TikTok - Kẻ đến sau nhưng đủ khiến Facebook lo sợ: ‘Trót lọt’ thoát khỏi tầm ngắm của cả nước Mỹ, thản nhiên giành thị phần từ các ‘lão làng’
TikTok đang 'bành trướng' với tốc độ mà bất kỳ đối thủ nào cũng phải trầm trồ, e dè.
- 12-04-2022Chân dung Tiktok: Mạng xã hội Trung Quốc đang phá nhiều kỷ lục, khiến Mark Zuckerberg 'nóng mặt'
- 11-04-2022Đây là lý do tại sao Tổng thống Joe Biden vừa lập tài khoản Tiktok
- 31-03-2022Biến căng: Facebook lén thuê công ty truyền thông thực hiện 'chiến dịch toàn quốc', chuyên nói xấu, dìm TikTok suốt nhiều năm
Mùa hè 2020, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền ông đang xem xét việc cấm ứng dụng chia sẻ các video ngắn TikTok tại Mỹ như một cách để trả đũa Bắc Kinh vì có liên quan đến khởi nguồn đại dịch COVID-19.
VÀO TẦM NGẮM CỦA GIỚI CHỨC MỸ
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News ngày 7/7, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định quan điểm nhất quán và mạnh mẽ của Chính quyền Tổng thống Donald Trump đều nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, trong đó điển hình nhất là Huawei Technologies đều được xem là mối nguy cơ tiềm ẩn đe dọa quyền riêng tư và an ninh của công dân Mỹ, vì vậy chính quyền Cựu Tổng thống Donald Trump buộc phải duy trì một “lập trường cứng rắn”.
Tuyên bố trên được ông Pence đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này đang xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc do lo ngại những nền tảng trực tuyến này có thể làm rò rỉ thông tin nội bộ.
Ông Joe Biden đảo ngược lệnh cấm Tiktok của người tiền nhiệm Trump
Đến tháng 8/2020, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên tiếng cảnh báo cấm nền tảng truyền thông xã hội TikTok của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, đồng thời cho biết ông có thể sử dụng các quyền lực kinh tế khẩn cấp để thi hành. Ngoài ra, ông Trump cũng tỏ rõ thái độ không ủng hộ việc một công ty Mỹ mua lại TikTok.
“Với những điều chúng ta đang lo ngại về TikTok, chúng ta sẽ cấm họ hoạt động tại Mỹ’’, ông Trump nói.
Đáp lại, phía TikTok kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời khẳng định nền tảng này đang cố gắng "phát triển một hạ tầng an ninh tốt nhất’’ để phục vụ người dùng. Ông Zhang Yiming, người sáng lập công ty mẹ ByteDance của TikTok ban đầu công khai đàm phán bán TikTok trong nhiều tháng, song sau đó lại quyết định giữ lại ứng dụng này và chờ cho đến khi Cựu Tổng thống Trump mãn nhiệm. Rất may, dưới thời chính quyền ông Joe Biden, TikTok được nới lỏng gọng kìm và thoát khỏi cảnh bị công kích dữ dội.
Cụ thể, vào ngày 9/6/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký quyết định yêu cầu chính phủ có những đánh giá với cái gọi là "rủi ro khi liên kết ứng dụng nước ngoài", một động thái được cho là hết sức có ý nghĩa với Tiktok hay WeChat.
Quyết định của Tổng thống Joe Biden được cho là hết sức có ý nghĩa với Tiktok hay WeChat
Quyết định mới này đã thay thế các lệnh hành pháp cũ của người tiền nhiệm Donald Trump trong việc cấm các doanh nghiệp Mỹ giao dịch với TikTok hay Wechat. Mỹ theo đó sẽ không thể cấm thẳng tay các ứng dụng này cho đến khi Bộ thương mại xem xét và xác định liệu các tiêu chuẩn có phải những "mối rủi ro không chấp nhận được" hay không.
Ngoài ra, lệnh mới của Tổng thống Biden cũng chỉ thị cho Bộ thương mại Mỹ đưa ra những cách thức bảo vệ dữ liệu người dùng trước các công ty nước ngoài, đồng thời yêu cầu cơ quan này nhanh chóng ban hành những quy định mới để hạn chế rủi ro rò rỉ thông tin cá nhân.
THỪA THẮNG XÔNG LÊN
Việc Mỹ cân nhắc, chuyển sang chỉ xem xét những giao dịch có độ rủi ro cao khiến TikTok “dễ thở’’ hơn rất nhiều. Theo công ty nghiên cứu thị trường App Annie, ứng dụng này sau đó trở thành nền tảng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới và cho đến nay vẫn giữ vững phong độ. Con cưng của gã khổng lồ ByteDance hiện đang mở rộng hoạt động thương mại điện tử và đẩy mạnh truyền phát trực tiếp livestream, đồng thời thu hút thêm nhiều nghệ sĩ và các KOLs có tầm ảnh hưởng để kéo thêm nhiều người dùng.
Sự bành trướng như vũ bão này dĩ nhiên khiến mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook lo sợ. Hồi tháng 2 năm nay, CEO Mark Zuckerberg lần đầu tiên lên tiếng về tốc độ phát triển của TikTok, đồng thời khẳng định đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Facebook mất người dùng.
"Mọi người có rất nhiều sự lựa chọn để sử dụng thời gian của mình. Trong khi đó, các ứng dụng như TikTok lại đang phát triển quá nhanh", Mark Zuckerberg cho biết.
Tờ The Washington Post phanh phui "mánh khóe'' của Facebook
Sức hút của đối thủ cùng ngành khiến người dùng không còn “mặn mà’’ với Big tech của Thung lũng Silicon. Để rồi đến đầu tháng 2 này, lần đầu tiên "dân số" mạng xã hội lớn nhất thế giới sụt giảm tới 1 triệu tài khoản chỉ sau 3 tháng. Mark Zuckerberg sau đó “tuột tay’’ 24 tỷ USD trong chớp mắt do cổ phiếu bốc hơi kỷ lục 26% ngay trong phiên giao dịch.
Lo ngại rủi ro mất “ngôi vương” khiến Facebook quyết định thuê một công ty tư vấn có tên Targeted Victory nhằm “tổ chức một chiến dịch toàn quốc” chống lại TikTok. Rất nhiều công ty đã được ký hợp đồng để giúp Meta “đánh động dư luận” thông qua việc tung ra hàng loạt các câu chuyện, tin tức gây bất lợi cho đối thủ. “Mánh khóe” này đã được tờ The Washington Post phanh phui hồi tháng trước.
Không biết TikTok đã chịu ảnh hưởng tiêu cực như thế nào, song động thái trên của Zuckerberg càng chứng tỏ vị thế của ứng dụng video ngắn Trung Quốc. Kẻ đến sau này vẫn đang tăng tốc giành lại thị phần của các “cây đa cây đề’’ với sức mạnh khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải trầm trồ, kiêng nể.
Theo: Bloomberg, Reuters
Nhịp sống kinh tế