MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng mùa cuối năm: Cạnh tranh khốc liệt

05-11-2017 - 08:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Bước vào giai đoạn cuối năm, các ngân hàng từ khối quốc doanh, thương mại cổ phần và ngay cả những ngân hàng có vốn nước ngoài đều đang có một sự cạnh tranh khốc liệt từ chuyện huy động vốn đến lĩnh vực cho vay.

Cuộc đua lãi suất huy động để tìm vốn

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) tăng mạnh những tháng cuối năm nên nhiều ngân hàng hiện đang tăng lãi suất huy động để hút vốn vào. Ngoài các kỳ hạn dài, một số ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,2% - 0,4%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn ngắn 1 - 6 tháng. Chẳng hạn, tại PVcombank, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,9%/năm và khi gửi tiền tối thiểu 30 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất cộng thêm 0,4%/năm…

Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà tại các ngân hàng lớn, cạnh tranh trong huy động tiết kiệm cũng đã bắt đầu với mức lãi suất bình quân là 5,5% - 6%/năm cho kỳ hạn 1 - 6 tháng và 7% - 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng khó có khả năng mặt bằng lãi suất cho vay giảm trên diện rộng trong quý 4/2017 như mong muốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Lý do, quý 4 là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, thanh khoản cũng thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, nên các ngân hàng sẽ không “mạo hiểm” giảm lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động không giảm, rất khó để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm, ngoại trừ một số ngân hàng có khả năng cắt giảm chi phí quản lý hành chính hoặc đã “nhẹ gánh” trong trích lập dự phòng xử lý nợ xấu.

Cuộc chiến thị phần

Cuộc đua cho vay giai đoạn cuối năm giờ đây không chỉ là cuộc chơi của các ngân hàng trong nước mà ngay cả các ngân hàng nước ngoài cũng không muốn đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc các ngân hàng ngoại nhảy vào mảng tín dụng và trước mắt là tín dụng cá nhân lẫn doanh nghiệp, thị phần cho vay củ các ngân hàng dự kiến sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới.

Một ngân hàng mới xuất hiện tại Việt Nam là ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) đã bắt đầu chào mời vay mua ô tô với tỷ lệ cho vay lên tới 80% giá trị xe, lãi suất 5,8%/năm trên dư nợ giảm dần và được cố định 6 tháng đầu tiên. Từ tháng thứ 7.2017 trở đi UOB áp dụng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank + biên độ 3,5%, tương đương 10%/năm cho dòng sản phẩm vay mua ô tô. Còn với vay mua nhà, khi vay lãi suất thả nổi, chỉ trả lãi suất 7,99%/năm cho năm đầu, năm thứ hai 8,24%/năm, năm thứ 3 và năm thứ 4 trở đi 8,39%/năm. Song song đó còn có gói lãi suất cố định 3 năm với số tiền vay ít nhất 800 triệu đồng tối thiểu 5 năm, chỉ trả lãi suất 3 năm đầu 8,35%/năm và từ năm thứ 4 trở đi 9,49%/năm.

Gói lãi suất cố định 3 năm với số tiền vay ít nhất 1,6 tỷ đồng tối thiểu 5 năm áp dụng lãi suất 8%/năm trong suốt 3 năm đầu và sau đó áp dụng lãi suất 9,49%/năm. Mức lãi suất này tương đương lãi suất trung và dài hạn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của các NHTM trong nước.

Ai sẽ làm chủ cuộc chơi

Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2016, hệ thống các TCTD Việt Nam đã có 8 NH 100% vốn nước ngoài đã được thành lập và hoạt động, gồm ANZ Việt Nam, HSBC Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Public Bank Việt Nam, CIMB Việt Nam và Woori Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia phân tích tài chính, trước đây các NH 100% vốn nước ngoài tập trung hỗ trợ cho các DN FDI và có vẻ e ngại khách hàng trong nước, nhưng gần đây đã có sự chuyển hướng, tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng trưởng tín dụng thay vì chỉ tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí. Theo đó, các NH ngoại cũng đã hái được quả ngọt từ mảng này.

Đơn cử, như trong năm 2016, một ngân hàng ngoại là HSBC Việt Nam đã ghi nhận thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay truyền thống đạt 2.307 tỷ đồng. Việc các ngân hàng ngoại triển khai và thậm chí là mua bán sáp nhập nhau cũng đang khá mạnh mẽ. Tháng 4.2017, Shinhan Bank Việt Nam cũng đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ và đang thực hiện một cuộc “mở rộng “ đánh vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Một chuyên gia tài chính nhận định, trong mảng tín dụng hiện nay các NH ngoại có nhiều lợi thế hơn NH nội, bởi lãi suất cho vay khá thấp. Mặt bằng lãi suất của các NH nội đang áp dụng tùy theo lĩnh vực và đối tượng khách hàng, trừ những lĩnh vực tiên lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác khá cao. Còn các NH ngoại được hậu thuẫn vốn với chi phí thấp nên có điều kiện định lãi suất cho vay ở mức thấp hơn. Đó là lợi thế để các NH ngoại “tấn công” vào mảng tín dụng tại Việt Nam.

Theo Gia Miêu - V.A

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên