Tin vui cho ngành ngân hàng: Tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương sau 2 tháng âm liên tiếp
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023.
- 25-02-2024Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Khó đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024
- 02-01-2024NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024, giao hết toàn bộ room tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm
- 23-12-2023Thủ tướng ra chỉ đạo nóng về điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế
Ngày 28/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Tham dự cuộc họp có bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cùng các chuyên gia, Thành viên Hội đồng.
Báo cáo tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).
Theo NHNN, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3. NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...
Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã ở mức âm trong 2 tháng đầu năm. Số liệu của NHNN cho biết, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
Tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng không quá bất thường khi bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn 2013 - 2023 chỉ là 0,56%. Dữ liệu lịch sử cho thấy tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm xuất hiện trong các năm 2014 và 2018.
Chia sẻ tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết qua hai tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm, với thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm.
"Nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ sau khi tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%", Phó Thống đốc cho biết.
Theo ông Hà, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước. Năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.
Về giải pháp, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Ngay đầu tháng 2, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng.
Về phía người cho vay, thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ hơn. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như quỹ bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này.
Về phía người đi vay, NHNN cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực thực hiện giải pháp tái cơ cấu hoạt động, có thêm các dự án đầu tư hay sản xuất kinh doanh khả thi, chứng minh được sự khả thi của các dự án của mình; minh bạch, tăng cường năng lực tài chính để người cho vay (các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại) thẩm định và cung ứng dịch vụ vốn vay cho người vay một cách thuận lợi trong thời gian tới.