Tìm liên kết tiêu thụ sầu riêng cho miền núi Khánh Hòa
Ngay từ bây giờ, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai các giải pháp kết nối, tránh sự đứt gãy, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho người dân miền núi.
- 07-07-2021Mưa đá, lốc xoáy đi qua, sầu riêng tiền tỷ rụng trụi cây
- 09-06-2021Giữa mùa khó, sầu riêng trúng giá
- 03-04-2021Thái Lan có thể đứng đầu thế giới về sầu riêng trong 5 năm nữa
Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị vào vụ thu hoạch sầu riêng, dự kiến sản lượng đạt hàng ngàn tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 việc tiêu thụ loại trái cây này nguy cơ gặp nhiều khó khăn. Ngay từ bây giờ, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai các giải pháp kết nối, tránh sự đứt gãy, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho người dân miền núi.
Sầu riêng là loại trái cây đặc sản của huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà. Cây sầu riêng được trồng phổ biến khoảng 20 năm trở lại đây trên vùng đất thung lũng - chuyển tiếp giữa Tây nguyên và đồng bằng ven biển. Khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp đã cho những trái sầu riêng cơm vàng, hạt lép thơm ngon. Sầu riêng nơi đây còn chín “lệch pha”, thu hoạch muộn hơn so với các địa phương khác từ 1-2 tháng.
Những năm trước, sầu riêng được thương lái thu mua tận vườn, đem lại tiền tỷ cho nhiều hộ dân miền núi. Năm nay, khi sắp vào vụ thu hoạch, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hộ dân lo lắng việc tiêu thụ sẽ khó khăn. Anh Huỳnh Văn Sa, trồng 1 ha sầu riêng ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết, sầu riêng chín rộ trong thời gian ngắn, nếu không thu hoạch kịp sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người trồng.
“Sầu riêng đủ độ chín phải tiêu thụ ngay nếu không nó sẽ rụng. Các nhà vườn đang chuẩn bị thu hoạch đúng vào dịp dịch, đáng lo nhất là thương lái các vùng miền nhiều khả năng họ không di chuyển về địa phương thu mua. Trước đó, các vườn đã có các thương lái đến chốt vườn mua trái, nhưng dịch như thế này không biết các thương lái có bỏ cọc hay không”, anh Sa lo lắng.
Từ 10 ha khảo nghiệm ban đầu, đến nay, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà đã đưa sầu riêng trở thành một trong những cây trồng chủ lực. Diện tích trồng sầu riêng được mở rộng với hơn 3.000 ha, tập trung tại 7 xã và 1 thị trấn. Trong đó khoảng 2.000 ha đã cho quả, tổng sản lượng hàng năm khoảng 5.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, hàng năm, địa phương tổ chức lễ hội trái cây để thu hút du khách, giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương bị giãn cách, phong tỏa nên thương lái ngại lên Khánh Sơn thu mua sầu riêng.
“Thu mua nông sản cho bà con năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn vì đa số thương lái ở miền Nam, họ ra thu mua sản lượng rất lớn. Huyện đang kiến nghị với tỉnh có những cơ chế để cho phép các thương lái đã tiêm ngừa vaccine, hoặc xét nghiệm chứng nhận không dương tính Covid-19 vào địa bàn thu mua. Đặc biệt, tuyên truyền vận động cho bà con toàn tỉnh Khánh Hòa có sự quan tâm, hỗ trợ đầu ra cho nông sản Khánh Sơn”, ông Nhuận cho biết.
Câu chuyện khó khăn tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra với nhiều loại nông sản như xoài, bưởi, dưa hấu, tỏi… Vừa qua, khi nông sản khó tiêu thụ, xuất hiện nhiều mô hình giúp nông dân bán nông sản nhưng vẫn mang tính phong trào, lượng tiêu thụ không đáng kể.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để giải quyết bài toán đầu ra ổn định cho sầu riêng nói riêng cũng như các loại nông sản khác, trước mắt các ngành như công thương, nông nghiệp và chính quyền địa phương cùng “xắn tay” để hỗ trợ người dân. Ngành công thương chủ động nắm chắc sản lượng để đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên phạm vi toàn quốc.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tuân, về lâu dài, phải đảm bảo thực hiện phát triển các loại nông sản đúng quy hoạch, cơ cấu mùa vụ hợp lý, đa dạng liên kết tiêu thụ tránh bị dồn ứ khi bị đứt gãy chuỗi thu mua.
“Các đơn vị trong tỉnh phải giúp cho nhân dân Khánh Sơn tiêu thụ nông sản chất lượng cao vào đầu tháng 8. Giám đốc Sở Công Thương kích hoạt với toàn bộ hệ thống tiêu thụ trên toàn quốc, các siêu thị, các cửa hàng. Cùng với đó, Khánh Sơn phải tích cực thực hiện nhiều hình thức, nhiều kịch bản, để đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng dịch và phát triển sản xuất”, ông Tuân chỉ rõ./.
VOV