MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng BOT, BT giao thông: Quan trọng là kiểm soát được rủi ro

30-09-2016 - 14:19 PM | Tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các NH phải đề ra một hạn mức khi tham gia vào dự án BOT, BT, và phải lưu tâm tới quản trị rủi ro một cách chặt chẽ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Không thể phủ nhận những lợi ích trong phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà các dự án BOT, BT giao thông mang lại. Nhưng mặt khác, việc gia tăng nguồn tín dụng đầu tư vào các dự án này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng hoạt động tín dụng trong bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn tiềm ẩn rui ro, vấn đề là phải có những phân tích, tính toán cho phù hợp với năng lực vốn, quản trị… của từng NH.

Từ đầu năm 2016 tới nay, NHNN liên tiếp đưa ra những cảnh báo kiểm soát rủi ro cho vay với các dự án BOT, BT giao thông. Mới đây nhất, Thống đốc NHNN đã có công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng với các dự án BOT, BT giao thông.

Văn bản của Thống đốc cũng nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 17/6/2016 của VPCP về quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng đầu tư thực hiện các dự án BOT, BT xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Có người cho rằng “làm BOT kiểu gì cũng lãi” - không sai. Nhưng nếu để phát triển quá “nóng”, không đánh giá được hiệu quả sẽ dẫn tới những rủi ro khá lớn. Rủi ro trước hết là vấn đề chênh lệch cơ cấu kỳ hạn, ảnh hưởng tới thanh khoản. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguồn vốn của NH hiện nay trên 60% là kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong khi cho vay các dự án BOT, BT đa phần đều là những dự án đầu tư dài hạn, có khi lên đến 25 - 30 năm mới được chuyển giao.

Như vậy nếu “lấy ngắn nuôi dài” chắc chắn rủi ro sẽ vô cùng lớn. Chia sẻ thêm, TS. Hiếu cũng đặt ra trường hợp trong quá trình triển khai, chi phí vốn phát sinh của dự án có thể đẩy lên sẽ khiến NH lâm vào tình trạng “chẳng đặng đừng”. Cho vay tiếp thì vốn đổ vào quá lớn mà dừng thì khó cho cả NH và DN.

“Khi không cho vay tiếp, dự án sẽ có nguy cơ trở thành nợ đọng, nợ xấu; còn nếu bơm vốn tiếp vào thì không chừng sẽ càng rủi ro hơn”- lãnh đạo một NH cũng thừa nhận.

Thêm nữa, tài sản đảm bảo cho các dự án BOT, BT chủ yếu hình thành từ vốn vay nên khó định giá. Nếu khi đưa vào khai thác, doanh thu không đạt như kế hoạch thì sẽ rất khó cho NH trong thu hồi vốn, xử lý tài sản đảm bảo.

Một rủi ro khác được TS. Bùi Quang Tín đề cập khi cho vay với các dự án BOT, BT giao thông là phải xét từ góc độ nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Với nhà đầu tư trong nước, ít nhất NH có thể xác định được họ là ai? Tình hình tài chính, kinh doanh, cơ sơ pháp lý... của DN ra sao? Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư nước ngoài vay vốn của NH Việt thì không dễ để kiểm định.

Ông Tín cũng bàn tới việc những tính toán trong quá trình xây dựng, triển khai, hoàn thiện các dự án này phần lớn căn cứ vào các giả định, hoặc tình hình hoạt động của những dự án tương tự.

“Nhưng thực tế lại là câu chuyện khác, khi có những dự án không đảm bảo đúng thời hạn cam kết vay đã đề ra do năng lực nhà thầu, vận hành yếu... thì nguy cơ nợ xấu cho NH là nhìn thấy. Chưa kể tới chuyện tới giai đoạn chuyển giao cho Nhà nước, thì có trường hợp Nhà nước phải tái đầu tư để nâng cấp trở thành dự án có thể khai thác được. Lúc đó sẽ tốn vô vàn chi phí khác”.

Để phần nào giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải nêu trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các NH phải đề ra một hạn mức khi tham gia vào dự án BOT, BT, và phải lưu tâm tới quản trị rủi ro một cách chặt chẽ. Cụ thể, trong danh mục tín dụng phải đặt ra tỷ lệ cho vay đối với các dự án này là bao nhiêu phần trăm, và mỗi NH tuân thủ hạn mức đó.

Thêm nữa, làm việc và đánh giá, kiểm định chủ đầu tư theo ông Hiếu là vấn đề cốt lõi. Với những chủ đầu tư có thành tích tốt, đã xây dựng được các công trình cơ sở hạ tầng khác đúng thời gian, chi phí được kiểm soát, NH có thể giám sát tiến độ dự án... thì sẽ có căn cứ đánh giá cho sự thành công của dự án trong tương lai.

NH cũng có thể lưu tâm tới việc hợp tác, hay huy động vốn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IMF...) để nhằm cân đối nguồn vốn cho những dự án vay dài hạn, TS. Tín cho hay. Tuy nhiên, để lấy được nguồn vốn đó không phải NHTM nào cũng làm được, vì còn liên quan tới quy mô cũng như uy tín của NH.

Theo số liệu NHNN đưa ra, thời gian qua nguồn vốn ngành NH dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khá lớn, chiếm 85 - 90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của NH. Tính đến cuối quý II/2016, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông chỉ tính riêng với các NHTM là 159.204 tỷ đồng. Tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015. BIDV, VietinBank và SHB có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm 85,64%, dư nợ chiếm 85,3% so với Ngành.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên