Tín dụng tăng trưởng đã đi kèm với kiểm soát chất lượng nợ xấu?
Bên cạnh đẩy mạnh cho vay khách hàng, nợ xấu cũng tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2019...
- 01-08-2019Nợ xấu tại 3 "ông lớn" ngân hàng đã hơn 40.000 tỷ, hơn nửa trong số đó là nợ có khả năng mất vốn
Thống kê trên 25 ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, nhiều nhà băng đã chạy tốc lực và đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao.
9 ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay trên 10% trong 6 tháng
Có 9/25 nhà băng có mức tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cao trên 10% trong vòng 6 tháng dù theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 vào khoảng 14%. Điều này đồng nghĩa với việc, để đáp ứng theo "ngưỡng chặn" mà Ngân hàng Nhà nước giao cho mỗi nhà băng, hoặc các ngân hàng phải "kìm chân" tín dụng trong nửa cuối năm hoặc được chấp thuận việc nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao.
Trên thực tế, một số ngân hàng đã được chấp thuận việc tăng room tăng trưởng tín dụng lên khoảng 17% như VPBank, Techcombank, MBB, ACB, tuy nhiên với việc tăng khá mạnh trong nửa đầu năm, tín dụng sẽ phải được kiểm soát chặt hơn trong vòng nửa cuối năm.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại có mức tăng trưởng tín dụng thấp so với mặt bằng chung. Hiện có 6 ngân hàng tăng trưởng dư nợ cho vay thấp hơn ngưỡng 5% trong vòng 6 tháng.
Đáng chú ý, ABBank còn tăng trưởng dư nợ cho vay -5%. Đây là đặc điểm mang tính chu kỳ của ngân hàng này khi thường xuyên tăng trưởng âm trong nửa đầu năm và bù đắp trong nửa cuối năm.
Nhờ nhiều nhà băng đạt kết quả thấp, trung bình trên số liệu 25 ngân hàng, mức tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân ở mức 8%.
Cho vay tăng đã đi kèm với kiểm soát chất lượng nợ xấu?
Có 21/25 ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính có kèm thông tin về chất lượng dư nợ cho vay cho thấy nợ xấu tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, tổng giá trị nợ xấu của 21 ngân hàng trên thời điểm cuối 30/6/2019 ở mức 85.748 tỷ đồng, tăng thêm gần 7.000 tỷ. Nếu xét riêng 21 ngân hàng này, trong khi tổng dư nợ cho vay tăng 7,99% thì tổng giá trị nợ xấu có mức tăng cao hơn với 8,7%.
Trong đó, nợ nhóm 3 tăng mạnh nhất với 22%. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng thêm 2.300 tỷ tương đương tăng 5,2%.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất các ngân hàng. Lưu ý (*) SeABank là báo cáo tài chính riêng.
Xét về giá trị, BIDV là ngân hàng có nợ xấu tăng nhiều nhất trong kỳ khi tăng thêm 2.318 tỷ. Tuy nhiên xét về tỷ lệ Nợ xấu/Dư nợ cho vay, NCB là ngân hàng có mức tăng lớn nhất khi tỷ lệ này đã tăng từ 1,67% đầu năm lên 2,75% cuối quý 2, trong đó chủ yếu tăng ở nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) từ 168 tỷ đồng lên 443 tỷ.
Tại top 9 ngân hàng có dư nợ cho vay tăng trưởng trên 10% trong 6 tháng, có 8 ngân hàng kèm thông tin nợ xấu. Tổng giá trị nợ xấu của nhóm này tăng 15% trong vòng 6 tháng lên mức 34.758 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tăng tại 4 nhà băng gồm Techcombank, TPBank, SHB và Vietcombank.