MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng ngoại tệ: Cân đối để tránh “đô la hóa”

07-06-2018 - 16:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù tỷ trọng tín dụng vẫn đang nghiêng về tín dụng VND, nhưng với mức tăng của tín dụng ngoại tệ trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng phải có sự cẩn trọng, tránh những hệ lụy với công tác kiểm soát tình trạng “đô la hóa”.

Được đà tăng

Nhận định về tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong những tháng đầu năm 2018, các báo cáo đều cho rằng mức tăng trưởng hợp lý, phù hợp với cân đối vĩ mô và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng ở mức độ hợp lý, trên 5%, tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn để đảm bảo thanh khoản của hệ thống và giữ ổn định mặt bằng lãi suất; trong khi trước đây thường chỉ khoảng 3-3,5%. Điểm mới của 2 năm trở lại đây (2017 và 2018) là tín dụng tăng trưởng khá đều ngay từ đầu năm, đã góp phần ổn định nền kinh tế rất nhiều so với các năm trước đây.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong quý I/2018, tín dụng ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 4,3%). Tín dụng VND ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%), như vậy, tín dụng ngoại tệ tiếp tục có mức tăng khá. Mức tăng vọt của tín dụng ngoại tệ đã được đưa ra cảnh báo từ những tháng cuối năm 2017, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ; phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, đồng thời kiểm soát tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp, đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay, tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ; không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Nguyên nhân của tín dụng tăng trong năm 2018, một phần do từ đầu năm, NHNN một lần nữa đã đồng ý tiếp tục gia hạn cho các DN vay ngoại tệ ngắn hạn cho đến hết năm 2018. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân tới từ nền kinh tế trong nước và quốc tế như: Nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa đầu năm; tình trạng nhập siêu đã quay trở lại trong tháng 5, lên tới 500 triệu USD sau 4 tháng liên tục xuất siêu, nếu tình hình này tiếp diễn sẽ càng khiến nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Hơn nữa, trong những tháng đầu năm 2018, tỷ giá ngoại tệ trong nước và thế giới liên tục có những biến động thất thường, dù biến động của tỷ giá trong nước vẫn trong biên độ cho phép nhưng cũng phần nào ảnh hưởng tới tình hình cung ứng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, khảo sát ý kiến một số DN chuyên xuất nhập khẩu được biết, các DN này muốn được vay vốn bằng ngoại tệ nhiều hơn vay bằng VND, bởi không những thuận lợi trong giao dịch với đối tác nước ngoài khi có nguồn ngoại tệ sẵn có, mà lãi suất cho vay bằng ngoại tệ nếu cộng với mức quy đổi tỷ giá ra VND thì vẫn thấp hơn so với vay vốn bằng VND. Theo NHNN, hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6%/năm. Trong khi đó, đối với VND, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Phải cân đối

Theo NHNN, với diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, lãi suất tiền gửi USD tiếp tục duy trì ở mức 0%/năm thì tâm lý găm giữ ngoại tệ trong tổ chức và nhân dân sẽ ngày càng giảm. Minh chứng là tỷ lệ “đô la hóa” tại Việt Nam đã giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31/12/2017; hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước. Đến nay, dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt khoảng 64 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm qua.

Theo các chuyên gia, đây là những con số tích cực, đáng ghi nhận trong nỗ lực chống “đô la hóa” của NHNN. Do đó, nếu có sự ủng hộ tích cực từ các điều kiện kinh tế vĩ mô như cả nước quay trở lại xuất siêu, tỷ giá ngoại tệ ổn định, lãi suất cho vay VND có điều kiện giảm như chỉ đạo của Chính phủ... thì nhu cầu ngoại tệ của các tổ chức, DN sẽ giảm xuống, giúp cân đối, đưa tỷ lệ tín dụng ngoại tệ xuống mức cho phép. Không những thế, với nguồn dự trữ ngoại tệ hiện nay, NHNN hoàn toàn có khả năng cấm cho vay ngoại tệ, không nên kéo dài, lần lữa như nhiều năm qua, vừa bảo đảm uy tín của ngân hàng quốc gia, vừa giúp ổn định nền kinh tế, tránh những hệ lụy khi tỷ lệ “đô la hóa” vì thế tăng theo.

Chính vì hiểu được những hệ lụy có thể gặp phải nếu để tín dụng ngoại tệ tăng cao, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để thu hút các nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, thể hiện qua chính sách quản lý hoạt động đại lý đổi ngoại tệ và chính sách mua, bán ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng với cá nhân và tổ chức. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ vào phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo nguồn cung tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Theo Hương Diệu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên