MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng bất động sản: “Ném chuột đừng để vỡ bình”

12-08-2022 - 20:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Vì vậy, cần có chính sách tín dụng hợp lý với thị trường này thay vì “đóng sập cửa” tín dụng.

Thời gian gần đây đã có không ít ngân hàng hạn chế tín dụng với BĐS, ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường BĐS vốn đang trên đà phục hồi rất mong manh sau dịch.

Tín dụng bất động sản: “Ném chuột đừng để vỡ bình” - Ảnh 1.

Cơ cấu tín dụng kinh doanh bất động sản tính đến 30/6/2022. Nguồn: Bộ Xây dựng

Siết vì sợ rủi ro

Dù thị trường BĐS đã góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, song còn nhiều bất cập; tình trạng đầu cơ, thổi giá khá phổ biến khiến thị trường thường sốt nóng–lạnh bất thường. Vì vậy, cho vay BĐS tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Hơn nữa, tín dụng ngân hàng đa phần là ngắn hạn, trong khi 94% dư nợ cho vay BĐS có thời hạn từ 10 - 25 năm. Vì vậy, nếu các ngân hàng không cân đối thận trọng, có thể gặp rủi ro thanh khoản.

Đó là lý do NHNN xếp tín dụng BĐS vào nhóm rủi ro cao với hệ số rủi ro lên tới 200%; đồng thời giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn của các TCTD về còn 34% từ 1/10/2022 và giảm tiếp về còn 30% từ ngày 1/10/2023. NHNN cũng thường xuyên khuyến cáo các TCTD kiểm soát chặt dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như BĐS.

Cần chính sách hợp lý

Đồng tình với quan điểm kiểm soát chặt tín dụng BĐS, song nhiều chuyên gia cho rằng, không nên “siết” hoàn toàn.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính, cho rằng nếu nghẽn dòng vốn đối với doanh nghiệp BĐS sẽ khiến các dự án bị dở dang, thanh khoản thị trường giảm, nợ xấu tại các ngân hàng cũng tăng lên, đà phục hồi kinh tế giảm sút... “Bên cạnh kênh tín dụng, cần khơi thông các kênh vốn khác như nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hoặc từ các quỹ tín thác, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tiết kiệm nhà ở… Đặc biệt, nếu chúng ta có thái độ ứng xử phù hợp với kênh trái phiếu thì đây sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất tốt cho doanh nghiệp BĐS”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nên kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào phân khúc BĐS cao cấp và những phân khúc mang tính đầu cơ cao. Tuy nhiên cần khuyến khích các TCTD cho vay đối với các dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, đặc biệt là cho vay đối với nhu cầu mua nhà để ở của người dân. Điều đó sẽ giúp thanh khoản của thị trường tốt hơn, nguồn cung phân khúc nhà ở bình dân dồi dào sẽ giúp kéo giảm giá BĐS, từ đó giúp thị trường phát triển lành mạnh và cân đối hơn.

Theo Hà Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên