Tiểu thương chợ truyền thống lên mạng bán hàng Tết
Trước thách thức kinh doanh sụt giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều tiểu thương chợ truyền thống ở TPHCM tìm mọi cách bán hàng sao cho hấp dẫn nhất để kéo khách mua hàng.
- 09-12-2023Chợ mạng bán tràn lan pháo hoa Tết
- 04-12-2023Bưởi da xanh dội chợ
- 03-12-2023Lý do tiểu thương đồng loạt rời khu chợ lớn nhất Việt Bắc
Livestream tìm khách mới
“Hôm nay bên em mới về sản phẩm mới, là chiếc đầm hai màu, chất liệu vải mềm, mịn, thoáng mát. Sản phẩm phù hợp để chị em đi làm, đi chơi, dự tiệc rất lịch sự mà vẫn sang trọng…” - cô nhân viên của sạp quần áo Thái Trang (chợ An Đông, quận 5) xoay nhẹ người để khách hàng nhìn thấy toàn bộ sản phẩm. Chưa đầy 10 phút “lên sóng”, đã có vài trăm người vào xem, một số tương tác, đặt hàng.
Đó là cách bán hàng trên mạng của chị Nguyễn Thái Trang, tiểu thương kinh doanh quần áo thời trang tại chợ An Đông gần 3 tháng qua. Cứ tầm 15 giờ mỗi ngày, nhân viên lại sửa soạn “lên đồ” để livestream (phát trực tiếp) trên Facebook. Chị Thái Trang nói, từ đầu năm 2023, tình hình buôn bán ở chợ rất ế ẩm. Những mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, túi xách… tuột dốc thê thảm, có giai đoạn giảm tới 70% so với năm 2022.
Chị Trang từng thuê chụp hình sản phẩm với mẫu thật để gửi chào hàng nhưng chi phí chụp hình cao (300.000 đồng/tấm), trang phục do người mẫu mặc không có độ chân thật cao. Để tăng độ chân thật cho sản phẩm, giúp khách hàng dễ chọn mua hơn, nữ tiểu thương tự mày mò tập livestream giới thiệu sản phẩm và thấy khả quan.
“Khách theo dõi trực tuyến muốn thấy rõ từng đường kim, mũi chỉ được may chắc chắn ra sao, chất liệu vải, kiểu dáng thế nào… Chúng tôi bán hàng kiểu có sao nói vậy, người thật việc thật. Khách chốt đơn ngay trong các buổi phát sóng hoặc chụp ảnh màn hình rồi liên hệ đặt mua sau” - chị Thái Trang chia sẻ.
Vài ngày gần đây, chợ Bến Thành (quận 1) sôi nổi, nhộn nhịp hơn hẳn khi có gần 100 nhà sáng tạo nội dung số, người có sức ảnh hưởng (KOL) đến trải nghiệm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tiểu thương trên các trang mạng xã hội. Tiểu thương chợ xinh đẹp trong những bộ áo bà ba, áo dài truyền thống tương tác với khách hàng qua buổi livestream tiếp thị hàng.
Trong bộ áo bà ba tươi tắn, chị Nguyễn Thị Hoàng Hà, tiểu thương ngành hàng vải bộc bạch: “Người nổi tiếng đến chợ Bến Thành nhiều lắm, nhưng người nổi tiếng đến chợ để livestream bán hàng cho tiểu thương thì đây là lần đầu tiên tôi thấy. Hy vọng sau chương trình này, du khách trong và ngoài nước sẽ đến chợ nhiều hơn. Riêng tôi, tôi luôn giảm giá 20% cho tất cả sản phẩm từ đây đến Tết khi khách đến mua sắm” - chị Hà khẳng định.
Nhân cơ hội này, tiểu thương chợ Bến Thành đã cùng KOL livestream trực tiếp để bán hàng. Sáng sớm ngày 14/12, chị Phan Thị Lài, tiểu thương bán áo dài đã đến chợ rất sớm, chuẩn bị những mẫu áo dài đẹp nhất để cùng KOL livestream. “Lần đầu tiên tôi bán hàng qua hình thức này nên khá hồi hộp. Tuy nhiên, đây là cơ hội để tôi làm quen với cách bán hàng mới, hy vọng sẽ có thêm nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm áo dài của mình” - chị Lài kỳ vọng.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, đây là lần đầu tiên Sở và Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, UBND quận 1 tổ chức ngày hội mua sắm trực tuyến, kết nối, quảng bá với sự tham gia của 150 người nổi tiếng, gồm cả KOL và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) để bán hàng, giới thiệu, quảng bá tại chợ Bến Thành. Những tiểu thương tại chợ sẽ được hướng dẫn, tập huấn kỹ năng livestream, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng Tiktok để tiếp cận khách hàng, kể cả khách du lịch để quảng bá cho chợ Bến Thành.
Hiện tiểu thương tại các chợ Bình Tây (quận 6), Tân Bình (quận Tân Bình)… cũng tìm cách bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube, TikTok…
Đảm bảo chất lượng, nâng uy tín
Có những thay đổi tích cực khi đơn hàng tăng nhanh sau thời gian bán hàng theo hình thức livestream, chị Thái Trang cho rằng, tiểu thương cần tập làm quen, chấp nhận thay đổi chính mình để bắt nhịp với xu thế mới. Ban quản lý chợ có thể hỗ trợ, cho mượn mặt bằng trống để livestream bán hàng; đồng hành cùng tiểu thương thông qua việc xây dựng, phát triển các trang mạng xã hội riêng của chợ để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đến rộng rãi khách hàng. Cùng với đó, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn tiểu thương kinh doanh trên kênh thương mại điện tử…
Bà Nguyễn Thị Hương (kiều bào Mỹ) nói, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài xem các buổi livestream của tiểu thương trong nước đã rất thích sản phẩm. Khi bà Hương về Việt Nam đã nhận thêm nhiệm vụ mua hàng hộ. “Tôi đã mua đủ các sản phẩm Việt gần 30 triệu đồng, từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng, thời trang mà vẫn chưa đủ. Nhờ tiểu thương bán hàng trên mạng nên kiều bào mình ở đâu cũng có thể xem hàng, đặt mua. Tôi mong các sản phẩm khi mua trực tuyến sẽ đảm bảo về chất lượng, thương hiệu để nâng uy tín hàng Việt, đáp ứng yêu cầu khách hàng” - bà Hương nói.
Ông Nguyễn Ngọc Luận (kiều bào Úc) - nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More đánh giá, sự vào cuộc của TPHCM hỗ trợ tiểu thương bán hàng trên mạng, kích cầu tiêu dùng cuối năm là động thái tích cực. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tiểu thương cần chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng. “Đối với các chợ truyền thống , việc thích ứng nhanh chóng, chuyển đổi kinh doanh kịp thời chính là lối ra duy nhất trong bối cảnh sức mua sụt giảm như hiện nay” - ông Luận nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Ban quản lý Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông cho biết, để hỗ trợ các tiểu thương, Ban quản lý đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho thương nhân ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng online , livestream bán hàng…, đồng thời vận động các tiểu thương áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại.
“Ban quản lý chủ động liên hệ với các Youtuber có sẵn lượt theo dõi cao để quay toàn cảnh của chợ nhằm giới thiệu đến khách hàng. Nhiều khách hàng sau khi xem clip đó, họ đã đến chợ để tham quan mua sắm” - bà Hà cho biết.
Tiền Phong