Tiêu Việt Nam sẽ khó vào EU?
Vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thư phản đối lần thứ 2 lên Ủy ban châu Âu (EC) về việc thay đổi dư lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoạt chất Metalaxyl trên hạt tiêu. Bởi nếu EC áp dụng MRLs mới, phần lớn lượng tiêu Việt Nam sẽ khó vào được thị trường EU.
Vào ngày 8/2, Văn phòng SPS Việt Nam (đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá về áp dụng các biện pháp VSATTP và kiểm dịch động thực vật của WTO, thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề VSATTP) đã gửi thư kiến nghị lần 2 lên EC đề nghị không áp dụng mức quy định dư lượng tối đa cho phép (MRLs) là 0,05 ppm của hoạt chất Metalaxyl trên hạt tiêu NK vào EU.
Trong thư kiến nghị này, Văn phòng SPS Việt Nam nêu rõ, căn cứ trên các kết quả nghiên cứu của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), dư lượng tối đa đối với Metalaxyl cho phép tồn dư trên hạt tiêu NK vào EU từ nhiều năm nay vẫn là 0,1 ppm. Ngày 2/4/2015, EFSA vẫn tiếp tục công bố mức MRLs 0,1 ppm của Metalaxyl không có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong đề xuất mới của EC về mức MRLs của Metalaxyl, hạt tiêu (peppercorn – code 0820060) là mặt hàng gia vị, sử dụng như một thực phẩm thêm, với lượng dùng rất ít trong các bữa ăn thì lại bị tăng mức MRLs từ 0,1 ppm lên 0,05 ppm.
Trong khi đó, mức MRLs của Metalaxyl mà EC áp dụng trên các loại nông sản khác như quả táo (code 0130010) hay quả lê (code 0130020) vẫn giữ là 1ppm; với quả nho (code 0151010) lại còn tới 2 ppm. Trên cơ sở đó, Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng việc đề xuất áp dụng quy định mới nâng MRLs lên 0,05 ppm của Metalaxyl trên hạt tiêu không phải là để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, do vậy là hoàn toàn phi lý.
Sở dĩ Văn phòng SPS Việt Nam phải gửi thư kiến nghị lần 2 là vì vào ngày 12/12/2016, EC lại đệ trình lên WTO yêu cầu chỉnh sửa lại Qui định 396/2005 của EU đối với thuốc BVTV được phép tồn dư trên một số nông sản ở Châu Âu.
Theo đó, các hoạt chất như Metalaxyl, Arcrinathril và Thiabandazole sẽ phải chịu mức kiểm soát dư lượng khắt khe hơn trên một số loại nông sản lưu thông trên thị trường các nước trong EU. Với Metalaxyl, liều lượng tối đa được tồn dư cụ thể như sau: Hành, tỏi nâng mức cho phép từ 0,5 lên 0,02 ppm; các loại rau thơm hạ mức cho phép từ 2 xuống 3 ppm; các loại nấm ăn từ 0,05 lên 0,01 ppm; hạt mù tạt từ 0,1 lên 0,02 ppm; gia vị, trong đó có hạt tiêu, nâng từ 0,1 lên 0,05 ppm.
Nếu EC áp dụng mức MRLs của Metalaxyl trên hạt tiêu là 0,05 ppm sẽ gây khó khăn lớn cho việc XK hạt tiêu Việt Nam vào EU. Theo VPA, cuối tháng 1 vừa qua, Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) đã gửi thư tới Bộ NN-PTNT và VPA, cho biết, trong năm 2016, ESA đã phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen NK vào EU thì chỉ có 17% số mẫu có dư lượng dưới 0,05 ppm.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu EU áp dụng mức MRLs với Metalaxyl là 0,05 ppm thì sẽ có trên 80% lượng tiêu Việt Nam khó vào được thị trường này nếu như tình hình sản xuất chưa được cải thiện theo hướng chú trọng nhiều hơn tới chất lượng, VSATTP thay vì chạy theo diện tích, sản lượng như hiện nay. Hiện tại, EU đang là một trong những thị trường lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam khi chiếm khoảng 23% lượng hạt tiêu XK hàng năm của nước ta.
Trước đó, vào tháng 4/2014, Ủy ban Châu Âu (EC) đã lần đầu tiên đề trình lên WTO, đề nghị thay đổi MRLs cho phép đối với Metalaxyl tồn dư trên hạt tiêu NK vào EU lên mức 0,01 ppm.
Trước thông tin ấy, Văn phòng SPS Việt Nam đã tập hợp thông tin và ý kiến của các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) …
Sau đó, văn phòng SPS Việt Nam đã thống nhất trình thư kiến nghị gửi EC đề nghị giữ nguyên mức MRLs đối với Metalaxyl trên hạt tiêu là 0,1 ppm. Ngay sau đó EC đã có thư phản hồi dừng xem xét việc này, và giữ nguyên mức 0,1 ppm. Quyết định đó đã giúp hạt tiêu Việt Nam tiếp tục XK một cách bình thường vào EU trong những tháng qua.
Nông nghiệp Việt Nam