MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TikTok – Từ trò giải trí vô thưởng vô phạt đến nguy cơ trở thành "nạn nhân chính trị"

09-07-2020 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Không chỉ gặp rắc rối ở Mỹ và Trung Quốc, tuần trước TikTok đã chính thức bị cấm tại Ấn Độ vào tuần trước. Nhiều nguồn tin cho hay Úc cũng đang xem xét động thái tương tự.

TikTok bắt đầu cho phép đăng tải những video biểu tình ở Mỹ và tuyên bố rời khỏi thị trường Hồng Kông, đồng thời đối mặt với những cuộc điều tra của Washington.

Trong thời gian đại dịch khiến hàng tỷ người trên thế giới bị nhốt trong nhà vì các biện pháp giãn cách xã hội, TikTok đã trở thành một trong những thú vui tiêu khiển được nhiều người tìm đến nhất. Những video ngắn mang tính giải trí cao nối dài vô tận giúp người dùng giết thời gian và giải tỏa căng thẳng.

Nhưng đột nhiên ứng dụng vô thưởng vô phạt này bị bao phủ bởi một thứ hoàn toàn mới: chính trị.

Sau khi thử nghiệm cho phép người dùng tỉa lên những video ngắn mang tính chính trị, TikTok đang nổi lên là 1 nền tảng được đông đảo người biểu tình sử dụng trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới rơi vào tình trạng bất ổn xã hội như hiện nay. Cú chuyển hướng này đem đến những thách thức không hề nhỏ.

Từ trước đến nay TikTok vẫn tránh xa các nội dung mang tính chính trị, với phương châm tránh mọi video có thể khiến bất kỳ ai cảm thấy không thoải mái. Khi làn sóng biểu tình phản đối vụ sát hại người đàn ông da màu George Floyd nổ ra ở Mỹ hồi cuối tháng 5, một số người dùng TikTok phản ánh từ khóa "Black Lives Matter" trên ứng dụng này bị kiểm duyệt.

TikTok đã xin lỗi và cho rằng đó là do lỗi kỹ thuật. Sau đó, trong vài tuần gần đây, các video về biểu tình đã xuất hiện trên TikTok, trong đó có hình ảnh cảnh sát đang sử dụng bình xịt hơi cay, cảnh cướp bóc trong 1 tiệm cắt tóc và cảnh người biểu tình khiêng 1 người đàn ông bị súng bắn. Đây là những nội dung mà trong thời gian trước chắc chắn sẽ không được phép xuất hiện trên TikTok.

Và một số người đang tìm cách tổ chức những sự kiện mang tính chính trị ngay trên ứng dụng này. Khi buổi vận động tranh cử của Tổng thống Trump ở Tulsa, Oklahoma hồi tháng 6 có ít người tham gia hơn dự kiến, một nhóm người dùng TikTok cho biết họ đã đặt một lượng vé lớn và sau đó không tới.

Tuần này, TikTok lại lún sâu vào chính trị sau khi công ty mẹ thông báo sẽ rút khỏi Hồng Kông – nơi luật an ninh mới vừa được đại lục thông qua sẽ trao nhiều quyền hơn cho cảnh sát trong việc yêu cầu các công ty internet phải giao nộp dữ liệu.

Không chỉ khiến các chính trị gia Trung Quốc mếch lòng, TikTok cũng đang lọt vào tầm ngắm của các nhà quản lý ở Washington do những lo ngại rằng công ty mẹ có trụ sở ở Bắc Kinh sẽ chia sẻ thông tin thu thập được từ ứng dụng với chính phủ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cấm các nhân viên dùng các thiết bị của chính phủ để tải ứng dụng TikTok. Một số nghị sĩ Mỹ còn đang đề xuất mở rộng lệnh cấm đó, và mới đây Ngoại trưởng Mike Pompeo úp mở rằng Mỹ đang xem xét hạn chế truy cập của người dùng Mỹ.

Tất nhiên TikTok khẳng định chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu truy cập vào dữ liệu người dùng của TikTok và hãng cũng sẽ không chia sẻ nếu được yêu cầu. Mặc dù có công ty mẹ là 1 công ty Trung Quốc, TikTok đăng ký pháp nhân ở quần đảo Cayman và CEO làm việc ở Los Angeles.

Không chỉ ở Mỹ và Trung Quốc, tuần trước TikTok đã chính thức bị cấm tại Ấn Độ vào tuần trước – động thái được cho là có thể gây thiệt hại tới 6 tỷ USD vì Ấn Độ là thị trường lớn nhất của TikTok. Nhiều nguồn tin cho hay Úc cũng đang xem xét động thái tương tự. TikTok ngày càng bị siết chặt gọng kìm kiểm soát sau khi phát triển tới mức cạnh tranh ngang hàng cùng các nền tảng Mỹ như YouTube hay Instagram.

Tất cả những rắc rối ập đến đúng lúc cuộc tranh luận về việc kiểm soát các công ty truyền thông xã hội đang ở trong giai đoạn cao trào. Đà tăng trưởng bùng nổ mà TikTok đang tận hưởng cho thấy chính sách kiểm soát nội dung chặt chẽ có thể đem đến thành quả như thế nào. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Sensor Tower, con số 315 triệu lượt tải về trong quý I là cao nhất mọi thời đại đối với 1 ứng dụng.

Để thích nghi với những người dùng phương Tây quen với những tiêu chuẩn lỏng lẻo hơn nhiều về tự do ngôn luận, gần đây TikTok đã nới lỏng không chỉ những quy định về chính trị mà cả văn hóa.

Ban đầu, TikTok sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát hiện các nội dung vi phạm các quy tắc mà ứng dụng đã đề ra. Ngoài ra còn có những kiểm duyệt viên theo dõi chặt chẽ và quyết định video này phạm luật.

Với CEO mới là người Mỹ và là cựu lãnh đạo của Walt Disney, TikTok đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa việc cho phép người dùng thoải mái đề cập đến những chủ đề nhạy cảm và làm sao có thể giữ được phong cách sôi động trẻ trung đã trở thành bí quyết để thu hút người dùng. TikTok cũng đang đứng trước thời khắc quan trọng khi công ty mẹ ByteDance sắp IPO.

CEO Kevin Mayer đến từ Disney, tập đoàn giải trí có quan hệ khá tốt đẹp với Trung Quốc. Nhiều bộ phim của Disney vượt qua được quá trình kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc, và dưới sự lãnh đạo của Mayer, dịch vụ streaming Disney+ đã né tránh các show truyền hình và những bộ phim quá "trưởng thành" so với thương hiệu Disney.

Mayer chia sẻ rằng ông cảm thấy rất dễ chịu với các công ty thân thiện với gia đình. "Disney và TikTok làm những thứ hoàn toàn khác biệt, nhưng sự thân thiện với cuộc sống gia đình và tính chất lành mạnh của 2 công ty là giống nhau và tôi rất thích điều đó".

Tham khảo Wall Street Journal

Thu Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên