Tín hiệu 'lạ': GDP Việt Nam tăng trưởng nhưng người dân không tăng được tiền tiết kiệm, phải đi vay để tiêu dùng
Không phải GDP, phần tiền tiết kiệm (saving) mới là cái quan trọng nhất, TS. Bùi Trinh nói với Trí Thức Trẻ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đa số người dân Việt Nam phần tiết kiệm ngày càng bị giảm dần.
-
VND mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng lên 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng lên 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2-1,6%.
-
Có nên học tập Hàn Quốc, dân góp tiền xử lý nợ xấu?
Nghiên cứu gần đây của TS. Bùi Trinh (Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam) và TS. Nguyễn Hồ Phi Hà (Học viện Tài chính) đã chỉ ra một nghịch lý dù GDP tăng cao nhưng đa số người dân không có tiền để dành mà phải đi vay một phần để tiêu dùng.
Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giữa tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ năm 2010-2017 luôn ổn định ở mức 70-72% GDP. Như vây, mức tiêu dùng bình quân đầu người của dân cư bình quân tháng năm 2016 khoảng 2.572 nghìn đồng, trong khi đó thu nhập từ sản xuất bình quân tháng khoảng 2.386 nghìn đồng.
Từ những con số này, theo hai tác giả nhận định là tín hiệu khá nguy hiểm, không những thế nó còn cho thấy việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân.
Trao đổi thêm với TS. Bùi Trinh, ông cho biết, về nguyên tắc tổng thu nhập của các khu vực thể chế bao gồm: thu nhập từ sản xuất, thu nhập từ sở hữu và thu nhập từ chuyển nhượng.
Phần tiền tiết kiệm (saving) được tính toàn bằng cách lấy tổng thu nhập trừ trừ đi tiêu dùng cuối cùng. Phần tiền này là nguồn cơ bản để đầu tư.
"Đối với một nền kinh tế, tiết kiệm là yếu tố quan trọng hơn cả GDP", TS. Bùi Trinh nói và nhấn mạnh khi nguồn lực kinh tế qua tiết kiệm ngày càng nhỏ thì để tồn tại và tiếp tục sản xuất thì vay mượn là chuyện đương nhiên. Bởi đầu tư (Gross capital formation) = tiết kiệm (saving) + vay mượn (borrowing).
"Khi bình quân chung cả nền kinh tế thu nhập từ sản xuất không đủ chi tiêu dùng thì họ sẽ phải vay để tiêu dùng và tiền chuyển nhượng (kiều hối) nhẽ ra để đầu tư thì họ phải bù đắp cho chi tiêu", ông nói thêm.
Việc vay tiêu dùng, theo TS. Bùi Trinh có thể giúp cho GDP tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này kéo theo việc nguồn lực ngày càng yếu đi và rủi ro lạm phát, nợ xấu không thể không tính đến.
Một nghịch lý nữa được ông đặt ra là tuy thu nhập của người dân không đủ chi tiêu nhưng hệ số co giãn của người lao động trong nền kinh tế đang là rất lớn (khoảng 80% tổng giá trị gia tăng) và co giãn của vốn chỉ khoảng 20%.
Như vậy, ông cho rằng không tăng lương cũng không được, nhưng nếu tăng lương sẽ làm nguồn lực ngày càng nhỏ. Theo ông, hiện các chính sách đều chưa hướng đến việc giải quyết các nút thắt trên.
"Phải tập trung vào năng suất lao động cũng như chính sách cần hướng tới sự phồn vinh của đất nước", TS. Bùi Trinh nhấn mạnh.
Cũng trong nghiên cứu của TS. Bùi Trinh và TS. Phi Hà lần này cũng làm rõ một vài hiện trạng khác từ các dữ liệu của Tổng cục Thống kê.
Đơn cử như chỉ tiêu thu nhập của người lao động, một nhân tố của GDP, được hiểu bao gồm thu nhập bằng tiền và hiện vật của người này trong quá trình sản xuất. Tổng cục Thống kê hàng năm không công bố chỉ tiêu này, tuy nhiên, dựa vào bảng cân đối liên ngành có thể ước tính thu nhập từ sản xuất chiếm khoảng 53% GDP.
Như vậy, GDP bình quân đầu người năm 2016 ước tính 2.188 USD, tăng 25% so với năm 2012. Tuy nhiên, một điều trớ trêu, theo hai tác giả, thu nhập từ sản xuất bình quân của người lao động chỉ tăng 1,2%, khoảng 870 USD năm 2016 so với 860 USD hồi 2012.
Các con số cho thấy phần thặng dư bình quân rất cao do nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực FDI nên thặng dư dù tăng cao nhưng thực tế không giúp ích nhiều cho Việt Nam, lợi ích đa phần thuộc về khu vực nước ngoài.
Số liệu Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2016 ước đạt 1.648 USD. Trong đó, khoản thu nhập bình quân đầu người ngoài sản xuất (từ sở hữu và từ chuyển nhượng) khoảng 778 USD. Nếu tỷ lệ giữa thu nhập từ sản xuất so với tổng thu nhập năm 2012 khoảng 74 – 75% thì đến năm 2016, tỷ lệ này giảm xuống 53%, phần còn lại là thu nhập kiếm ngoài sản xuất, chiếm 47%.
Điều này cho thấy GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài, từ khâu sản xuất, lưu thông và phân phối lại.