MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm được mộ Tào Tháo, liệu có thấy được mộ Lưu Bị, Tôn Quyền?

11-04-2018 - 14:37 PM | Sống

Sau khi các nhà khảo cổ xác nhận đã tìm thấy nơi chôn cất di cốt của Tào Tháo - nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Trung Quốc - thì mọi sự chú ý đổ dồn sang bí ẩn lâu năm về nơi chôn cất Lưu Bị và Tôn Quyền.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nơi an táng cuối cùng của vị đế vương Tào Tháo trong khi nơi chôn cất hai nhân vật "kẻ thù không đội trời chung" - Lưu Bị và Tôn Quyền - vẫn còn là một ẩn số.

Theo tờ South China Morning Post, Tào Tháo cùng Lưu Bị và Tôn Quyền tạo thành giai đoạn thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc cách đây 1.800 năm. Ba người tạo thành "thế chân vạc" Ngụy - Thục - Ngô trong cuộc chiến phân quyền cát cứ sau khi nhà Hán tan rã. Câu chuyện về 3 vị anh hùng không chỉ được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc mà còn trên khắp thế giới nhờ cuốn tiểu thuyết "Tam Quốc Diễn Nghĩa", một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14. Ba người tạo thành "thế chân vạc" Ngụy - Thục - Ngô trong cuộc chiến phân quyền cát cứ sau khi nhà Hán tan rã.

Cuối tháng 3, các chuyên gia tại Viện Khảo cổ Văn vật tỉnh Hà Nam kết luận rằng hài cốt người đàn ông qua đời ở độ tuổi ngoài 60, trong một ngôi mộ cổ có niên đại gần 2.000 năm chính là Tào Tháo - vua nước Ngụy thời Tam Quốc ở Trung Quốc (220 - 280).

Tìm được mộ Tào Tháo, liệu có thấy được mộ Lưu Bị, Tôn Quyền? - Ảnh 1.

Khu lăng mộ khai quật được cho là nơi an táng Tào Tháo ở làng Tây Cao Huyệt thuộc tỉnh Hà Nam.

Vị trí của ngôi mộ vẫn là một bí ẩn cho đến năm 2009 khi các nhà khảo cổ đã phát hiện những manh mối đầu tiên: Một phiến đá trong ngôi mộ ở làng Tây Cao Huyệt thuộc thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam có khắc dòng chữ "Ngụy Vũ Đế" - thụy hiệu của Tào Tháo.

Tuy nhiên việc khẳng định đây chính là nơi an táng Tào Tháo đã dẫn đến nhiều tranh cãi trong giới khảo cổ bởi theo lịch sử ghi chép, Tào Tháo không muốn xây dựng lăng mộ xa hoa sau khi qua đời.

Nhưng các chuyên gia lý giải, các cuộc khai quật tại hiện trường cho thấy bất chấp lệnh cấm phô trương nơi chôn cất của cha trước đó, con trai Tào Tháo là Tào Phi đã xây dựng một lăng mộ quy mô lớn để tưởng nhớ và tôn vinh cha. Tuy nhiên, vì sợ lăng mộ sẽ bị kẻ thù nhắm đến nên Tào Phi đã ra lệnh phá hủy.

Tào Tháo là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.

Suốt hàng ngàn năm, các sử gia Trung Quốc phác họa Tào Tháo là nhân vật phản diện, nham hiểm và xảo trá dù ông vẫn được đánh giá là người dũng cảm, mưu trí hơn người. Trong vai trò Thừa tướng nhà Hán người xưa miêu tả ông là không trung thành và thâu tóm quyền lực vào tay mình, biến Hoàng Đế thành con rối.

So với Tào Tháo, Lưu Bị được khắc họa là nhân vật chính diện, được mọi người hết lời ca ngợi nhân từ và công bằng. Lưu Bị được mô tả sinh ra trong một gia đình nghèo khó dù thuộc dòng dõi quý tộc nhà Hán.

Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Tôn Quyền không nhận được nhiều sự chú ý so với Tào Tháo hay Lưu Bị. Ông là người thừa kế gia sản lớn ở miền Đông Nam Trung Quốc từ anh trai. Sau đó, Tôn Quyền lập ra nhà Đông Ngô và giúp đất nước trở nên thịnh vượng.

Cho đến nay, những nỗ lực tìm kiếm mộ của Lưu Bị và Tôn Quyền đều gặp trở ngại vì thiếu bằng chứng xác thực, mặc dù truyền thuyết dân gian cũng để lại nhiều manh mối.

Tìm được mộ Tào Tháo, liệu có thấy được mộ Lưu Bị, Tôn Quyền? - Ảnh 2.

Đền Vũ Hầu, Tứ Xuyên được cho là nơi chôn cất Lưu Bị.

Các nhà khảo cổ cho biết, có ít nhất 3 giả thuyết về nơi chôn cất Lưu Bị. Theo tiểu thuyết "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Lưu Bị được an táng cùng quân sư Gia Cát Lượng ở đền Vũ Hầu, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay.

Nhưng một số chuyên gia không đồng tình, cho rằng Lưu Bị qua đời ở Phụng Tiết, ngày nay là thành phố Trùng Khánh, cách Thành Đô khoảng 600 km.

Việc đưa thi thể Lưu Bị về quê hương cũng phải mất cả tháng và như vậy thi thể sẽ bị phân hủy vì thời tiết nóng ẩm. Vì vậy họ tin rằng Lưu Bị được an táng ngay tại nơi qua đời, bên bờ sông Dương Tử (tức sông Trường Giang).

Tuy nhiên, một nguồn tin khác nói rằng một ngọn núi ở địa phương huyện Bành Sơn, cách Thành Đô khoảng 60 km về phía Nam tên Mục Mã mới là nơi chôn cất Lưu Bị. Ngọn núi này được bao quanh bởi 9 ngọn đồi tạo thành hình hoa sen, địa hình rất phù hợp để an táng nên được chọn để xây lăng mộ.

Mặc dù không có ngôi mộ cổ nào được phát hiện trên núi, nhưng chính quyền địa phương đã đưa núi Mục Mã vào diện di tích cần bảo vệ từ những năm 1980. Tờ báo địa phương West China City News từng đưa tin nơi này thường xuyên bị những kẻ trộm mộ nhắm đến.

Trong khi đó, việc tìm kiếm mộ Tôn Quyền dường như dễ dàng hơn khi các tài liệu lịch sử ghi chép lại rằng, ông được an táng tại ngọn núi Mai Hoa, gần Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô. Nhưng vị chính xác không được tiết lộ.

Tìm được mộ Tào Tháo, liệu có thấy được mộ Lưu Bị, Tôn Quyền? - Ảnh 3.

Tượng Tôn Quyền ở vùng núi Mai Hoa, Nam Kinh.

Vào đầu những năm 2000, chính quyền địa phương đã gửi một nhóm các nhà khảo cổ đi tìm ngôi mộ. Họ mang theo những thiết bị khảo sát hiện đại và tìm thấy một đường hầm lớn dưới đất có thể là nơi chôn cất nhưng phát hiện này chỉ dừng lại ở đó.

Nhà sử học He Yunao đến từ Đại học Nam Kinh cho biết: "Trung Quốc có luật bất thành văn là không được khai quật khảo cổ trừ khi di tích đó đứng trước nguy cơ bị phá hủy".

Khu vực nơi lăng mộ tào Tào Tháo được tìm thấy từng bị những kẻ trộm mộ tấn công, đó là lý do tại sao các nhà khảo cổ được phép tiến hành khai quật.

Ông Qi Dongfang, Giáo sư Trường Khảo cổ học và Bảo tàng học tại Đại học Bắc Kinh nói rằng các nhà chức trách đôi khi cẩn trọng trước các tác động có thể gây đe dọa đến các di tích dưới lòng đất. "Việc khai quật khảo cổ là rất khó lường và dễ gây ra các tai nạn làm tổn hại đến di tích ngàn năm".

Vân Anh

SCMP

Trở lên trên