MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm mọi cách cứu doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế

Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố dự thảo nghị quyết của chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm “mạnh tay” trị bệnh chậm giải ngân đầu tư công và đưa 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công “ngấm” vào nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng.

Với 3 nhóm giải pháp, 33 nhiệm vụ cụ thể, Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế như nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu. Kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cho phép doanh nghiệp chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong khoảng 5 tháng đến hết quý 2/2020.

Để thúc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020, dự thảo Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp như: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; lấy kết quả giải ngân đầu tư công làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức và lãnh đạo đơn vị; chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt.

“Tháng 9/2020, Bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đơn vị nào có tỷ lệ giải ngân dưới 60% sẽ bị chuyển vốn cho các dự án giao thông cấp bách, các dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay.

Nghị quyết cũng yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR), trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động. Có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh. Ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc; trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai.

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

Trở lên trên