Tìm cách đẩy vốn tín dụng cuối năm
Các ngân hàng đang cấp tập tìm cách đẩy vốn tín dụng ra thị trường những tháng cuối năm trong bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao.
- 29-09-2023Vì sao NHNN chưa dỡ bỏ công cụ giao “room” tín dụng?
- 29-09-2023NHNN giám sát chặt chẽ dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao
- 26-09-2023Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN: Trong tương lai GenZ sẽ ưu tiên sử dụng thẻ tín dụng nội địa, như khẳng định “Người Việt dùng hàng Việt”
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến giữa tháng 9-2023, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH với nền kinh tế đạt 5,56% trong khi chỉ tiêu cả năm tới 14%-15%. Tuy vậy, với lãi suất cho vay trong xu hướng giảm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà kỳ vọng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN) dịp cuối năm sẽ tăng cao.
Nhu cầu vốn tăng trở lại
Ông Ngô Văn Đậu, hộ nuôi cá tra (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), cho biết thời điểm này, giá bán cá tra xuống thấp chỉ còn khoảng 26.500 đồng/kg khiến người nuôi cá gặp khó khăn. Có tổng cộng 13 ao nuôi cá tra với tổng diện tích hơn chục hécta nhưng ông Đậu không thả nuôi hết mà chỉ cầm chừng, chờ giá bán tăng. Được NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cấp hạn mức tín dụng khoảng 10 tỉ đồng nhưng ông mới vay 1,3 tỉ đồng để mua thức ăn cho cá vì chưa cần nhiều vốn lưu động. "Lãi suất tôi vay NH khoảng 8%/năm, giảm khoảng 2 điểm % so với hồi đầu năm. Vì lãi vay NH đang giảm nên tôi mới duy trì các ao nuôi ở thời điểm hiện tại, chứ vay bên ngoài lãi suất tới 18%-24%/năm thì không cách nào có lãi" - ông Ngô Văn Đậu nói.
Thủy sản là một trong những ngành có nhu cầu vốn lớn vào dịp cuối năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tăng. Ảnh: LAM GIANG
Trong khi đó, trang trại nuôi cá sấu của ông Tôn Văn Sồi (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) có 26 chuồng với khoảng 5.000 con cá sấu lại đang rất cần vốn để phát triển. Ông Sồi cho biết trang trại đã được ông đầu tư, mở rộng khoảng 5 năm nay trong đó nguồn vốn tín dụng NH chiếm khoảng 50%. Cùng với trang trại nuôi cá sấu, ông đang có thêm một xưởng sản xuất phụ phẩm cá phục vụ làm thức ăn cho cá sấu và gia công cá nên cần thêm vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. NH thương mại đang cấp hạn mức tín dụng tối đa là 3 tỉ đồng nhưng ông mong muốn được cấp thêm khoảng 7 tỉ đồng nữa vì nhu cầu vốn lưu động đang tăng. "Lãi suất vay ngắn hạn của trang trại là 8%/năm và vay trung dài hạn khoảng 10,5%/năm. Nếu có thể giảm thêm lãi suất cho vay và tăng hạn mức vay vốn sẽ hỗ trợ việc nuôi cá sấu và mở rộng xưởng gia công chế biến cá" - ông Tôn Văn Sồi nói.
Về phía DN, ông Phan Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Hồng Ngọc (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), cho biết đang vay vốn Agribank với lãi suất 8,5%/năm, giảm 0,5 điểm % so với trước đó. Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm cá basa chế biến xuất khẩu, thị trường chính là Trung Quốc và một số nước Trung Đông… Mức lãi suất này không cao nhưng do thị trường kém khả quan, đơn hàng thiếu thì cũng gặp sức ép tài chính. "Hiện nguồn vốn của DN cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương công nhân chủ yếu đến từ vốn tín dụng NH. Do đó, DN mong muốn lãi suất có thể giảm thêm để vay thêm vốn khi đơn hàng trở lại vào dịp cuối năm" - ông Phan Tuấn Ngọc nói.
Kỳ vọng lãi vay giảm thêm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết ĐBSCL có đặc thù là vùng lúa gạo, thủy sản và trái cây chiếm khoảng 30%-40% sản lượng cả nước. Chính phủ đã có các đề án quan trọng như xây dựng vùng nguyên liệu của khu vực này và phát triển 1 triệu tấn lúa chất lượng cao. Do đó, Agribank đã ban hành nhiều sản phẩm phù hợp từ người nông dân, các đại lý tới DN xuất khẩu để tạo thành chuỗi liên kết cho nông dân, khách hàng và DN có được sản phẩm vay vốn, thúc đẩy các ngành nghề chính ở khu vực này. "Từ đầu năm tới nay, Agribank đã có 8 lần giảm lãi suất, chủ động hỗ trợ khách hàng, trong đó có gói tín dụng ưu đãi cho các DN xuất nhập khẩu thủy sản" - ông Lê Hồng Phúc nói.
Về tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng, lãnh đạo Agribank cho rằng việc này nằm ngoài dự kiến của ngành NH và chưa năm nào diễn biến lại khó lường như thế. Dù vậy, với những giải pháp của ngành NH đang được triển khai và thông thường tín dụng tăng cao dịp cuối năm sẽ tạo động lực để vốn tín dụng ra thị trường tăng tốc hơn thời gian tới.
Tại Hội nghị kết nối NH và DN tỉnh Bắc Ninh vừa diễn ra, ông Nguyễn Việt Sáng, Giám đốc NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) Chi nhánh Bắc Ninh, cho biết tăng trưởng tín dụng của chi nhánh đang bị âm, thanh khoản dồi dào nên NH rất muốn đẩy vốn ra thị trường. Để hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN, NH đã giảm lãi suất tất cả kênh cho vay cũ, mới nên rất khó để giảm thêm vì biên lợi nhuận của NH đang khoảng 3,7%, trong khi vẫn còn nhiều chi phí đi kèm như trích lập dự phòng, chi phí nhân sự… "Nguyên nhân chính khiến vốn không đi được vào nền kinh tế chủ yếu là khách hàng rất khó khăn, bối cảnh chung không thuận lợi khiến DN sản xuất không có đầu ra, tồn kho nhiều, buộc phải co mình để giảm chi phí" - ông Nguyễn Việt Sáng nói.
Ở góc độ quản lý, NHNN cho biết đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2 điểm %/năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm hơn 1 điểm % so với cuối năm 2022. NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt.
Để thúc đẩy tín dụng những tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ… Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của DN và người dân.
Người lao động