Tìm đường "xuất ngoại" cho... heo, gà
Việt Nam chưa có sản phẩm thịt gà xuất khẩu, mới chỉ có một ít sản phẩm thịt heo sữa được xuất đi nước ngoài ở một số thị trường.
- 09-06-2017"Thịt lợn rẻ như khoai lang, nhai nát sổ đỏ", vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu?
- 01-06-2017Giá thịt lợn bắt đầu tăng từ 2.000 - 8.000 đ/kg tại nhiều địa phương
- 29-05-2017Trung Quốc chưa đồng ý nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam
Việt Nam chưa có sản phẩm thịt gà xuất khẩu, mới chỉ có một ít sản phẩm thịt heo sữa được xuất đi nước ngoài ở một số thị trường
Tại Hội nghị Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức mới đây, Cục Thú y cho biết thị trường xuất khẩu chính ngạch của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam rất ít.
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, tổng đàn heo cả nước trong năm 2016 đã đạt trên 29,07 triệu con, tăng gần 1,33 triệu con so với năm 2015. Riêng đàn heo thịt đạt 24,76 triệu con (chiếm 85,18% tổng đàn), tăng 1,14 triệu con. Tổng đàn gia cầm cả nước năm 2016 đạt 361,721 triệu con, tăng 19,814 triệu con so với năm 2015. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chỉ dành cho tiêu dùng nội địa.
Về tình hình xuất khẩu, hiện nay đã và đang xuất khẩu chính ngạch thịt heo sữa và thịt heo choai đông lạnh sang thị trường Hồng Kông, Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt heo xuất khẩu đạt khoảng 11.000 tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Riêng 5 tháng đầu năm 2017, đạt khoảng 10.600 tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD).
Với xuất khẩu sản phẩm thịt gà, ông Đông cho biết chỉ sản xuất và tiêu thụ ở trong nước; chưa có sản phẩm thịt xuất khẩu. Riêng về sản phẩm trứng gia cầm, hiện có 5 cơ sở đã và đang xuất khẩu (trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp) sang một số thị trường như: Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản.
"Hầu hết cơ sở giết mổ đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP) đến sản phẩm xuất khẩu. Trong khi đó, tất cả các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP" - ông Đông nói.
Tại Việt Nam, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện chúng ta chưa có vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Do chưa được công nhận kiểm soát tốt dịch bệnh nên nhiều thị trường từ chối nhập khẩu sản phẩm thịt từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thắng Lợi - một trong số ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thịt heo nhiều năm nay, cho biết nhu cầu heo sữa, heo choai (nặng 30-40 kg) của Việt Nam rất lớn, nhất từ các thị trường như Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc. "Nhưng tại sao ta không xuất được hoặc có xuất khẩu được lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Mấu chốt là ATTP và điều kiện nhà máy giết mổ hoặc chế biến" - ông Hoàng nói. Năm 2014, DN của ông Hoàng xúc tiến xuất khẩu thịt sang Singapore. Ngay sau đó, DN nhận được câu trả lời ngắn gọn là nước này không xem xét hồ sơ vì Việt Nam có dịch lở mồm long móng.
Cục Thú y thừa nhận tháng 2-2015, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh heo tại Thái Bình, Nam Định. Tuy nhiên, do các địa phương không có kinh phí để xây dựng nên đề án đến nay vẫn chưa xây dựng được.
Tiếp tục chờ... đề án
Hiện Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án "Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu". Mục tiêu năm 2017 hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất sang thị trường Nhật Bản và từ năm 2018 tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Đối với thịt heo, dự kiến hết năm 2020, xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt heo chế biến chín xuất sang Đông Nam Á, châu Á, châu Âu.
Người lao động