MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp TP.HCM cần tuyển 150.000 lao động

04-07-2014 - 11:46 AM | Tìm Việc làm

Trong sáu tháng đầu năm nay có gần 38.000 lao động ở thành phố đăng ký thất nghiệp và gần 33.300 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng 150.000 lao động; thị trường lao động tiếp tục theo xu hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhu cầu tìm việc vẫn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm do đây là thời điểm sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường. Dự kiến nhu cầu tìm việc sáu tháng cuối năm tăng 10% so sáu tháng đầu năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề cao nên nhiều sinh viên mới ra trường và người lao động có trình độ sơ cấp vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm.

Theo nguồn tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm nay có gần 38.000 lao động ở thành phố đăng ký thất nghiệp và gần 33.300 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, cho rằng thị trường lao động hiện nay có nghịch lý vừa thừa vừa thiếu lao động. Mặc dù nguồn cung lao động có trình độ khá dồi dào nhưng doanh nghiệp không tuyển đủ số lượng lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm. Tình trạng này xảy ra là do việc đào tạo hiện nay chưa có sự gắn kết với giữa nhà trường và doanh nghiệp, những kiến thức ở trường, lớp không áp dụng được vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự nguồn nhân lực và thị trường lao động nhận địn nhu cầu nhân lực giảm về số lượng, tăng về chất lượng tiếp tục là xu hướng trong thời gian tới - giai đoạn hội nhập thị trường lao động ASEAN. Tình trạng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp khá phổ biến. Kết quả khảo sát cho thấy có tới hơn 70% số sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng chưa được trang bị tốt về chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ để tiếp cận công việc.

Hơn nữa, việc chọn ngành nghề theo học của học sinh hiện nay vẫn theo xu hướng chọn học cao đẳng, đại học mà chưa có định hướng theo học nghề. Số học sinh có nhu cầu học đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (80,74%) trong khi nhu cầu học bậc cao đẳng và trung cấp chỉ chiếm 19,26% trong đó bậc học trung cấp chiếm tỷ lệ 4%.

Ông Tuấn cho rằng học sinh được các trường nghề cũng có nhiều cơ hội phát triển nếu như trình độ tay nghề được chú trọng nâng cao.

Theo các chuyên gia, để giảm tình trạng mất cân đối cung-cầu trong thị trường lao động về trình độ nghề nghiệp cũng như cơ cấu ngành nghề, cần có sự liên kết giữa chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Mặt khác, cần thay đổi nhận thức xã hội trong việc chọn ngành nghề theo học của giới trẻ.

Bên cạnh đó, cần duy trì việc thống kê, khảo sát nhu cầu của thị trường lao động để có chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và các doanh nghiệp. Đặc biệt, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phân luồng giữa giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề, tập trung đầu tư phát triển một số trường dạy nghề trọng điểm chất lượng cao, làm nòng cốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của hệ thống dạy nghề./.

 Theo Thu Hoài

thunm

Vietnamplus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên