MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng bất động sản đang đi đúng hướng

11-08-2018 - 21:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tại Hội thảo “Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và triển vọng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11/08/2018 tại TP.HCM.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí và hơn 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng, tích cực thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới song phương và đa phương. Bối cảnh đó đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng "toàn cầu hóa bất động sản", mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước ra mua nhà nước ngoài và người nước ngoài vào mua nhà và đầu tư tại Việt Nam. Tỷ trọng nguồn vốn rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ hai, chiếm hơn 27% tổng dư lượng FDI đầu tư vào Việt Nam.

Tín dụng bất động sản đang đi đúng hướng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phát biểu tại Hội thảo


Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, cơ cấu tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM hiện đang khá hợp lý. Cụ thể, trong tổng dư nợ nền kinh tế là 1.128 ngàn tỷ đồng thì có 75% dành cho sản xuất kinh doanh, 10,8% dành cho bất động sản và 14% dành cho vay tiêu dùng. Dư nợ trung và dài hạn chiếm 53%, ngắn hạn chiếm 47%. Tín dụng bất động sản chiếm 10,8% trong tổng dư nợ - tức là mức dư nợ hiện đạt 208 ngàn tỷ, trong số này đối chiếu 5 năm qua thì bình quân mỗi năm sau cao hơn năm trước với 11% và cao nhất là 12,5%, thấp nhất là 10,8%.

Kiều hối bình quân trong 3 năm trở lại đây khoảng 5 tỷ USD, đổ vào bất động sản trên 21%, như vậy mỗi năm có trên 1 tỷ USD đổ vào lĩnh vực này. Đây là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Nhu cầu vốn cho bất động sản là rất lớn. Bên cạnh đó còn có vốn FDI, vốn kiều hối khá quan trọng và đóng góp tích cực vào nguồn vốn, giảm áp lực cho ngân hàng. Giai đoạn hiện nay, tín dụng bất động sản dù tăng nhưng tăng chậm hơn mức độ tăng trưởng chung, đi đúng hướng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và cơ quan quản lý.

“Qua những bài học sâu sắc từ 2008-2010, chúng tôi đã có cơ chế chính sách quản lý chặt chẽ hơn rủi ro bất động sản và chỉ cấp phép cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án. Luật Đất đai còn yêu cầu nhà đầu tư khi bán dự án hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh cho người mua nhà. Qua đó, chúng tôi thấy nguồn vốn tín dụng đang đi đúng hướng. Hiện nay các ngân hàng thương mại đang huy động tích cực nguồn vốn trung và dài hạn. Chúng tôi đánh giá các ngân hàng thương mại đang thực hiện tốt yêu cầu của Thông tư 36” – ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.

Theo Thanh Tuyết

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên