MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm thuốc “hồi sinh” ngành giao thông thời hậu Covid-19

Tìm thuốc “hồi sinh” ngành giao thông thời hậu Covid-19

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 chính là cơ hội để ngành giao thông thực hiện tái cơ cấu triệt để và nhìn nhận lại những giá trị cốt lõi, điểm mạnh và yếu, tạo kháng thể sống chung với dịch, tìm cơ hội phát triển...

Dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực, ngành giao thông cũng không ngoại lệ và đã hứng chịu những thiệt hại nặng nề ngay từ khi dịch bùng phát.

Nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu triệt để và là khoảng thời gian nhằm nhìn nhận những giá trị cốt lõi, những điểm mạnh và yếu. Từ đó, các đơn vị sẽ hoạch định lại chính sách, đưa ra những kịch bản phát triển bền vững nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh cũng như sức chịu đựng trước những yếu tố ảnh hưởng khách quan từ bên ngoài.

Tất cả “ông lớn” giao thông lao đao vì Covid-19 “càn quét”

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng vận tải hàng hóa, doanh thu vận tải đường sắt đã sụt giảm nghiêm trọng. VNR có 1.634 lao động bị ảnh hưởng thiếu việc làm, trong đó 423 lao động phải nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5-13 ngày công và 1.211 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR nhận định ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lũ dồn dập đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trải qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử.

Năm 2020, VNR đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu hợp nhất 6.456 tỷ đồng, bằng 77% so với năm 2019. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, VNR báo lỗ hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi năm 2019 vẫn lãi 182 tỷ đồng.

“Bình thường cơ thể đang khỏe nếu dính đợt dịch Covid-19 cũng đã mệt, lại chịu thêm trận bão lũ dồn dập tại miền Trung vừa qua sẽ lại nặng nề và ốm yếu...,” ông Minh nói.

Với ngành hàng không, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đưa ra con số các hãng hàng không trên thế giới đã chịu tổn thất lên đến 370 tỷ USD trong năm 2020. Các sân bay và các cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu thiệt hại tương ứng là 115 tỷ USD và 13 tỷ USD (gần 13 tỷ USD/tháng hoặc 300.000 USD mỗi phút), bất chấp việc khai thác lại đang được khởi động. Du lịch hàng không phục hồi chậm sẽ khiến ngành này tiếp tục tốn một số tiền mặt lớn trung bình từ 5-6 tỷ USD mỗi tháng vào năm 2021. Ngành công nghiệp dự kiến sẽ không có biến chuyển khả quan cho đến năm 2022 .

Đánh giá dịch Covid-19 tác động còn lớn hơn cả chiến tranh thế giới thứ 2, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận, Chính phủ các quốc gia đều phải có biện pháp giống nhau là cách ly xã hội, hạn chế đi lại. Đặc biệt, từ 0 giờ ngày 1/4 đến 15/4/2020, bầu trời Việt Nam mỗi ngày chỉ có 3 chuyến bay, đây là lịch sử với ngành hàng không bởi ngay cả trong thời điểm chiến tranh cũng không ít chuyến như vậy.

Theo ông Thành, khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất vì tiềm ẩn khó khăn do bị cạnh tranh của hàng không giá rẻ (LCC) và hạ tầng yếu về sân bay. Khi dịch Covid-19 xảy ra, hãng nào càng lớn, chi phí cố định cao sẽ càng tổn hại.

Nhấn mạnh các hãng hàng không đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, ông Hà đưa ra con số, theo dự báo của IATA, các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu khoảng 4 tỷ USD, trong đó Vietnam Airlines là 2 tỷ USD, còn lại là các hãng hàng không khác.

Cùng cảnh ngộ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cũng không thoát khỏi “vòng xoáy” dịch Covid-19 khi dự kiến đến hết năm 2020, doanh thu đạt 1.526 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế âm 1.024,8 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Vinalines, hệ thống các cảng của đơn vị đều bị ảnh hưởng do các tàu hủy lịch không đến cảng, hoặc hủy chuyến, hoạt động vận tải, kho bãi giảm sản lượng khoảng 40% so với cùng kỳ.

