MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 2,57%, vượt 12 triệu tỷ đồng

25-04-2023 - 15:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 2,57%, vượt 12 triệu tỷ đồng

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/4/2023 đạt 2,57% so với cuối năm 2022. Mức tăng trưởng trên cao hơn giai đoạn dịch bệnh nhưng thấp hơn năm 2022 và 2021.

Chiều nay (25/4), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN.

Báo cáo tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến ngày 20/4/2023, quy mô tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng trên cao hơn giai đoạn dịch bệnh nhưng thấp hơn năm 2022 và 2021.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trước yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã chủ động ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các TCTD triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 2,57%, vượt 12 triệu tỷ đồng - Ảnh 1.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN. (Ảnh: SBV)

Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng.

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD;

Thứ hai, Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính HD Saison và Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi;

Thứ ba, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các Hội nghị tín dụng chuyên đề (DNNVV, Hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực,…)... nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng;

Thứ tư, tích cực triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Về chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 01/4/2023. Về phía Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/04/2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ;...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng đến nay chỉ bằng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn thấp, nhiều ngân hàng chỉ tăng trên dưới 1%; thậm chí có ngân hàng tăng trưởng âm.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, thanh khoản hệ thống ngân hàng  rất dồi dào, không có lý do gì để nói tín dụng tăng trưởng thấp vì thiếu vốn, thiếu room tín dụng. Đồng thời, NHNN đã tạo điều kiện rất tích cực hỗ trợ gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

"Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả những công cụ chính sách có thể được để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", Phó Thống đốc khẳng định.

Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên