Tín hiệu mới ở tuyến đường sắt 6,2 tỷ USD kết nối cảng biển đặc biệt của Việt Nam với 2 thành phố lớn
Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có kiến nghị Bộ GTVT cần nghiên cứu phương án thiết kế đường sắt đôi cho toàn tuyến đường sắt 6,2 tỷ USD.
- 29-03-2024Trình Thủ tướng điều chỉnh vay vốn dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
- 28-03-2024Giấc mơ "sáng Hà Nội, trưa TP.HCM" sẽ thành hiện thực với đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD, chạy 350km/h?
- 27-03-2024Đường sắt tốc độ cao có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm
Đề nghị thiết kế đường sắt đôi từ cảng Cái Mép - Thị Vải đến Vũng Tàu
Mới đây, Bộ GTVT đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024, nội dung kiến nghị như sau:
“Qua thông tin cử tri được biết, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng theo 02 giai đoạn: giai đoạn 1 từ Biên Hòa đến cảng Cái Mép - Thị Vải, thiết kế đường sắt đôi; giai đoạn 2 từ cảng Cái Mép - Thị Vải đến Vũng Tàu, thiết kế đường sắt đơn.
Cử tri đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu phương án từ cảng Cái Mép - Thị Vải đến Vũng Tàu, thiết kế đường sắt đôi. Lý do, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao, nếu thiết kế đường đơn sẽ nhanh chóng lạc hậu, không phát huy tối đa phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai”.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong phát triển giao thông vận tải khu vực Đông Nam Bộ nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, kết nối các phương thức vận tải phục vụ nhu cầu thu gom, giải toả hàng hoá cho cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và phục vụ vận chuyển hành khách kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Quyết định phê duyệt, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km, khổ 1435mm. Trong đó, đoạn Biên Hòa - Thị Vải nhu cầu đến năm 2050 khoảng 22,6 triệu tấn hàng hóa/năm và 9,0 triệu hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 75 đôi tàu/ngày đêm, được quy hoạch đường đôi với năng lực vận chuyển lên đến khoảng 120 đôi tàu/ngày đêm.
Bên cạnh đó, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu nhu cầu đến năm 2050 khoảng 0,68 triệu tấn hàng hóa/năm và 7,2 triệu hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 12 đôi tàu/ngày đêm được quy hoạch tuyến đường đơn với năng lực vận chuyển lên đến 35 đôi tàu/ngày đêm, tức là đã được dự phòng lên 2,9 lần năng lực so với nhu cầu.
Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan chủ trì lập điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ nghiên cứu, rà soát quy hoạch tuyến đường sắt nêu trên. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, đơn vị tư vấn rà soát kỹ lưỡng về nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuyến đường sắt kết nối cảng biển hàng đầu Việt Nam với 2 thành phố lớn
Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì là một trong 5 địa phương có mức đóng góp cao nhất cho cả nước về GDP và thu ngân sách. Trong đó, TP Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, và là một trong những trung tâm kinh tế của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Còn thành phố Biên Hòa là đô thị loại I, là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sông Đồng Nai chảy qua, cách thủ đô Hà Nội 1.684 km, cách trung tâm TP.HCM Minh 30 km, cách thành phố Vũng Tàu 90 km. Biên Hòa là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước.
Trong khi đó, cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong hai khu cảng xếp hạng đặc biệt trong hệ thống cảng biển ở Việt Nam. Cảng Cái Mép - Thị Vải giữ vị trí số 1 về quy mô đầu tư, trang thiết bị (hơn 2 tỷ USD) và năng lực tiếp nhận gần 7 triệu TEUs/năm,...
Với việc đầu tư để nạo vét luồng luôn bảo đảm độ sâu 15,5m, cảng này là 1 trong 19 cảng nước sâu trên thế giới, có thể tiếp nhận "siêu tàu" container ra vào. Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế đưa hàng từ Việt Nam đi thẳng tới Bắc Mỹ, EU mà không phải thông qua các cảng trung chuyển khác.
Vì vậy, việc xây dựng tuyến đường sắt từ TP Biên Hòa đi qua cảng Cái Mép - Thị Vải, rồi đến TP Vũng Tàu là tối quan trọng. Tuyến này đi qua địa phận các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu giúp tăng năng lực giao thông, thương mại và kích thích thị trường bất động sản khu vực. Dự án như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng, miền đến cảng Cái Mép - Thị Vải.
Khi tuyến đường sắt này hoàn thiện, kết hợp sân bay quốc tế Long Thành, sẽ mang lại nhiều ưu thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai tỉnh Ðồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, "chia lửa" cho quốc lộ 51.
Hiện nay cảng mới khai thác khoảng 50% công suất, hàng hóa vận chuyển một phần nhỏ bằng đường thủy và chủ yếu qua quốc lộ 51 nhưng không đem lại hiệu quả. Khi nào chưa hình thành tuyến đường sắt kết nối, chừng đó cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ không thể phát huy hết tiềm năng đặc biệt của mình.
Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến có chiều dài khoảng 128km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD. Số lượng ga và depot gồm 5 ga tuyến chính, 3 ga trong cảng, 1 ga trong Trung tâm Logistic và 3 depot.
Đời sống & pháp luật