MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin tốt ra dồn dập, vì sao VN-Index vẫn "xịt hơi"?

Tin tốt ra dồn dập, vì sao VN-Index vẫn "xịt hơi"?

Mặc dù tin tốt ra dồn dập, nhưng thị trường chứng khoán lại phản ứng không mấy tích cực.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa liên tiếp ban hành những chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, NHNN ban thành Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, quy định có hiệu lực từ 24/4 đến hết 30/6/2024. Cùng thời điểm, NHNN cũng ban hành Thông tư 03 cho phép TCTD mua lại trái phiếu doanh nghiệp từ ngày 24/4 đến hết 31/12/2023.

Đây được xem là những quyết sách chủ động, kịp thời của NHNN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Mặc dù tin tốt ra dồn dập, nhưng thị trường chứng khoán lại phản ứng không mấy tích cực. Dòng tiền không mặn mà nhập cuộc khiến VN-Index liên tục “xịt hơi”, dù biên độ giảm không lớn.

vnindex_ind-14.jpeg

Vậy tác động của những Thông tư trên ra sao? Và vì sao dòng tiền vẫn "trơ" với tin tốt? Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC đưa ra một vài nhận định.

Chính sách tác động tích cực

Với Thông tư 02, ông Huy cho rằng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là một chính sách cực kỳ có ý nghĩa, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều thời gian để xoay vòng vốn. Đặc biệt, Thông tư này có hiệu lực dài giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn có thêm thời gian để vượt khó và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Điều này giúp ích rất nhiều, bởi lẽ có nhiều doanh nghiệp chỉ cần cho thêm thời gian là hoàn toàn có thể cấu trúc thành công.

Do đó, ông Huy đánh giá thông tư này mang tính thực tiễn rất lớn. Tuy nhiên chính sách nào cũng có độ trễ và nhiều chính sách cũng chưa được áp dụng ngay lập tức nên chưa thể đánh giá hiệu quả. Nhìn chung, các giải pháp đang được tiến hành đồng bộ và khẩn trương từ các nhà điều hành.

Theo chuyên gia, Thông tư 02 không chỉ giúp nhóm Ngân hàng, BĐS hưởng lợi mà còn một phần rất lớn các doanh nghiệp sản xuất cũng có thể được tạo điều kiện, có thêm thời gian để vượt khó. Nhóm BĐS trước nay thường xuyên đảo nợ nên có thể doanh nghiệp sản xuất sẽ hưởng lợi nhiều từ Thông tư này.

Nhận định về Thông tư 03, vị chuyên gia cho rằng  việc ngân hàng được mua lai trái phiếu là một động thái tích cực, song sẽ có sự chọn lọc. Trái phiếu doanh nghiệp quá rủi ro, yếu kém sẽ không nằm trong diện được mua lại. Mặt khác, vị chuyên gia dự báo thanh khoản của thị trường Trái phiếu cũng sẽ gia tăng đáng kể, đặc biệt ở thị trường "Inter Dealer Market", đây là tiền đề để phát triển sàn giao dịch thứ cấp cho trái phiếu riêng lẻ.

Vì sao thị trường vẫn hụt hơi?

Lý giải về phản ứng trái chiều của TTCK, Giám đốc DSC cho rằng câu chuyện của thị trường là dòng tiền và những chính sách này rõ ràng chưa thể ngay lập tức mang nhiều tiền cho TTCK. Có chăng chỉ là chờ đợi một hiệu ứng tâm lý trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo quan sát của chuyên gia, nhà đầu tư hiện tại còn lại trên thị trường đa phần là thiện chiến. Dòng tiền đứng ngoài có thể đang chờ đợi sự chuyển biến thực sự của nền kinh tế để thay đổi quan điểm và sẵn sàng xuống tiền. Do chính sách phải cần có độ trễ và cần sự đồng bộ, không chỉ Thông tư 02 mà còn nhiều Thông tư/Nghị định...khác. Do đó, những chính sách này không làm thị trường hưng phấn hơn cũng không có gì bất thường.

Đơn giản ví von thế này, khi một người ốm nặng, cần phối hợp nhiều thuốc và khi chưa có dấu hiệu nào cải thiện thì người ta chưa tin vào thang thuốc. Khi nền kinh tế khó khăn, nhiều nhóm ngành gặp khó, các chính sách được đưa ra nhưng nếu chưa có những chuyển biến cụ thể, những số liệu chính thức thì người ta sẽ chưa tin vào chính sách. Kỳ vọng thì ai cũng có, nhưng sau một năm 2022 quá đau thương, để dòng tiền NĐT trở lại thị trường thì mọi thứ phải thực tế, chứ không chỉ ở thể kỳ vọng” , chuyên gia DSC phân tích.

Do đó, ông Huy cho rằng, nền kinh tế hay thị trường chứng khoán cần thời gian để hồi phục, cần thời gian để các chính sách có tác dụng.

Bàn thêm về hiệu ứng “Sell in May”, ông Huy cho rằng không quá đáng ngại. Bởi hầu hết các cổ phiếu để trong tình trạng thiếu cầu, nhưng cũng cạn cung. Độ “trơ” của thị trường thể hiện qua thanh khoản cực thấp. Hiệu ứng “Go away” cũng không đáng lo, vì nhiều NĐT đã rời bỏ thị trường từ sau những biến động năm 2022. Do đó, chuyên gia cho rằng thị trường vẫn tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp, nhưng “Sell in May & Go away” năm nay không đáng ngại.

Thị trường đang ở vùng tích lũy, lực cản là vĩ mô xấu còn lực đẩy là chính sách đang hỗ trợ. Thị trường sẽ tích lũy đến khi bức tranh sáng dần. Thời gian qua cũng có nhiều cổ phiếu tăng tốt nhờ có những câu chuyện riêng, những kỳ vọng riêng. Nếu nền kinh tế tốt dần lên, chuyên gia cho rằng sẽ có thêm nhiều câu chuyện và thị trường khi đó sẽ sôi động hơn.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên