiêu thụ ô tô trong 2 tháng đầu năm cho thấy nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào đầu tháng 10/2021 và củng cố khả năng phục hồi của nhu cầu ô tô tại Việt Nam được hỗ trợ bởi tầng lớp thu nhập trung bình cao ngày càng gia tăng.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị