MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin đồn bủa vây thị trường, nhà đầu tư chứng khoán nên hành động thế nào?

Tin đồn bủa vây thị trường, nhà đầu tư chứng khoán nên hành động thế nào?

Trước những lời đồn đoán chưa được xác thực, nhà đầu tư nên phản ứng thế nào để bảo vệ thành quả của mình?

Có thể thấy, thị trường chứng khoán khởi động tuần mới trong tình trạng "bán tháo" tại nhóm cổ phiếu "họ FLC". Những thông tin xung quanh vị Chủ tịch tập đoàn được cho là một trong những nguyên khiến nhóm cổ phiếu này bị bán mạnh. 

Cụ thể, FLC dư bán sàn 92 triệu đơn vị, giá giảm xuống 13.600 đồng/cổ phiếu; ROS giảm sàn xuống 8.770 đồng/cổ phiếu, lượng dư bán sàn lớn tới 85 triệu đơn vị; ART giảm sàn xuống 10.300 đồng/cổ phiếu, số lượng dư bán sàn đạt trên 7,6 triệu đơn vị; KLF bị bán sàn xuống 6.400 đồng/cổ phiếu, lượng dư bán sàn 20,8 triệu đơn vị; cổ phiếu HAI giảm sàn xuống 6.320 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn hơn 12,8 triệu đơn vị; AMD giảm sàn xuống 6.650 đồng/cp, dư bán sàn gần 13 triệu đơn vị.

Cũng như những lần trước đó, tâm lý đám đông chi phối mạnh trên thị trường. Bên cạnh nhóm cổ phiếu trong "hệ sinh thái" FLC dư bán sàn chất đống, hàng loạt cổ phiếu lớn bé cũng chịu áp lực bán mạnh. Sắc đỏ bao phủ toàn thị trường cho thấy tâm lý nhà đầu tư rất dễ lung lay trước những thông tin tiêu cực.

Trên thực tế, việc bán tháo theo tin đồn không phải lần đầu xảy ra trên thị trường chứng khoán. Nhìn lại lịch sử, thị trường từng có thời điểm “bay hơi” hàng tỷ đô la vốn hóa vì các tin đồn. Trong quá khứ, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều lần chao đảo vì các tin đồn liên quan đến ông Đặng Văn Thành, ông Nguyễn Đức Kiên hay ông Trần Bắc Hà. 

Phiên giao dịch hôm nay (28/3), lịch sử cũng lặp lại tương tự với những đồn thổi. Vậy với những lời đồn đoán chưa được xác thực, nhà đầu tư chứng khoán nên phản ứng thế nào để bảo vệ thành quả của mình?

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, trước những thông tin tiêu cực đột ngột trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá tác động của sự kiện liên quan đến cổ phiếu mà mình đang nắm giữ. Bởi không phải ngành nào hoặc cổ phiếu nào cũng bị tác động tiêu cực bởi thông tin đó. Hơn nữa, còn có rất nhiều những cổ phiếu khác mặc dù không bị ảnh hưởng nhưng cũng bị bán tháo bởi tâm lý đám đông. Mặt khác thị trường chung biến động cũng tạo ra cơ hội để nhà đầu tư có thể mua được những cổ phiếu tốt với mức giá rẻ.

Chia sẻ trong một Chương trình "Khớp lệnh", ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment cho rằng dù có thể đúng hoặc không, nhưng với tin đồn thì thị trường sẽ có phản ứng biến động trong ngắn hạn.

CEO Passion Investment cho rằng, những cổ phiếu có những yếu tố cơ bản đằng sau thì việc bán tống bán tháo sẽ bớt đi. Còn với những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ rất cao, nơi mà nhà đầu tư chạy theo dòng tiền hay giá cổ phiếu thì khi bất kỳ có một tin đồn nào, trong ngắn hạn, người ta sẽ bán tống bán tháo.

Tin đồn bủa vây thị trường, nhà đầu tư chứng khoán nên hành động thế nào? - Ảnh 1.

Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment

"Khi đặt tiền vào những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao, chúng ta đã đặt mình vào tình huống là phải phản ứng với những tin tức ngắn hạn dù chúng đúng hoặc không. Phản ứng của nhà đầu tư trong ngắn hạn với những cổ phiếu đầu cơ là không sai. Do đó những cổ phiếu hoàn toàn là cuộc chơi về tâm lý mà không có những giá trị cơ bản làm nền tảng thì hết sức phải lưu ý", ông Lã Giang Trung nhấn mạnh.

Đưa ra lời khuyên về cách ứng xử trước những tin đồn trên thị trường, Chuyên gia Chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, nhà đầu tư cần xác định nhóm cổ phiếu có thể liên quan, quan sát thật kỹ và đưa ra quyết định nhanh chóng trong đầu phiên giao dịch.

"Thông thường những ảnh hưởng của tin đồn thường sẽ tác động tức thời và ngắn hạn. Trong trường hợp tin đồn không có thật, câu chuyện sẽ kết thúc hoàn toàn trong 1,5 phiên. Ngược lại nếu tin đồn là có thật, nhóm của vụ việc sẽ rơi sâu và kéo dài, nhóm liên quan có thể sẽ mất khoảng 15% trong thời gian 3-4 phiên, thị trường chung sẽ mất 5% - 8% trong vòng 2-3 phiên. Như vậy, tôi cho rằng dù trường hợp nào xảy ra thì vùng 1.450 được xác định là vùng cận đáy", ông Nguyễn Hồng Điệp nhận định.

Vị chuyên gia cho rằng, mỗi nhà đầu tư có trạng thái tài khoản, danh mục đầu tư khác nhau, do đó tâm lý cũng như khả năng chịu đựng khác nhau. Song điều quan trọng là cần phải xây dựng kế hoạch để có hướng xử lý phù hợp.

https://cafef.vn/tin-don-bua-vay-thi-truong-nha-dau-tu-chung-khoan-nen-hanh-dong-the-nao-2022032820334041.chn

Minh Minh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên