Tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn làm phiền người dùng
Ảnh: Tin nhắn rác vẫn làm phiền người dùng.
Mặc dù nhiều biện pháp mạnh tay đã được cơ quan chức năng triển khai trong thời gian qua, tuy nhiên nhiều người dùng vẫn phải chịu tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Thời gian gần đây, mặc dù số cuộc gọi rác làm phiền đã giảm đáng kể, không còn tình trạng mời gọi mua bảo hiểm, làm đẹp nữa, tuy nhiên thi thoảng chị Lê Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) vẫn nhận được tin nhắn rác từ các số thuê bao lạ. Đáng chú ý, hình thức làm phiền ngày càng tinh vi, thay vì tin nhắn đến từ đầu số thuê bao cụ thể, tin nhắn được gửi đến điện thoại bằng địa chỉ gmail như greenlee649@gmail.com . Các tin nhắn chủ yếu mời gọi tham gia các trò cờ bạc trực tuyến, lừa đảo.
Anh Lê Văn Khánh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây, dù cuộc gọi rác giảm nhiều nhưng tin nhắn rác vẫn làm phiền anh. Anh thường xuyên nhận được các tin nhắn từ nhiều đầu số với nội dung bán sim số đẹp, mời gọi vay vốn.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2020, tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo đã giảm nhiều.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác hướng tới việc siết chặt công tác xử lý rác viễn thông (siết chặt quản lý tin nhắn rác, bổ sung quy định quản lý cuộc gọi rác).
Ngay sau khi ban hành Nghị định, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Theo đó, việc triển khai công tác tuyên truyền Nghị định, xây dựng hệ thống kỹ thuật đã được tích cực thực hiện. Cụ thể, sau 01 tháng ban hành Nghị định đã ghi nhận kết quả rất khả quan khi tỷ lệ phản ánh tin nhắn rác tháng 11/2020 giảm 47% so với tháng 10/2020.
Tuy vậy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng tin nhắn, tin giả vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân được Bộ chỉ ra là do một số doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực thi giải pháp khắc phục chưa triệt để, chế tài chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, một bộ phận người dùng nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của việc sử dụng SIM thuê bao chính danh, cũng như sự cần thiết của việc triển khai các biện pháp chặn lọc cuộc gọi rác.
Trước đó, Nghị định 91 của Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656), thư điện tử rác. Người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Nghị định cũng quy định 8 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác gồm Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Tiếp nhận, xử lý phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại. Ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử phát tán tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác. Tăng cường phối hợp trong nước và quốc tế về chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Cuối cùng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Tiền Phong