Mặt khác, vận tải biển bị ngưng trệ do nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và gần đây là thị trường châu Âu và Mỹ. Hầu hết đội tàu của Vinalines không đủ việc làm, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu, hoạt động tạm nhập tái xuất và hoạt động của các cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là chi phí lưu kho tăng cao.

Với đường bộ, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cũng đang sống “lay lắt” khi lượng hành khách sụt giảm và hiện chỉ đạt khoảng 30% công suất khai thác, lượng ghế ngồi chỉ đạt được khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng duy nhất trong dịch bệnh Covid-19 chính là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khi doanh nghiệp này lên kế hoạch doanh thu giảm 38% nhưng lãi trước thuế dự kiến 2.007 tỉ đồng, giảm mạnh 80% so với năm 2019. Tuy nhiên, với các tác động của dịch bệnh đến ngành hàng không là chưa có tiền lệ, lãnh đạo ACV cho biết nỗ lực để không lỗ ở mảng kinh doanh cốt lõi.

Sở dĩ hoạt động kinh doanh ACV bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 là do 60-70% doanh thu đến từ thị trường quốc tế. Trong kế hoạch lợi nhuận đề ra, có một lượng lớn đến từ lãi tiền gửi, trong khi lãi từ hoạt động cốt lõi dự kiến chỉ khoảng 50-52 tỷ đồng.

Tái cơ cấu triệt để và nhờ Chính phủ “trợ thở”

Ngay từ khi dịch Covid-19  bùng phát, các doanh nghiệp ngành giao thông đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ để ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch, duy trì sản xuất kinh doanh như tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp; tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; giãn tiến độ thanh toán; dừng triển khai các danh mục đầu tư chưa cấp thiết; chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, chở khách hồi hương và khách chuyên gia; thanh lý đội tàu bay cũ,...

Nhìn nhận hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp hàng không rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3-4 năm; cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021.

Hiện tại, cả 3 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT có thêm các chính sách hỗ trợ, tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thực tế, nhiều hãng bay đang “đốt tiền” mỗi ngày trong bối cảnh thị trường hàng không phục hồi chậm. Vì thế, Chính phủ các nước trên thế giới đều tung gói hỗ trợ tài chính để các hãng hàng không có thể vượt qua dịch Covid-19.

Nhiều ý kiến cho rằng việc Chính phủ “bơm vốn” chính là thể hiện hành động trách nhiệm với những doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước và vốn là trụ cột trong nền kinh tế. Trong đó, Vietnam Airlines mới đây đã được Nhà nước (vốn chủ sở hữu Nhà nước chiếm tới 86% tại Vietnam Airlines) giao Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines với quy mô 8.000 tỷ đồng để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng để có thể phục hồi “sức khỏe” và sải cánh bay cao.

Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet, trước đại dịch, tăng trưởng hàng năm của Vietjet đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Vietjet đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí xấp xỉ 9.000 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến hãng đã bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ.

Đại diện Vietjet kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm.

Đồng thời Vietjet kiến nghị xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2021.

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Cục Hàng hải Việt Nam giảm 10% giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải là tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa (bao gồm cả tàu thuyền và phương tiện sông pha biển).

Để chia sẻ khó khăn với các đơn vị kinh doanh vận tải, theo quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 10/8 đến hết năm nay, phí bảo trì đường bộ đối với xe khách, vận tải hàng hóa giảm 10-30% so với quy định áp dụng trước đó.

Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hơn 200 tỷ đồng phí sử dụng hạ tầng đường sắt năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trạng thái bình thường mới và chờ thời cơ phục hồi

Đưa ra thời gian phục hồi so với thời điểm 2019 trước khi có dịch Covid-19, theo dự báo của IATA, đến cuối năm 2021, toàn bộ các đường bay dài mới phục hồi. Vietnam Airlines dự báo thị trường hàng không nội địa phục hồi từng bước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế còn rất mờ mịt.

Lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định thị trường hàng không chỉ sinh lời khi phục hồi hoàn toàn. Nhưng, với sự đồng hành của Chính phủ và khả năng ứng phó linh hoạt của doanh nghiệp trước khó khăn, Vietnam Airlines dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025.

Sau khi kiểm soát đại dịch Covid-19  tại Việt Nam, trong khi chờ đường bay quốc tế, các hãng hàng không đã “ồ ạt” mở nhiều đường bay nội địa nhằm kích cầu du lịch. Hơn nữa, các đường bay này trước mắt giúp giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc tận dụng được đội bay dư thừa trong khi chưa mở trở lại đường bay quốc tế.

“Việc mở các đường bay trên giúp Vietnam Airlines chi trả chi phí biến đổi (nhiên liệu bay, lương phi hành đoàn...) và giảm 500-600 tỷ đồng trong con số 2.100 tỷ đồng chi phí cố định mỗi tháng. Quan trọng hơn là mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp. Với chức năng hãng hàng không quốc gia, những chặng bay này cũng thực hiện chủ trương kích cầu du lịch của Chính phủ,” ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng doanh thu đến từ thị trường nội địa hiện là nguồn thu chính của các hãng hàng không, đáp ứng yêu cầu về chi phí nhân công, các chi phí cố định khác…

“Nhưng quan trọng hơn, với vai trò là lĩnh vực khơi thông, mở đường cho các lĩnh vực thương mại khác của nền kinh tế phục hồi thì nguồn thu quý báu của hàng không là đòn bẩy cho đà phát triển trong thời gian tới của ngành, từ đó đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế nói chung của Chính phủ,” ông Thắng khẳng định.

Trong bối cảnh vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn và dự kiến, nhanh cũng phải mất 3-4 năm mới khôi phục hoàn toàn, ngành đường sắt chuyển hướng đẩy mạnh vận tải hàng hóa, trong đó thúc đẩy “cõng” hàng hóa nội địa hay liên vận quốc tế.

Cụ thể, ngay từ giữa năm 2019, VNR chuyển hướng chiến lược kinh doanh sang xây dựng hạ tầng khách hàng, hướng tuyến, chào mời khách để giúp khách chuyển đổi phương thức vận tải.

Phía VNR cũng cho rằng khi xảy ra dịch Covid-19, vận tải hàng hóa đóng vai trò chủ đạo mặc dù doanh thu thấp. Lúc trước, vận tải hàng hóa chỉ chiếm 10-20% doanh thu, nhưng hiện đã nâng dần lên và năm nay vận tải hàng hóa tăng khoảng 10%, đơn cử như tháng 9/2020 vận tải hàng hóa tăng 20% so với cùng kỳ.

Khẳng định ngành đường sắt đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn hàng mới, khai thác chạy tàu hàng liên vận quốc tế nhằm giữ sản lượng vận tải hàng hóa ổn định, VNR xây dựng các đôi tàu vận tải hàng hóa nhanh, đoàn tàu làm ra hiệu quả kinh doanh lớn sẽ được thay đổi thứ tự ưu tiên giờ tàu chạy nhằm giảm thời gian vận chuyển, tăng sức kéo. Tuy nhiên, hệ thống kho bãi trải dài dọc tuyến đường sắt, khả năng gom hàng và chi phí bốc xếp còn cao sẽ là “rào cản” cần phải giải quyết.

Với đường bộ, các đơn vị vận tải cũng chạy “cầm chừng” và cắt giảm tần suất hoạt động để chờ thời điểm dịch được kiểm soát sẽ điều chỉnh phương án. Riêng vận tải biển nội địa, hàng hóa lưu thông qua các cảng biển vẫn tăng nhưng quy mô đội tàu chỉ là cỡ vừa và nhỏ; vận tải biển quốc tế vẫn chưa có sự bắt nhịp bởi đội tàu dư thừa, diễn biến dịch phức tạp ở các nước cũng chính là yếu tố khiến hàng hóa và tàu chạy thấp.

Sau 2 năm “thấm đòn” từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành giao thông ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đã tự nỗ lực tái cơ cấu, đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, chấp nhận sống chung, thích ứng để phát triển  cùng Covid-19./.

Theo Phi Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên