Tin được mấy phần các “chuyên gia quản trị tài chính” mọc như nấm sau mưa trên TikTok?
Nghiên cứu cho thấy 34% GenZ coi TikTok là kênh phổ cập kiến thức về tài chính.
- 31-01-2024Món ăn hot nhất TikTok lúc này: Người khen ngon, kẻ chê dở nhưng không phải ai cũng biết cách thưởng thức
- 14-01-2024Thái Công đưa hàng trăm triệu lên TikTok: Viral vì không phải ai cũng được nghe chuyện bán hàng cho giới thượng lưu
- 11-01-2024Gian hàng "quý tộc" đột nhiên "bay màu" trên TikTok, Thái Công lên tiếng: Sập sàn vì số lượng đơn khủng!
Một cuộc thăm dò vào tháng 12/2023 được thực hiện bởi Generation Lab và Morning Brew - 2 công ty nghiên cứu tại Mỹ, cho thấy: 20% sinh viên đại học (18-21 tuổi) thường xuyên dùng mạng xã hội để phổ cập kiến thức về tài chính.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi SmartAsset - Một công ty Tài chính, công nghệ ở Mỹ: TikTok đã nổi lên như một trong những nền tảng hàng đầu về tư vấn tài chính, với 34% Gen Z cho biết họ nhận được những lời khuyên tài chính từ MXH này.
Những người tham gia khảo sát của SmartAsset cũng khẳng định trong trường hợp bản thân có khúc mắc cần được giải đáp, họ sẽ truy cập vào TikTok, xem những video có gắn hashtag #FinTok để tìm kiếm thông tin, hoặc tìm kênh có nhiều người theo dõi nhất để xin lời khuyên, tư vấn.
Hiện tại, hashtag #FinTok trên TikTok có hơn 4,5 tỷ lượt xem trên toàn câu. Đây là minh chứng lớn nhất cho lời khẳng định GenZ đang coi TikTok là một kênh phổ cập kiến thức tài chính.
Nhìn nhận thực trạng này, Brian Walsh - Giám đốc của Công ty tư vấn tài chính SoFi (Mỹ) khẳng định: "Không thể phủ nhận tác dụng của MXH nói chung trong việc giúp giới trẻ tiếp cận kiến thức, lời khuyên về cách tiết kiệm, quản lý tài chính hoặc thoát nợ tín dụng. Tuy nhiên, việc này giống như một con dao hai lưỡi, vì không phải chuyên gia nào trên MXH cũng thực sự có kiến thức về lĩnh vực này" .
Theo Brian Walsh, trước khi trao chọn niềm tin cho các "chuyên gia" trên TikTok, bạn cần nằm lòng 3 gạch đầu dòng dưới đây. Nếu họ từng thể hiện, hoặc từng khuyên 1 trong 3 điều này, rất có thể họ chỉ là "một chuyên gia tự phong", chứ chẳng thực sự có kiến thức về lĩnh vực tài chính.
1 - Những câu chuyện quá "màu hồng" về việc đầu tư, làm giàu
Nếu có bất kỳ chuyên gia nào nói với bạn rằng đừng chần chừ nữa, hãy bắt đầu rót vốn vào thị trường ngay bây giờ nếu không muốn vụt mất cơ hội sở hữu hàng triệu đô trong chớp mắt, tốt nhất là bạn nên unfollow hoặc block họ ngay lập tức.
Một chuyên gia thực thụ sẽ không bao giờ nói điều đó, vì hơn ai hết, họ hiểu rằng bất cứ thị trường nào cũng có rủi ro và chuyện làm giàu trong chớp mắt không phải là cách đầu tư bền vững.
"Câu chuyện thành công thoát nghèo và trở nên giàu có chỉ sau 1 đêm hoàn toàn là điều không đáng tin chút nào. Những người đang cố chứng minh, thuyết phục bạn tin vào điều này rất có thể đang ủ mưu kéo bạn vào một thị trường đầu tư phi pháp, nơi mà mọi thứ đã được lập trình sẵn để bạn chỉ có lỗ chứ không thể có lời nếu bạn đổ tiền vào đó. Cần tuyệt đối cảnh giác, tránh xa những chuyên gia kiểu như vậy" - Brian Walsh nhấn mạnh.
2 - Thái độ quá cực đoan về chuyện nợ nần
Theo Brian Walsh, những chuyên gia tài chính tự phong thường chơi đòn tâm lý để lôi kéo những người theo dõi họ đổ tiền vào các nền tảng/thị trường không minh bạch, hoặc chốt sale bán khóa học.
"Họ ra rả khẳng định rằng đầu tư là cách duy nhất để thoát nợ, hoặc bâng quơ nhắc tới những người đang oằn mình trả từng đồng nợ một với quan điểm: Nếu như anh ấy/cô ấy chịu đầu tư, giờ này họ không những trả được hết nợ, mà còn giàu hơn bội phần. Từ đó, họ có thể dẫn dắt bạn đăng ký một khóa học đầu tư, quản lý tài chính và nếu bạn thực sự đã làm vậy, rất có thể bạn đã mắc bẫy mà không biết" - Brian Walsh khẳng định.
Sau đó, ông còn cho biết thêm rằng một trong những "quy tắc ngầm" trong giới tư vấn tài chính chính là không được đưa ra bất kỳ lời chỉ trích cực đoan nào để khách hàng cảm thấy tuyệt vọng về tình hình tài chính hiện tại của họ, đồng thời, cũng không được hứa hẹn những điều tích cực thái quá.
"Tất cả những gì mà một người tư vấn tài chính chuyên nghiệp sẽ làm chỉ là: Phân tích lãi suất các khoản nợ cùng với tình hình thu nhập của khách hàng để đưa ra phương án trả nợ khả thi nhất trong thời gian nhanh nhất có thể, để hạn chế các khoản lãi phát sinh" - Brian Walsh cho biết thêm.
3 - Chỉ đưa ra được một giải pháp chung cho tất cả các vấn đề
Nếu một người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính luôn chỉ đưa ra 1 lời khuyên, đồng nghĩa với 1 giải pháp cho mọi vấn đề khác nhau, bạn cũng cần nâng cao cảnh giác. Theo quan điểm của Brian Walsh, những người bán/quảng cáo bảo hiểm nhân thọ thường có đặc điểm này.
"Người bán bảo hiểm không có tâm sẽ luôn coi bảo hiểm như một giải pháp toàn năng trong mọi hoàn cảnh, từ tệ đến rất tệ: Khi bạn ốm đau, bệnh tật; lúc bạn mất khả năng lao động hoặc đã nghỉ hưu; khi bạn gặp biến cố tài chính và cần một số tiền lớn,... Tất cả đều có thể được giải quyết bằng 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ" - Brian Walsh đưa ra ví dụ và khẳng định đây là điều nhảm nhí nhất vì không có bất kỳ giải pháp nào có khả năng giải quyết được mọi vấn đề tài chính.
Sau khi chỉ ra 3 dấu hiệu nhận biết các "chuyên gia tài chính tự phong", Brian Walsh còn tiết lộ một sự thật mà không phải ai cũng biết: "Các chuyên gia tài chính chuyên nghiệp luôn công khai quá trình làm việc cũng như các cột mốc trong sự nghiệp của họ ở phần Tiểu sử/Thông tin cá nhân trên các trang MXH (trong trường hợp họ có dùng MXH để chia sẻ kiến thức về tài chính.
Bạn có tìm hiểu từ đó và xác nhận lại tính minh bạch của những thông tin này bằng cách tìm tên các chuyên gia trên LinkedIn, để xem network cũng như quá trình học, làm việc của họ có thực sự đáng tin hay không" .
Phụ nữ mới